• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đầu tư xây dựng các bệnh viện của Hà Nội gặp khó khăn do vướng quy định

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà - đoàn ĐBQH Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, quy định xuất vốn đầu tư về công trình y tế, xây dựng bệnh viện còn bất cập, các vướng mắc về đấu thầu trang thiết bị y tế vẫn còn...

Đầu tư xây dựng các bệnh viện của Hà Nội gặp khó khăn do vướng quy định

Bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện ở Hà Nội. Ảnh: Thùy Linh

Sáng 2.11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025...

Xây dựng bệnh viện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, hiện nay có nhiều địa phương sử dụng vốn đầu tư công để xây dựng bệnh viện chuyên khoa cấp tỉnh, thành phố với quy mô dưới 1.000 giường.

Tại Hà Nội có Dự án Bệnh viện Thận - Tiết niệu, Bệnh viện Nhi Hà Nội, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Mê Linh. Quá trình triển khai lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các bệnh viện chuyên khoa gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

"Do không có hướng dẫn về suất vốn đầu tư đối với bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, việc sử dụng các phương pháp khác cũng không phù hợp", đại biểu Nhị Hà nói.

Theo đó, đại biểu đề nghị Bộ Xây dựng bổ sung thêm quy định về suất vốn đầu tư đối với bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh vào Quyết định 510 để làm cơ sở xác định tổng mức vốn đầu tư xây dựng các dự án đầu tư công của ngành y tế.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng nêu những vướng mắc trong xác định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị y tế chuyên dùng đối với việc xây dựng mới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Một trong những giải pháp để giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả trong lĩnh vực y tế là xây dựng các bệnh viện mới, vừa chủ động thực hiện chỉ tiêu giường bệnh/vạn dân, đồng thời giải quyết được vấn đề quy hoạch mạng lưới y tế, hài hòa giữa y tế cơ sở và y tế chuyên sâu, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao.

"Hà Nội đã dành 19.000 tỉ đồng để đầu tư công trung hạn cho lĩnh vực y tế giai đoạn 2021-2025, trong đó ưu tiên hoàn thành sớm một số bệnh viện đa khoa lớn. Tuy nhiên, lại gặp vướng mắc là việc xác định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị y tế chuyên dùng khi xây dựng mới bệnh viện", đại biểu dẫn chứng.

Theo quy định tại Thông tư 08 của Bộ Y tế, hồ sơ phê duyệt tiêu chuẩn định mức trang thiết bị y tế chuyên dụng yêu cầu phải có cơ cấu tổ chức cụ thể, kê khai nhân lực, văn bản phê duyệt phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở, nhu cầu sử dụng từng loại trang thiết bị trong 3 năm tiếp theo, đây là yêu cầu dành cho các cơ sở y tế đang hoạt động.

Đối với những bệnh viện đang trong quá trình lập dự án, triển khai xây dựng mới thì những nội dung theo yêu cầu của Thông tư 08 chỉ là dự kiến, không cụ thể chi tiết, vì vậy không thể đủ cơ sở để xác định tiểu chuẩn định mức máy móc, trang thiết bị y tế để thực hiện lập hồ sơ, đề xuất chủ trương xây dựng bệnh viện mới.

Đại biểu đề nghị Bộ Y tế sớm sửa đổi Thông tư 08, hướng dẫn cụ thể việc xác định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trang thiết bị y tế chuyên dùng làm cơ sở lập hồ sơ, đề xuất chủ trương, triển khai mua sắm tại các dự án đầu tư xây dựng bệnh viện mới.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà nói về khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, xây dựng bệnh viện. Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà nói về khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, xây dựng bệnh viện. Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Mới chỉ gỡ rối tạm thời, cần phải có các biện pháp căn cơ, lâu dài

Theo đại biểu, năm 2023 có nhiều văn bản gỡ vướng công tác mua sắm trang thiết bị y tế như Nghị định 07 và Nghị quyết 30.

Đến ngày 30.6, Bộ Y tế mới ban hành Thông tư 14 nhưng chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời vì hiệu lực của Thông tư chỉ kéo dài hết năm 2023, như vậy là quá ngắn.

"Trên thực tế, việc mua sắm trang thiết bị y tế từ giai đoạn lựa chọn danh mục đến phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, kí kết hợp đồng có thể kéo dài từ 3-8 tháng phụ thuộc vào danh mục trang thiết bị", đại biểu nêu.

Bên cạnh đó, vướng mắc cũng nằm ở thời điểm 1.1.2024, khi Luật Đấu thầu số 22 vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực.

Trường hợp đến ngày 1.1.2024, các dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện có các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế đã tổ chức họp Hội đồng lựa chọn danh mục, yêu cầu về tính năng và yêu cầu kỹ thuật cơ bản, tham khảo giá thiết bị y tế theo Thông tư 14, nhưng các văn bản hướng dẫn Luật Đấu thầu số 22 lại chưa ban hành kịp, hoặc quy định hướng dẫn khác Thông tư 14, thì các dự án sẽ rất vướng mắc và tốn kém chi phí cho công tác chuẩn bị đầu tư trước đó.

Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm tới quy định chuyển tiếp liên quan đến đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế từ Thông tư 14 sang thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn có liên quan, không phải chờ các văn bản hướng dẫn, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả giải ngân đầu tư công.

Về lâu dài, cần ban hành các văn bản có tính căn cơ để giải quyết vấn đề mua sắm trang thiết bị y tế.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết