Thị trường chứng khoán ngày 15/2/2022: Thông tin trước giờ mở cửa
Một cổ phiếu tăng hơn 100% sau một tuần; Đưa cổ phiếu TNI và MHL vào diện cảnh báo; Quỹ ngoại chi cả ngàn tỷ đồng tăng sở hữu tại Imexpharm;… là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến Quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 15/2/2022.
Đưa cổ phiếu TNI và MHL vào diện cảnh báo: Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa quyết định đưa cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Thành Nam (HOSE: TNI) vào diện cảnh báo kể từ ngày 18/02/2022. Lý do là lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ trên BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2021 là âm hơn 16 tỷ đồng (lỗ ròng hơn 16 tỷ đồng), thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định. Tương tự, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng có quyết định với trường hợp của CTCP Minh Hữu Liên (HNX: MHL). Theo đó, lợi nhuận sau thuế năm 2021 và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/09/0221 trên BCTC cho năm tài chính kết thúc tại ngày 30/09/2021 là số âm, thuộc trường hợp bị cảnh báo theo quy định. Theo đó, cổ phiếu MHL bị đưa vào diện cảnh báo và bị cắt margin từ ngày 11/02/2022.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM vừa quyết định đưa cổ phiếu TNI vào diện cảnh báo kể từ ngày 18/02/2022 do lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ trên BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2021 là âm hơn 16 tỷ đồng. Hình minh họa |
Một cổ phiếu tăng hơn 100% sau một tuần: Kết phiên ngày 14/2, cổ phiếu BBH của Bao bì Hoàng Thạch (UPCoM: BBH) tăng 0,6% lên mức giá 16.500 đồng/cp, chấm dứt chuỗi tăng trần 4 phiên liên tiếp. Trong tuần đầu giao dịch của năm Nhâm Dần, cổ phiếu này đã tăng hơn 100% từ mức giá 7.900 đồng/cp lên 16.500 đồng/cp. Riêng trong phiên 8/2 cổ phiếu này tăng kịch biên độ 40% sau thời gian dài không giao dịch. Hơn 2 triệu cổ phiếu BBH giao dịch ngày đầu tiên trên UPCoM vào ngày 14/5/2020. Từ thời điểm đó đến nay, mã này duy trì mức thanh khoản thấp, mỗi phiên khoảng 100 đơn vị khớp lệnh. Phiên 11/2 ghi nhận 4.000 đơn vị khớp lệnh với tổng giá trị giao dịch hơn 65 triệu đồng.
Cổ phiếu vận tải và kim loại hút tiền: Thị trường tăng điểm trong tuần giao dịch đầu tiên sau Tết. VN-Index tăng 1,5% lên hơn 1.501,7 điểm, HNX-Index tăng 2,4% lên gần 426,9 điểm. Tuần qua, dòng tiền hồi phục ở nhóm cổ phiếu vận tải. SKG dẫn đầu thị trường với mức tăng khối lượng giao dịch bình quân gấp 5 lần tuần trước. Giá cổ phiếu ghi nhận mức tăng 8,6% trong tuần. HAH, HVN cũng ghi nhận thanh khoản tăng bằng lần so với trước. Tình hình giao thông và du lịch đang dần bình thường trở lại có lẽ đang tạo điều kiện cho nhóm vận tải. Nhóm kim loại cũng được dòng tiền ưu ái trong tuần qua. TLH, NKG, CVN đều tăng mạnh thanh khoản. Các mã này ghi nhận thị giá tăng với mức phần trăm 2 chữ số so với tuần trước. Ngoài ra, nhóm bất động sản trên HNX cũng rất tích cực. AAV, HUT, TIG, NDN, PV2 là những đại diện hút tiền tuần qua…
Quỹ ngoại chi cả ngàn tỷ đồng tăng sở hữu tại Imexpharm: SK Investment Vina III Pte. Ltd báo cáo đã mua gần 11,4 triệu cp IMP vào ngày 11/02. Quỹ thành viên của SK Group (Hàn Quốc) đã tăng sở hữu đáng kể từ 19,6 triệu cp (29,4%) lên thành 31 triệu cp (46,5%) và tiếp tục là cổ đông lớn nhất tại IMP. Giao dịch được thực hiện theo hình thức thỏa thuận, giá trị thương vụ đạt hơn 1.000 tỷ đồng, tương ứng bình quân 88.000 đồng/cp. Trên thị trường, cổ phiếu IMP giảm sàn trong phiên 11/02 về còn 80.400 đồng/cp. IMP có mức tăng 46% qua 1 năm với thanh khoản trên 33.000 cp/phiên. Chốt phiên 14/02, cổ phiếu IMP giảm 1,62% và đang được giao dịch quanh mức 79.100 đồng/cp.
VCG và PVD có thể vào rổ VNM ETF: Công ty chứng khoán BIDV (BSC) dự báo VNM ETF sẽ thêm mới hai cổ phiếu là VCG và PVD tại đợt review danh mục quý 1/2022. Cụ thể, dựa trên dữ liệu chốt ngày 09/02, BSC dự báo VanEck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) sẽ thêm mới hai cổ phiếu VCG và PVD, do đã thỏa mãn tiêu chí với tỷ lệ freefloat lần lượt 45% và 43%. Ước tính, VCG sẽ được thêm mới với tỷ trọng là 1,1%, tương đương mua mới gần 2,8 triệu cp. PVD cũng được gom vào với tỷ trọng thấp hơn (0,7%), tương đương 2,5 triệu cp. Đồng thời, VNM ETF dự kiến sẽ không loại cổ phiếu nào khỏi danh mục. Tính đến thời điểm hiện tại, danh mục của quỹ gồm 50 cổ phiếu, với 14 mã là cổ phiếu nước ngoài, chiếm tỷ trọng 22% so với tỷ lệ 21,43% đầu kỳ và 36 mã Việt Nam, chiếm tỷ trọng 77,9% so với 78,6% đầu kỳ…
SSI đón dòng vốn khủng lên tới 10.000 tỷ đồng từ VietinBank: Chứng khoán SSI (Mã: SSI) vừa có thông báo ký thành công hợp đồng vay vốn hạn mức 10.000 tỷ đồng (hơn 440 triệu USD) với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Hà Nội (VietinBank). Thông tin thêm, hợp đồng hạn mức tín dụng giữa SSI và Vietinbank có kỳ hạn không quá 12 tháng với mức lãi suất ngắn hạn theo thị trường hiện đã được giải ngân một phần. Trong năm 2021, để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh, SSI có hợp đồng với nhiều định chế tài chính quốc tế, đặc biệt đến từ Đài Loan. Hợp đồng tín dụng 10.000 tỷ đồng lần này là kỷ lục mới không chỉ với riêng SSI, mà còn lớn nhất về giá trị trong nhóm các công ty chứng khoán.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng 280 tỷ đồng trong phiên 14/2, HPG, HDB và VIC là tâm điểm: Giao dịch của khối ngoại vẫn đi theo chiều hướng tương đối tiêu cực. Cụ thể, khối ngoại phiên 14/2 mua vào 28 triệu cổ phiếu, trị giá 1.307,6 tỷ đồng, trong khi bán ra 41 triệu cổ phiếu, trị giá 1.587,4 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 13,2 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 280 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, khối ngoại có phiên bán ròng thứ 3 liên tiếp với giá trị giảm 45% so với phiên trước và ở mức 295 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 13,7 triệu cổ phiếu. HPG đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại sàn HoSE với giá trị 175 tỷ đồng. HDB và VIC bị bán ròng lần lượt 162 tỷ đồng và 132 tỷ đồng. Trong khi đó, GAS được mua ròng mạnh nhất với giá trị 74 tỷ đồng. GMD và NVL đều được mua ròng trên 40 tỷ đồng…
Tân An