• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cải thiện môi trường kinh doanh: Giải pháp “giữ chân” nhà đầu tư Nhật Bản

Được đánh giá có nhiều lợi thế hấp dẫn đầu tư, song để “giữ chân” được các nhà đầu tư Nhật Bản, Việt Nam vẫn cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh.

Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam hơn 74 tỷ USD

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 1/2024, Việt Nam đã thu hút được 5.280 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ các doanh nghiệp Nhật Bản, với tổng vốn đăng ký 74,2 tỷ USD, chiếm 13,4% về số dự án và 15,7% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam. Với kết quả trên, Nhật Bản xếp thứ 3/144 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư lớn nhất vào Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.

Việt Nam tiếp tục được khẳng định là điểm đến của nhà đầu tư Nhật Bản

Việt Nam tiếp tục được khẳng định là điểm đến của nhà đầu tư Nhật Bản (Ảnh minh hoạ)

Trong đó, riêng tháng 1/2024, Việt Nam thu hút được 13 dự án FDI mới từ doanh nghiệp Nhật Bản; cùng với đó là 6 lượt dự án điều chỉnh vốn và 10 lượt góp vốn mua cổ phần, với tổng vốn đăng ký gần 300 triệu USD, đứng thứ 2 trên tổng số 39 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam trong tháng 1/2024.

Đặc biệt, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam trong tháng 1/2024 chiếm 12,6% tổng vốn FDI Việt Nam thu hút được trong tháng, đồng thời số vốn trên gấp 7 lần so với cùng thời điểm tháng 1/2023. Điều đó cho thấy, các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn rất coi trọng môi trường đầu tư của Việt Nam.

Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Takeo Nakajima - Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam cho biết, môi trường kinh doanh của Việt Nam có nhiều kỳ vọng hứa hẹn về tiềm năng tăng trưởng. Việt Nam vẫn là một trong những thị trường hấp dẫn, có nhiều tiềm năng với các công ty mẹ của Nhật Bản.

Cũng theo ông Takeo Nakajima, hiện có khoảng hơn 2.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp này lớn nhất trong khối ASEAN. Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đánh giá, môi trường kinh doanh tại Việt Nam có nhiều lợi thế so sánh, cụ thể là tình hình chính trị xã hội ổn định, nhân lực phong phú và có trình độ, quy mô thị trường và khả năng tăng trưởng của thị trường tích cực.

Đầu tháng 2/2024, tại buổi làm việc trực tuyến với UBND tỉnh Thái Bình, Trung tâm quảng bá Kyushu (Nhật Bản) cho biết, các doanh nghiệp khu vực Kyushu ở miền Nam Nhật Bản vào Việt Nam muốn có nhu cầu tìm kiếm cơ hội hợp tác tại tỉnh Thái Bình gồm: Tập đoàn Kamichiku chuyên về chăn nuôi và chế biến thực phẩm, Công ty Cổ phần Medmain chuyên về lĩnh vực hỗ trợ dịch vụ y tế và Công ty Cổ phần Nichibe Shokai chuyên về lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa.

Để Việt Nam hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư Nhật Bản

Ông Kinoshita Tadahiro, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cũng chỉ ra những yếu tố khiến Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư Nhật Bản, bao gồm: Môi trường kinh doanh dần chuyên nghiệp; thị trường nhiều tiềm năng nhờ tích cực đẩy mạnh tham gia các Hiệp định thương mại tự do; Việt Nam có lợi thế về tài năng trẻ, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật số. Điều này đáp ứng nhu cầu hợp tác với các công ty Nhật Bản theo mô hình tổ chức được thành lập bên ngoài quốc gia của chủ sở hữu đang cư trú...; Sự ổn định chính trị của Việt Nam là yếu tố rất quan trọng cho hoạt động kinh doanh bền vững với nhà đầu tư nước ngoài.

Mặc dù môi trường đầu tư Việt Nam vẫn được đánh giá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài nói riêng và Nhật Bản nói chung, nhưng theo kết quả khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) về môi trường kinh doanh vừa được công bố mới đây cho thấy, số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam kỳ vọng có lãi trong năm 2023 là 54,3%, tỷ lệ này thấp hơn 6,6 điểm so với mức trung bình của ASEAN. Lý do được tổ chức này đưa ra là do là sự sụt giảm nhu cầu trong nước và ngoài nước; chi phí nhân công và chi phí thu mua nguyên vật liệu tăng, cạnh tranh khốc liệt với đối thủ khác…

Về phương hướng triển khai kinh doanh trong 1 - 2 năm tới, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam là 56,7% (giảm 3,3 điểm so với năm 2022). Mặc dù tham vọng mở rộng vẫn cao, nhưng theo khảo sát, Việt Nam là nước duy nhất trong 6 nước ASEAN chủ chốt có tỷ lệ mở rộng giảm so với năm trước. Nguyên nhân được các doanh nghiệp Nhật Bản đưa ra là môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam kỳ vọng hứa hẹn về tiềm năng tăng trưởng nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như: Việc thực hiện các thủ tục hành chính; tỷ lệ nghỉ việc cao; cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện...

Để tạo lợi thế thu hút FDI trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2024 Việt Nam sẽ thực hiện nhiều giải pháp, trong đó cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vẫn được ưu tiên hàng đầu. Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách thu hút FDI phù hợp với xu hướng đầu tư toàn cầu, trong đó đặc biệt quan tâm đến các ngành, lĩnh vực có khả năng đóng góp cho quá trình xanh hóa nền kinh tế, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số. Cùng với đó, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là khâu thực thi các thủ tục sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, hải quan…


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết