VN-Index hướng đến mốc 1.500 điểm: Thắng bại tại ngân hàng
Cổ phiếu ngành ngân hàng có phần tích cực trong thời gian qua, đây cũng là nhóm cổ phiếu được SSI Research chia sẻ nhiều lần có cơ hội trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, hiệu suất của quỹ SSIAM VNFIN Lead ETF là 6,4% chủ yếu trong danh mục là cổ phiếu ngân hàng (84,3%) và chứng khoán (15,6%).
Câu hỏi được chương trình Bí mật đồng tiền số 35 đặt ra cho các chuyên gia, liệu có phải may mắn, bởi thời gian dài trước đó, cổ phiếu ngân hàng giảm sâu và dài.
Ông Tô Xuân Nam, chuyên gia ETF - Công ty quản lý quỹ SSIAM cho biết, đây là quỹ đầu tư vào toàn ngành tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, định chế tài chính, chứng khoán) khi nhìn vào nội lực nền kinh tế Việt nam thì nhìn thấy ngân hàng là ngành dẫn dắt trong nền kinh tế và chỉ số. Hiện tỷ trọng ngành ngân hàng, tài chính vốn hóa hơn 35% trong VN-Index, 45% trong VN30. Số liệu thống kê cho thấy ngân hàng và tài chính thường chiếm 70-80% VN-Index performance.
VN-Index hướng đến mốc 1.500 điểm: Thắng bại tại ngân hàng. Hình minh họa |
Điều này dễ lý giải, đến từ yếu tố cơ bản, ở thị trường cận biên thì việc các doanh nghiệp cần vốn để phát triển kinh doanh, sản xuất để tăng trưởng lợi nhuận là nhu cầu rất lớn. Nguồn vốn đến từ IPO, phát hành trái phiếu và đi vay ngân hàng.
Trong 7 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đã là 9,15% tương đối cao so với chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước đặt ra 14% trong năm nay, nhiều ngân hàng sắp chạm trần hạn mức tín dụng. Diễn biến này sẽ thuận lợi cho kinh doanh của ngân hàng. Và nếu muốn VN-Index đi lên 1.500 điểm thì nhất định phải là ngành ngân hàng dẫn dắt.
Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng CTCK SSI chia sẻ, trong báo cáo chiến lược tháng 7 đưa ngành ngân hàng có cơ hội tăng trong ngắn hạn. Dài hơn, nói về quan điểm của nhà đầu tư nước ngoài, giai đoạn ông Hưng mới đi làm ở SSI có gặp một nhà quản lý quỹ lớn ở Mỹ và chia sẻ, ở các thị trường nhỏ như Việt Nam thì sau khi họ tin vào câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam thì họ chỉ nhìn vào 2 ngành là ngành tài chính và tiêu dùng. Để thấy rằng hành động của nhà đầu tư nước ngoài đúng theo hướng đó.
Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng CTCK SSI |
Trước đây, VNM là cổ phiếu ai ai cũng phải mua, vì trong ngành cũng không có nhiều lựa chọn, ngành ngân hàng ngày xưa thì room không được nhiều, còn nay niêm yết đã nhiều và hết room thì có thể mua ETF. Theo đó, ngành ngân hàng vẫn được quan tâm kể cả trong thị trường giảm, ông Hưng nhìn nhận.
Liên quan đến giá trị xuất khẩu tháng 7 nhiều mặt hàng suy giảm như cá tra, dệt may (nhiều doanh nghiệp chia sẻ là bị hủy đơn hàng), xuất khẩu gỗ.., đặc biệt ở các thị trường đang đối diện lạm phát cao như Mỹ, EU, vậy có đáng lo cho nhóm này?
Ông Hưng cho rằng, số liệu cho thấy xuất khẩu gỗ đi ngang từ đầu năm chứ không phải mới đây, nên khả năng ngành gỗ gặp khó khăn hơn các ngành khác. Hay dệt may hay xuất khẩu cá tra, hiện qua nửa quý 3, số liệu vẫn đang ở tích cực đối với cả 2, về KQKD thì cá tra vẫn tốt ở thời điểm này, còn dệt may thì biên lợi nhuận đang thấp từ đầu năm đến nay mà hiện nay đang có khá nhiều đầu vào gia tăng nên có thể ảnh hưởng, dĩ nhiên doanh nghiệp dệt may chỉ thuần túy gia công thì ít ảnh hưởng, còn doanh nghiệp làm FOB thì ảnh hưởng nhiều hơn.
Về vấn đề này, ông Nam nhìn thấy trend xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ trong 5 năm rất tích cực, là quốc gia xếp thứ 7 trên thế giới về giao thương, xuất nhập khẩu với Mỹ. Năm 2011, xuất khẩu hơn 110 tỷ USD, đến tháng 7/2022, ước tính vẫn rất tích cực.
Ông Nam cho rằng, nhà đầu tư có thể nên nghĩ đến sự bất ngờ tích cực, đó là các lo ngại về rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ, khủng hoảng do lạm phát tăng cao, hay các chính sách thắt chặt tiền tệ khiến người tiêu dùng Mỹ không mua bán, tiêu dùng, nhập khẩu nhiều. Đây là câu chuyện 3-4 tháng nay. Còn về lạm phát Mỹ đang tạm đi ngang nên có thể nghĩ đến Fed có thể không có động thái thắt chặt tiền tệ hơn nữa.
Nhìn số liệu xuất khẩu tháng 7 giảm nhẹ, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam thông qua nhiều hiệp định thương mại tự do – hiện nay đang làm tốt việc đa dạng hóa thị trường thế giới.
"Tôi kì vọng Việt Nam có thể trong ngắn hạn có biến động xuất khẩu, còn dài hạn thì xu hướng vẫn là câu chuyện cơ bản trong nền kinh tế Việt Nam, không chỉ thúc đẩy sản xuất công nghiệp, không dừng ở xuất khẩu nông thủy sản, mà có thể nhiều hơn các sản phẩm công nghệ cao", ông Nam nhận định.
Một vấn đề được thị trường quan tâm khác là doanh nghiệp niêm yết phát hành giá thấp hơn giá thị trường, như DIG, thì có thể hiểu như thế nào? Ông Hưng cho rằng, quan trọng là phát hành cho ai, nếu cho cổ đông hiện hữu thì công bằng cho tất cả mọi người, thì bình thường. Và giá đó so với giá trị sổ sách (bookvalue) nếu cao hơn thì không vấn đề. Đứng ở vai trò công ty nếu phát hành với giá cao thì rất khó với cổ đông tham gia.
Nếu phát hành cho cổ đông bên ngoài với giá rất thấp thì có thể có những nghi ngờ là pha loãng thì tùy trường hợp, còn các cổ đông bên ngoài là cổ đông chiến lược họ có thể yêu cầu giá thấp hơn cho họ có lợi nhuận để bù đắp phần họ đóng góp với công ty.
Riêng DIG, ông Hưng cho rằng, mọi người đang là trước đó họ có kế hoạch phát hành giá cao hơn sau đó điều chỉnh thấp hơn, tôi nghĩ rằng có thể họ điều chỉnh theo thị trường, và quan điểm về thị trường bất động sản bây giờ cũng kém hơn trước. Có thể đó là lí do họ giảm giá dự kiến phát hành.
Ông Nam bày tỏ quan điểm, thông thường khi các doanh nghiệp chào bán cổ phiếu ra ngoài là muốn huy động vốn để bổ sung nguồn phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, nên cũng sẽ tính khả năng tiếp nhận thị trường tới đâu, doanh nghiệp cũng muốn tăng nhiều vốn để có thêm tiền phát triển mở rộng, nhưng cổ đông để không bị pha loãng thì họ phải bỏ thêm tiền vào thì các doanh nghiệp phải tính các NĐT có sẵn sàng, muốn mua vào thêm bao nhiêu, giá đặt ra tương đối là giá kì vọng có thể thành công tăng vốn.
Việt Hoàng