• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đà Đẵng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo

Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định rõ: “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là một trong những đột phá chiến lược, là động lực chính để phát triển nhanh, bền vững đất nước trong kỷ nguyên mới”. Đà Nẵng đã và đang có bước đi nhằm cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết thông qua việc ban hành các chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực khoa học công nghệ, trong đó có hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Hiện tại, thành phố đang đẩy mạnh hỗ trợ về chính sách và xúc tiến hỗ trợ đầu tư cho các dự án khởi nghiệp để tiếp cận vốn từ các quỹ và nhà đầu tư quốc tế.

*Kết nối các quỹ và nhà đầu tư quốc tế

Đà Nẵng đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, dự án khởi nghiệp trong nước và quốc tế. Với mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của cả nước và Đông Nam Á, thành phố đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư cho lĩnh vực này.

Công nghệ thông tin, AI, blockchain, được xem là thế mạnh khởi nghiệp của thành phố với nhiều dự án khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực công nghệ và được kết nối hỗ trợ vốn từ các quỹ, nhà đầu tư quốc tế để phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường.

Trong chương trình hợp tác giữa hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng với Nhật Bản từ năm 2021 đến nay có nhiều hoạt động mang tính kết nối sâu rộng. Cụ thể, các doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức tài chính của Nhật Bản đã có những cuộc gặp gỡ, làm việc trực tiếp với các dự án khởi nghiệp tại Đà Nẵng nhằm tiếp cận những dự án tiềm năng và hỗ trợ đầu tư vốn, chiến lược kinh doanh phát triển sản phẩm toàn cầu.

Ông Mori Hayato, Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Morikosan, Nhật Bản thông tin, việc tổ chức các sự kiện để kết nối các tổ chức tài chính của Nhật Bản với dự án khởi nghiệp tại Việt Nam góp phần làm gia tăng cơ hội hợp tác đầu tư và kết nối kinh doanh. "Trong tương lai, chúng tôi mong muốn tiếp tục tổ chức những sự kiện tương tự tại Đà Nẵng, nhằm thu hút nhiều hơn nữa nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản vào hoạt động khởi nghiệp của thành phố".

Trên thực tế, hầu hết các dự án khởi nghiệp tại Đà Nẵng là của doanh nghiệp vừa và nhỏ, rất thiếu nguồn lực tài chính. Vốn là điều kiện để các start– up phát triển sản phẩm và thị trường. Do đó, Các quỹ đầu tư khởi nghiệp có vai trò quan trọng giúp các start – up tạo bệ phóng cho sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm về công nghệ. Nhiều start – up cho rằng việc thành phố hỗ trợ kết nối với các quỹ và nhà đầu tư quốc tế là cơ hội để các dự án khởi nghiệp ở Đà Nẵng tiếp cận với thị trường rộng, bền vững hơn.

Anh Phùng Thanh Trinh, Công ty XB cho biết, trong khởi nghiệp, yếu tố vốn và tài chính vô cùng quan trọng, vì bản chất của công nghệ luôn luôn thay đổi và cần đổi mới. Các quỹ và nhà đầu tư đóng vai trò quan trọng giúp các start – up ở giai đoạn khó khăn phát triển. Các buổi kết nối với nhà đầu tư quốc tế, các quỹ giúp các start - up tiếp xúc trực tiếp với các nhà đầu tư, tạo sự tin cậy và cơ hội hợp tác hiệu quả.

Được biết, Đà Nẵng đã tạo được tiếng vang với chuỗi hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quy mô quốc tế. Năm 2024, Đà Nẵng lần đầu tiên lọt top 1.000 thành phố có chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp cao nhất thế giới của StartupBlink và tăng 130 bậc từ vị trí 896 lên vị trí 766 trong năm 2025.

Ông Lê Sơn Phong, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng cho biết, hoạt động hợp tác quốc tế nhằm xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo luôn được thành phố đặc biệt quan tâm. Thành phố đã tổ chức các chương trình kết nối với các hệ sinh thái ở một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Australia,… Với các đối tác Nhật Bản, thành phố đã phối hợp với Hiệp hội E-Future, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng; Hội người Việt tại tỉnh Tochigi, Nhật Bản để hỗ trợ các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Đà Nẵng.

