• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Rộng cửa đón vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam

Động thái mới đây của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thể hiện quyết tâm về việc nâng hạng thị trường, qua đó thu hút thêm dòng vốn ngoại.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa có thông báo lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Rộng cửa đón vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam

 

Trong đó, dự thảo Thông tư bổ sung quy định giao dịch không ký quỹ 100% tiền của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Theo đó, công ty chứng khoán được nhận lệnh giao dịch mua chứng khoán của khách hàng là nhà đầu tư tổ chức nước ngoài khi tài khoản của khách hàng không đủ 100% giá trị lệnh đặt.

Ngoài ra, để tăng tính minh bạch trên thị trường chứng khoán và tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận thông tin, dự thảo Thông tư bổ sung thêm ngôn ngữ công bố thông tin gồm cả tiếng Việt và tiếng Anh.

Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư nước ngoài phải ký quỹ 100% giao dịch, và đây được coi là điểm nghẽn cần được gỡ bỏ trong tiến trình nâng hạng thị trường. Hiện nay, Việt Nam đã đạt 7/9 tiêu chí, còn 2 tiêu chí cần hoàn thiện là ký quỹ trước giao dịch và tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Động thái của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước diễn ra trong bối cảnh khối ngoại gần đây mạnh tay bán ròng, kéo dài chuỗi ngày "xả hàng" trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính từ đầu năm 2024, riêng dòng tiền rút ròng từ các quỹ ETF lên tới 4.951 tỷ đồng.

Có thể thấy, quyết tâm của Chính phủ, cơ quan quản lý để khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết về việc nâng hạng thị trường và đưa hệ thống giao dịch mới vào vận hành càng củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.

Trước đó, chia sẻ với báo chí, bà Phạm Thị Thuỳ Linh, Phó vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trong kỳ đánh giá tháng 9/2023, FTSE xác định Việt Nam là thị trường mới nổi thứ cấp và đặt trong danh sách theo dõi. Để cải thiện tình hình, có 2 nhóm vấn đề trọng yếu cần giải quyết gồm yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room).

Việc lấy ý kiến cho Thông tư sửa đổi kể trên chính là động thái để giải quyết vấn đề yêu cầu ký quỹ trước giao dịch với nhà đầu tư nước ngoài, thể hiện quyết tâm nâng hạng thị trường theo mục tiêu đề ra tại Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, theo tiêu chuẩn phân hạng thị trường chứng khoán của các tổ chức quốc tế.

Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể thu hút 25 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp từ các nhà đầu tư quốc tế đổ vào cho tới năm 2030.

Giới phân tích nhận định, nâng hạng thị trường sẽ tác động đến thanh khoản của thị trường chứng khoán, thanh khoản của cổ phiếu vốn hóa lớn khi các quỹ đầu tư nước ngoài giao dịch nhiều hơn.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Chứng khoán Maybank cho rằng một trong những lợi ích lớn nhất của việc nâng hạng chính là thu hút thêm dòng vốn ngoại. Bởi tỷ trọng giao dịch của khối ngoại hiện chỉ chiếm khoảng 10% - 15% toàn thị trường, trong khi con số này trước đây luôn là 30% - 40%.

"Để tạo sức hấp dẫn cho thị trường chứng khoán nhằm đáp ứng điều kiện nâng hạng, cần bổ sung thêm hàng hóa chất lượng là các doanh nghiệp ở những nhóm ngành công nghệ, trí tuệ nhân tạo, năng lượng xanh, sạch… góp phần thu hút vốn ngoại", ông Khánh nói.

Linh Đan

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...