• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thị trường chứng khoán ngày 1/8/2022: Thông tin trước giờ mở cửa

Cổ phiếu địa ốc cùng nhà băng đưa VN-Index về lại mốc 1.200 điểm; VEIL bán ròng tuần thứ 3 liên tiếp; Hơn 55,8 triệu cổ phiếu APH sắp niêm yết bổ sung;...là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 1/8/2022.

Cổ phiếu địa ốc cùng nhà băng đưa VN-Index về lại mốc 1.200 điểm: Sau nhiều tuần thất bại, VN-Index cuối cùng đã thành công lấy lại ngưỡng 1.200 khi kết thúc tuần với 1.206,33 điểm, tương ứng tăng 0,97% so với cuối tuần trước. Trong khi đó, HNX-Index lại giảm nhẹ 0,08%, về mức 288,61 điểm. Dù vậy, thanh khoản trên cả hai sàn lại tiếp tục giảm. Cụ thể, khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE chỉ đạt gần 468 triệu cp/phiên, giảm 6,62% so với tuần giao dịch trước. Ở sàn HNX, thanh khoản bình quân giảm đến hơn 12%, còn 57 triệu cp/phiên.

Kết quả tích cực của VN-Index trong tuần qua có được là nhờ sự hậu thuẫn từ hai nhóm ngành có vốn hóa lớn là ngân hàng và bất động sản. Đối với nhóm ngân hàng, có đến 5 cổ phiếu của nhóm này góp mặt trong top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực đến chỉ số nhất tuần, gồm VCB, BID, STB, TCB và VPB. Tổng cộng, nhóm 5 cổ phiếu này đã kéo tăng hơn 7 điểm cho chỉ số, riêng VCB là cổ phiếu tích cực nhất sàn khi lấy về hơn 2,6 điểm. Bên cạnh nhóm ngân hàng thì nhóm bất động sản cũng đã có những ảnh hưởng đáng kể vào thành công của VN-Index trong tuần qua. Cụ thể, cũng có đến 4 cổ phiếu thuộc nhóm này góp mặt trong top10 tích cực nhất tuần, gồm BCM, VHM, VRE và DXG. Tổng cộng, 4 cổ phiếu này đã giúp chỉ số tăng gần 5 điểm.

Thị trường chứng khoán ngày 1/8/2022: Thông tin trước giờ mở cửa

Thị trường chứng khoán ngày 1/8/2022: Thông tin trước giờ mở cửa

Khối ngoại đẩy mạnh mua ròng, tâm điểm SSI: Khối ngoại là điểm sáng của thị trường khi thực hiện mua vào tổng cộng 142 triệu cổ phiếu, trị giá 5.727 tỷ đồng, trong khi bán ra 118 triệu cổ phiếu, trị giá 4.495 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng ở mức hơn 24,4 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 1.232 tỷ đồng. Trên sàn HoSE, khối ngoại đẩy mạnh mua ròng 1.475 tỷ đồng (gấp 2,7 lần tuần trước), tương ứng khối lượng mua ròng là 32,7 triệu cổ phiếu. Nếu chỉ tính giao dịch khớp lệnh, dòng vốn ngoại sàn này mua ròng 952 tỷ đồng. Khối ngoại sàn HoSE mua ròng đột biến mã KDC với 976 tỷ đồng và chủ yếu đến từ giao dịch thỏa thuận. SSI cũng được khối ngoại mua ròng mạnh với giá trị gần 257 tỷ đồng.Chiều ngược lại, HPG đứng đầu danh sách bán ròng với giá trị 352 tỷ đồng. NVL đứng thứ hai trong danh sách bán ròng với 308 tỷ đồng. Tiếp sau đó là DGC với giá trị bán ròng 82 tỷ đồng.

Tự doanh giao dịch sôi động tuần qua: Diễn biến tích cực của thị trường được hỗ trợ một phần từ dòng tiền của bộ phận tự doanh các công ty chứng khoán. Tuần này nhóm này tiếp tục vào ròng 236 tỷ đồng cổ phiếu trong khi bán ròng nhẹ 33,2 tỷ đồng chứng chỉ quỹ ETF nội, chứng quyền. Cụ thể, sau khi giảm quy mô bán ròng xuống còn gần 20 tỷ đồng tuần trước, khối tự doanh đảo chiều mua ròng gần 236 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết trên HOSE. Dòng tiền cũng có phần nhộn nhịp hơn khi quy mô giao dịch được đẩy lên cao ở cả hai chiều mua bán. Thống kê cho thấy, giá trị mua và bán cổ phiếu trên sàn HOSE tuần này là 1.631 tỷ đồng và 1.395 tỷ đồng, cao nhất trong tháng 7. Giá trị chiều mua gần gấp đôi so với tuần trước (890 tỷ đồng). Trong phiên cuối tuần (29/7), giá trị mua bán cổ phiếu HOSE ở ngưỡng cao nhất kể từ cuối tháng 5, lần lượt là 707 tỷ đồng và 796 tỷ đồng. Tại sàn HNX, dòng tiền quay lại bán ròng 30,4 tỷ đồng sau hai tuần mua nhẹ. Trạng thái tích cực tiếp diễn trên UPCoM khi khối tự doanh tiếp tục gom 30,5 tỷ đồng cổ phiếu.

VEIL bán ròng tuần thứ 3 liên tiếp: Theo báo cáo tuần của quỹ Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) thuộc Dragon Capital ngày 21/7, giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ đã về dưới ngưỡng 2 tỷ USD. Lần gần nhất NAV của quỹ về dưới ngưỡng này là vào tháng 2/2021, khi làn sóng Covid-19 thứ 3 quét qua thị trường đã khiến hàng loạt cổ phiếu lao dốc. Tỷ trọng tiền mặt tại quỹ ở mức 3,2%, tương ứng giá trị khoảng 63,5 triệu USD (khoảng 1.488 tỷ đồng). Như vậy, động thái liên tục bán ròng tuần thứ 3 liên tiếp của VEIL diễn ra trong bối cảnh thị trường duy trì đà hồi phục trong tuần 18/7-22/7. Trước đó, tại ngày cuối tháng 6, giá trị tiền mặt của VEIL đạt 10,8 triệu USD (khoảng 251 tỷ đồng) với tỷ trọng 0,53%, thấp nhất trong một năm qua. Như vậy, sau 3 tuần, VEIL bán ròng gần 52,8 triệu USD, tương ứng khoảng 1.237 tỷ đồng.

Hơn 55,8 triệu cổ phiếu APH sắp niêm yết bổ sung: Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM đã chấp thuận cho CTCP Nhựa An Phát Xanh niêm yết bổ sung hơn 55,8 triệu cổ phiếu từ ngày 1/8, nâng tổng lượng chứng khoán niêm yết lên 382,3 triệu cổ phiếu. Số cổ phiếu này sẽ giao dịch từ ngày 8/8. Đây là lượng cổ phiếu Nhựa An Phát Xanh chào bán ra công chúng thông qua đấu giá. Cụ thể, Nhựa An Phát Xanh đấu giá thành công 56% số cổ phần đã chào bán trước đó (100 triệu đơn vị), với giá trung bình quân là 12.000 đồng/cp. Trước thềm phiên đấu giá, 35 nhà đầu tư đã đăng ký đấu giá cổ phiếu AAA, trong đó, 33 nhà đầu tư cá nhân và 2 tổ chức đã đăng ký với tổng khối lượng là 55,8 triệu cổ phiếu. Trong đó, công ty mẹ của Nhựa An Phát Xanh là An Phát Holdings (HoSE: APH) đăng ký mua 40,8 triệu cổ phiếu để nâng tỷ lệ sở hữu tại Nhựa An Phát Xanh.

Dược phẩm Imexpharm (IMP) "về tay" SK Investment Vina III: Tại CTCP Dược phẩm Imexpharm (HOSE: IMP), cổ đông SK Investment Vina III báo cáo vừa mua thêm 4,9 triệu cổ phiếu vào ngày 22/07. Theo đó, SK củng cố vị trí cổ đông lớn nhất tại IMP khi nâng sở hữu từ 31,1 triệu cổ phiếu (46,57%) lên 36 triệu cổ phiếu (53,94%). Thanh khoản tại IMP còn thấp, bình quân quý chưa đến 5.000 cp/phiên, nên các giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Chiếu theo giá 65.900 đồng/cp chốt phiên 22/07, ước tính thương vụ của SK có giá trị lên đến khoảng 323 tỷ đồng.

Lưu Lâm

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...