*Nhiều chính sách hỗ trợ được triển khai

Không chỉ kết nối các quỹ đầu tư, nhà đầu tư thiên thần, cộng đồng cố vấn cho dự án khởi nghiệp tại địa phương, Đà Nẵng còn đưa ra nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn. Bên cạnh thu hút các start – up trong nước, thành phố cũng thu hút doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới, khu vực đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, làm việc, sản xuất tại Đà Nẵng.

Theo Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng, những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố đã hình thành và phát triển với nhiều thành tố đa dạng được kết nối, hỗ trợ lẫn nhau. Đến nay, thành phố đã ban hành gần 30 chính sách hỗ trợ khoa học công nghệ và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trong đó, có các chính sách đặc thù vượt trội, mang tính đột phá và chưa từng có tiền lệ. Đó là: Thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới; miễn thuế cho các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng khoa học và công nghệ; hỗ trợ tài sản kết cầu hạ tầng thông tin để phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Một điểm đáng chú ý là Đà Nẵng đầu tư mạnh vào hạ tầng khởi nghiệp như: Không gian Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng đóng vai trò trung tâm kết nối và hỗ trợ các dự án khởi nghiệp; Công viên Phần mềm số 2 với diện tích sàn hơn 92.000 mét vuông, được thiết kế để phục vụ 6.000 nhân lực, tập trung vào các ngành công nghiệp bán dẫn và AI; hạ tầng số hiện đại với cáp quang biển quốc tế APG và SEMEWE 3; hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông đạt chuẩn quốc tế.

Đến nay, ở Đà Nẵng có 3 Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 12 vườn ươm; 3 không gian sáng chế; 8 không gian làm việc chung; 6 quỹ đầu tư khởi nghiệp cùng hỗ trợ các dự án và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của thành phố.

Ông Võ Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng cho biết, thành phố đã có nhiều cơ chế để hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp như: Thông qua Nghị quyết 136/2024/QH15 - Nghị quyết đặc thù của Quốc hội Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trong đó có cơ chế hỗ trợ về miễn thuế thu nhập cá nhân, miễn thuế cho các hoạt động đầu tư vào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, miễn thuế cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Đà Nẵng. Đây là đòn bẩy về mặt tài chính để thu hút tài năng công nghệ, khuyến khích các tài năng của Đà Nẵng khởi nghiệp, đồng thời thu hút các nhà đầu tư ở nước ngoài giúp Đà Nẵng tăng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh chính sách về thuế, Đà Nẵng còn có chính sách hỗ trợ về kinh phí cho các dự án khởi nghiệp. Mỗi dự án có thể được hỗ trợ tối đa 1 tỷ đồng. Các dự án khởi nghiệp có thể tham gia chương trình ươm tạo tại các hệ thống vườn ươm của thành phố để nâng cao năng lực quản trị, điều hành hoặc tăng tốc. Bên cạnh đó, chính sách thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới cũng sẽ được triển khai. Đây là cơ chế thử nghiệm áp dụng với mô hình công nghệ, dịch vụ, sản phẩm mới chưa được quy định trong pháp luật được xin cấp phép thử nghiệm tối đa trong 3 năm; qua đó, giúp các dự án có cơ hội được phát triển.

Về cơ chế hỗ trợ cơ sở vật chất, hiện nay, các dự án trí tuệ nhân tạo, AI, vi mạch bán dẫn có thể đến Công viên phần mềm số 2 để được hỗ trợ cho sử dụng mặt bằng miễn phí trong 3 năm để khởi nghiệp.

Ông Lê Hoàng Phúc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) chia sẻ, hiện đã có 25 dự án khởi nghiệp được hỗ trợ mặt bằng không gian làm việc tại Công viên phần mềm số 2. Không chỉ đơn thuần là hỗ trợ về chi phí thuê văn phòng, nơi đây còn tạo ra HUB (một trung tâm, địa điểm hoặc không gian làm việc tập trung) làm việc, trung tâm khởi nghiệp dưới dạng kết nối. Tại Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng có phòng LAB, đào tạo, phòng A&D (nghiên cứu và triển khai) chuẩn bị xây dựng, tạo điều kiện để phát triển các dự án start – up.

Đà Nẵng là địa phương dẫn đầu về tốc độ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam. Đây cũng là điểm đến của các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tiềm năng. Việc đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và đưa ra chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đã nâng cao vị thế hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của thành phố trên bản đồ khởi nghiệp khu vực và quốc tế./.

Mỹ Hà


Tác giả: Hoàng Thị Mỹ Hà
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...