• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hàn Quốc đầu tư 6 tỷ USD vào ngành dệt may Việt Nam

Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của dệt may Việt Nam với 6 tỷ USD vốn đầu tư.

Đó là thông tin ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đưa ra tại “Hội thảo môi trường bền vững trong công nghệ thời trang”, diễn ra sáng ngày 24/10, do Hiệp hội Dệt may Việt Nam phối hợp với Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (KITECH) tổ chức.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trương Văn Cẩm cho hay, dệt may Việt Nam là ngành phát triển nhanh trong thời gian qua, từ chỗ chỉ hầu hết tập trung cung ứng cho thị trường trong nước đã vươn lên đứng trong nhóm 3 nước xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Bangladesh. Trong thời gian tới, ngành vẫn có nhiều cơ hội để tiếp tục phát triển.

Hàn Quốc đầu tư 6 tỷ USD vào ngành dệt may Việt Nam

Ông Kwark young – je phát biểu tại Hội thảo môi trường bền vững trong công nghệ thời trang. Ảnh: Hải Linh

Nhìn vào Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 có thể thấy rõ, Chính phủ định hướng đến 2030 ngành tiếp tục phát triển với tốc độ 6-6,8%/năm, chuyển dần trọng tâm từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững. Đến năm 2035 sẽ chuyển sang phát triển hiệu quả, bền vững theo hướng kinh doanh tuần hoàn và tìm mọi cách nâng cao chuỗi giá trị của ngành cả trong nước và thế giới; xây dựng thương hiệu và xuất khẩu hàng dệt may bằng chính thương hiệu của Việt Nam.

Ngành dệt may luôn muốn hợp tác với các tổ chức nhằm bổ sung năng lực cạnh tranh. Trong đó KITECH là một ví dụ, trong hơn 10 năm qua Viện đã cung cấp những thông tin quan trọng về công nghệ, xu hướng phát triển dệt may để doanh nghiệp Việt Nam học hỏi, ứng dụng”, ông Cẩm cho hay.

Lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho biết, ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Hiện, phần lớn sản lượng sản xuất phục vụ xuất khẩu, do vậy những biến động trên thị trường đều tác động nhanh và mạnh tới ngành. “ 2 giai đoạn gần đây tác động trực tiếp tới xuất khẩu của ngành dệt may, trong đó, giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới 2008-2009 khiến xuất khẩu dệt may của Việt Nam giảm; năm 2020-2021 tác động từ dịch Covid-19 và những hệ lụy liên quan khiến xuất khẩu trồi sụt”, ông Cẩm ví dụ.

Một yếu tố nữa tác động mạnh đến ngành hiện tại và trong lâu dài là xu hướng phát triển bền vững, tăng trưởng nhanh. Hiện nay, các thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc đều đề cao xu hướng này, thậm chí đưa vào các đạo luật để các nhà cung ứng buộc phải thực hiện chứ không còn khuyến khích.

Riêng với thị trường Hàn Quốc, ông Cẩm thông tin, bên cạnh Hiệp định đối tác thương mại song phương, Việt Nam và Hàn Quốc hiện là thành viên của nhiều hiệp định khác, như: ASEAN- Hàn Quốc, RCEP… Điều kiện này là cơ hội tốt cho doanh nghiệp dệt may hai nước gia tăng hợp tác, đẩy mạnh xuất nhập khẩu. Đặc biệt, Việt Nam và Hàn Quốc cùng ký hiệp định thương mại tự do với EU, sẽ giúp doanh nghiệp dệt may Việt Nam tận dụng được nguồn nguyên phụ liệu của Hàn Quốc để đáp ứng quy tắc xuất xứ và đạt mức thuế bằng 0% khi xuất khẩu hàng hóa vào EU.

Thực tế, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của dệt may Việt Nam với 6 tỷ USD vốn đầu tư. Với nền tảng này, doanh nghiệp dệt may Việt Nam mong muốn trong thời gian tới, phía Hàn Quốc tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa về đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác nhằm bổ sung nguồn cung thiếu hụt nhất là nhuộm hoàn tất; chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Cẩm kỳ vọng.

Tại Hội thảo, ông Kwark young – je (Giáo sư trường Đại học Soongsil, Khoa kỹ sư và khoa học vật liệu) cũng cho hay, ngành công nghiệp dệt may có nhiều yếu tố tác động lên môi trường: Vi chất, chất hóa học, chất thải, sử dụng nước… Do vậy, việc chuyển đổi vòng sản xuất-tiêu dùng-thải bỏ tuyến tính sang tuần hoàn, tái sử dụng là rất cần thiết.

Nhiều nước trên thế giới, trong đó có Hàn Quốc đã đưa ra những thông điệp và định hướng rõ ràng về nền kinh tế tuần hoàn. “Doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đã và đang áp dụng nhiều công nghệ để tái chế sản phẩm dệt may, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đang là xu hướng rất lớn trong ngành”, ông Kwark young – je cho hay.

Chính phủ Hàn Quốc cũng đã công bố 4 chiến lược lớn nhằm nhằm nâng cao tính cạnh tranh cho ngành công nghiệp dệt may, trong đó có chiến lược chuyển đổi thân thiện với môi trường. Tuy nhiêm Hàn Quốc vẫn đang thiếu công nghệ cốt lõi và vẫn đang phát triển công nghệ ứng dụng thân thiện môi trường.

Chuyển đổi xanh là rào cản thương mại trong tương lai cũng là bước đệm cho ngành dệt may phát triển vượt bậc, do vậy đây là xu hướng cần nắm bắt nhanh của doanh nghiệp”, ông Kwark young – je nhấn mạnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...