Thị trường chứng khoán ngày 17/1/2022: Thông tin trước giờ mở cửa
Cổ phiếu BIG tăng trần liên tục, Big Invest Group gấp đôi giá trị vốn hóa sau 5 ngày; Nova Consumer mở màn IPO năm 2022; Hai CTCK bị xử phạt do vi phạm trong công bố thông tin và cho vay margin vượt hạn mức;… là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến Quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 17/1/2022.
Nova Consumer mở màn IPO năm 2022: CTCP Tập đoàn Nova Consumer - Nova Consumer sẽ tiến hành chào bán ra công chúng 10,9 triệu cổ phiếu với giá chào bán tối thiểu là 43.462 đồng/cp. Nhà đầu tư tham gia sẽ đặt mua tối thiểu 1.000 và tối đa là 5.444.000 cổ phiếu. Thời gian nhận đăng ký mua và nộp tiền đặt cọc: Từ ngày 07/02/2022 đến ngày 28/02/2022. Kết quả đặt mua sẽ được công bố vào ngày 4/3/2022. Lượng cổ phiếu IPO là cổ phiếu phát hành mới, tương đương 10% vốn điều lệ hiện hữu của công ty là 1.088,8 tỷ đồng. Tạm tính theo mức giá chào bán thì Nova Consumer có mức định giá pre-IPO vào khoảng hơn 4.700 tỷ đồng và định giá sau chào bán là 5.200 tỷ đồng (tương đương gần 220 triệu USD).
CTCP Tập đoàn Nova Consumer - Nova Consumer sẽ tiến hành chào bán ra công chúng 10,9 triệu cổ phiếu với giá chào bán tối thiểu là 43.462 đồng/cp. Hình minh họa |
Cổ phiếu BIG tăng trần liên tục, Big Invest Group gấp đôi giá trị vốn hóa sau 5 ngày: CTCP Big Invest Group chính thức chào sàn UPCoM ngày 10/1/2022. Trong phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu này đã tăng hết biên độ cho phép (gần 40%), khối lượng khớp lệnh trong ngày đầu tiên là 43.600 cp. Dù mới lên sàn, lượng dư mua của nhà đầu tư trong nước đạt gần 2,5 triệu cp, tức hơn 50% lượng cổ phiếu đang lưu hành (5 triệu cp). Sau 5 ngày giao dịch cổ phiếu BIG tăng từ 10.900 đồng/cp lên mức 23.000 đồng/cp giúp Big Invest Group gấp đôi giá trị vốn hóa. Với mức tăng giá này, vốn hóa thị trường của Big Invest Group tăng hơn 50% từ mức 54,5 tỷ đồng lên 109 tỷ đồng.
Cá nhân trong nước bán ròng hơn 1.600 tỷ đồng trong tuần cổ phiếu đầu cơ lao dốc: Theo dữ liệu từ FiinPro, cá nhân trong nước có tuần bán ròng thứ 3 liên tiếp ở sàn HoSE với giá trị gần 1.647 tỷ đồng, gấp 3,3 lần so với tuần trước, trong đó, dòng vốn này bán ròng 1.824 tỷ đồng thông qua phương thức khớp lệnh. CII là cổ phiếu được cá nhân trong nước mua ròng mạnh nhất với giá trị 549 tỷ đồng. Đây là cổ phiếu đang khiến nhà đầu tư phải lo lắng khi có 3 phiên giảm sàn và "đóng băng" thanh khoản sau thông tin Tâm Hoàng Minh bỏ cọc lô đất 24.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm. GEX và VNM cũng là hai cổ phiếu được cá nhân trong nước mua ròng rất mạnh với giá trị lần lượt 487 tỷ đồng và 465 tỷ đồng. Trong khi đó, VHM bị bán ròng mạnh nhất với 764 tỷ đồng. VNG và KBC bị bán ròng lần lượt 422 tỷ đồng và 358 tỷ đồng.
Khối ngoại mua ròng 945 tỷ đồng trong tuần 10-14/1, giao dịch mạnh nhóm bất động sản: Trong tuần qua, khối ngoại giao dịch theo chiều hướng tương đối tích cực khi mua ròng trên cả ba sàn giao dịch HoSE, HNX và UPCoM góp phần nâng đỡ thị trường chung. Tính chung toàn thị trường chứng khoán, khối ngoại mua vào 196,4 triệu cổ phiếu trong tuần từ 10-14/1, trong khi bán ra 177 triệu cổ phiếu. Giá trị mua vào ở mức 9.197 tỷ đồng, trong khi giá trị bán ra là 8.252 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 19,8 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 945 tỷ đồng. Tại sàn HoSE, khối ngoại mua ròng trở lại 714 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng gần 13 triệu cổ phiếu. Nếu tính về khớp lệnh, dòng vốn này mua ròng 582 tỷ đồng ở sàn HoSE. Khối ngoại sàn HoSE mua ròng mạnh nhất mã VHM với giá trị 252 tỷ đồng. KDH và DXG đứng sau với giá trị mua ròng lần lượt 203 tỷ đồng và 202 tỷ đồng. VIC cũng được mua ròng 177 tỷ đồng. Như vậy, cả 4 vị trí dẫn đầu về giá trị mua ròng của khối ngoại sàn HoSE đều thuộc nhóm bất động sản.
Gần 267,4 triệu cp HHV sẽ giao dịch trên HOSE từ ngày 20/1, giá tham chiếu 25.660 đồng/cp: Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) thông báo 20/1 là ngày giao dịch đầu tiên đối với gần 267,4 triệu cổ phiếu HHV của Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả. Giá tham chiếu trong phiên đầu tiên chào sàn là 25.660 đồng/cp. Biên độ giao dịch trong ngày 20/1 là +/- 20%. Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có văn bản thông báo về việc huỷ đăng kí giao dịch đối với cổ phiếu HHV từ ngày 7/1. Ngày giao dịch cuối cùng trên thị trường UPCoM là ngày 6/1. Đóng cửa ngày giao dịch 6/1, thị giá HHV dừng ở 28.000 đồng/cp, cao hơn 2.340 đồng/cp so với mức tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên trên HOSE.
Hai CTCK bị xử phạt do vi phạm trong công bố thông tin và cho vay margin vượt hạn mức: Ngày 12/1, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có văn bản gửi CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS - Mã: ORS) về việc xử phạt vi phạm hành chính do không công bố thông tin theo quy định. Cụ thể, tháng 12/2020, TPS ký hợp đồng đặt cọc với CTCP Đầu tư Sài Gòn Thủ Thiêm để nhận chuyển nhượng bất động sản làm trụ sở với giá trị hợp đồng 650 tỷ đồng và thực hiện đặt cọc 500 tỷ đồng cho CTCP Đầu tư Sài Gòn Thủ Thiêm, chiếm 123,7% tổng tài sản công ty. Tuy nhiên, công ty không công bố thông tin theo quy định pháp luật. Xét tính chất và mức độ vi phạm, UBCKNN quyết định xử phạt TPS số tiền 85 triệu đồng.
Một công ty chứng khoán khác cũng nằm trong danh sách xử phạt của UBCKNN trong tuần qua là CTCP Chứng khoán Phố Wall (Mã: WSS). Công ty bị phạt số tiền 85 triệu đồng do vi phạm quy định về hạn mức cho vay giao dịch ký quỹ. Chi tiết, số lượng chứng khoán cho vay giao dịch ký quỹ đối với mã FID tại các thời điểm ngày 1/1/2020, 31/3/2020, 30/6/2020, 31/12/2020, 31/3/2021 và 30/6/2021 vượt 5% tổng số chứng khoán niêm yết của một tổ chức niêm yết.
Quỹ ngoại quy mô 4 tỷ USD vừa mua 1,3 triệu cổ phiếu MWG: Arisaig Asia Fund Limited vừa công bố thông tin mua thành công 1,3 triệu cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã: MWG) trong phiên 10/1. Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu nắm giữ của quỹ ngoại này tăng từ 49,8 triệu cổ phiếu (tỷ lệ sở hữu 6,99%) lên 51,2 triệu cổ phiếu (7,18%). Trong phiên 10/1 có tới 4,5 triệu cổ phiếu MWG được giao dịch qua kênh thoả thuận trong khi chỉ có 927.000 cổ phiếu khớp lệnh. Khả năng cao Arisaig Asia đã mua thoả thuận số cổ phiếu trên với tổng giá trị ước đạt 195 tỷ đồng. Theo tìm hiểu, Arisaig Asia là quỹ thành viên thuộc Arisaig Partners. Tổ chức này đến từ Singapore, được thành lập vào năm 1996 và chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp hàng tiêu dùng, bán lẻ với quy mô hiện lên tới 4 tỷ USD.
Nguyễn Thanh