• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hơn 23 tỷ USD "chảy" vào dự án của các nước IPEF

Diễn đàn Đầu tư Kinh tế sạch IPEF đã huy động tới 23 tỷ USD nguồn vốn đầu tư cho hơn 69 dự án cơ sở hạ tầng bền vững trong khu vực.

Ngày 6/6, Diễn đàn Đầu tư Nền kinh tế sạch vì Sự thịnh vượng của Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) đã được khai mạc tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Sands, Singapore. Sự kiện quy tụ hơn 300 các nhà đầu tư hàng đầu trong khu vực, các nhà đề xuất dự án, doanh nhân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cùng các Bộ trưởng và quan chức chính phủ cấp cao. Tham dự Diễn đàn còn có Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong.

Hơn 23 tỷ USD

Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong phát biểu tại Diễn đàn

Được tổ chức bởi Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cùng với 13 đối tác IPEF khác, Diễn đàn được kỳ vọng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và kết nối vốn chất lượng cao, đồng thời xây dựng kết nối giữa khu vực công và tư nhân. Diễn đàn cũng là sáng kiến ​​quan trọng nhằm thúc đẩy các mục tiêu của Thỏa thuận Kinh tế Sạch IPEF, bằng cách huy động tài chính để hỗ trợ phát triển và triển khai cơ sở hạ tầng và công nghệ năng lượng sạch, thân thiện với môi trường trong các nền kinh tế IPEF.

Diễn đàn giới thiệu tổng cộng 69 dự án cơ sở hạ tầng bền vững với cơ hội đầu tư lên tới hơn 23 tỷ USD. Trong số này, có 20 dự án đã sẵn sàng đầu tư, với trị giá khoảng 6 tỷ USD đã được giới thiệu tại các phiên kết nối kinh doanh. 49 dự án còn lại, trị giá khoảng 17 tỷ USD, cũng được xác định là cơ hội đầu tư tiềm năng trong tương lai.

Được biết, tất cả các đối tác của IPEF đều đã đề cử các dự án cơ sở hạ tầng bền vững. Trong đó, 20 dự án sẵn sàng đầu tư trải dài nhiều lĩnh vực khác nhau bao gồm khu công nghiệp, đặc khu kinh tế, năng lượng, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, quản lý chất thải, nước và giao thông.

Ngoài ra, tại Diễn đàn, 49 công ty khởi nghiệp về công nghệ khí hậu đã huy động tới 2 tỷ USD khoản đầu tư mới. Những công ty này đều nằm trong danh sách 100 các công ty khởi nghiệp công nghệ khí hậu hàng đầu có trụ sở tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Hơn 23 tỷ USD

Các quan chức cấp cao từ các nước thành viên IPEF làm việc bên lề Diễn đàn

Đặc biệt tại Diễn đàn này, Singapore, Mỹ và Việt Nam đã thành lập nhóm công tác nhằm tăng cường đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo và nghiên cứu phát triển khuôn khổ cáp ngầm dưới biển trong khu vực, nhằm tạo thuận lợi cho thương mại điện xuyên biên giới. Đây là chuỗi hoạt động đa phương đầu tiên giữa ba nước nhằm thúc đẩy sự kết nối năng lực trong khu vực, nhằm mục đích thiết lập các khuôn khổ pháp lý, cơ sở hạ tầng và một hệ sinh thái hỗ trợ.

Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) chia sẻ sẽ đóng góp khoản đầu tư cổ phần vào Quỹ Năng lượng sạch Đông Nam Á II (SEACEF), cho phép SEACEF huy động tới 175 triệu USD để đầu tư vốn giai đoạn đầu vào các dự án và công ty, qua đó sẽ đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi sang nền kinh tế thích ứng với khí hậu, và tăng cường an ninh năng lượng ở Đông Nam Á. Các khoản đầu tư của SEACEF sẽ là chất xúc tác cho các dự án về năng lượng sạch, lưu trữ năng lượng, tiết kiệm năng lượng, di chuyển bằng điện và cơ sở hạ tầng lưới điện.

Hội đồng quản trị của DFC cũng đã phê duyệt khoản đầu tư trị giá 900 triệu USD vào quỹ Eversource Climate Investment Partners II, qua đó sẽ cung cấp vốn, kinh nghiệm quản lý và kiến ​​thức chuyên môn cho các công ty sử dụng năng lực mới để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu ở Ấn Độ và Đông Nam Á. Quỹ Eversource sẽ đầu tư vào các công ty hoạt động trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, chuyển đổi năng lượng, di chuyển bằng điện, nền kinh tế tuần hoàn, quản lý nước cũng như nông nghiệp và thực phẩm bền vững.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Gan Kim Yong nói: “Diễn đàn Nhà đầu tư khai mạc đánh dấu bước đầu tiên trong quá trình quan trọng nhằm xây dựng sự hợp tác lâu dài giữa các quốc gia IPEF và khơi dậy hành trình khởi nghiệp của các công ty khởi nghiệp đầy triển vọng. Sự tham gia của Singapore vào Diễn đàn cấp cao này sẽ bổ sung và hỗ trợ cho chương trình nghị sự đầy tham vọng mà chúng tôi về thúc đẩy các sáng kiến ​​kinh tế đa phương, nhằm tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt”.

Hơn 23 tỷ USD

Đại diện 14 quốc gia trong IPEF tại Diễn đàn

Các đối tác trong IPEF sẽ tiếp tục hợp tác với Chính phủ các nước nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực và đẩy nhanh việc triển khai công nghệ năng lượng sạch cùng các lĩnh vực khác. Các Chính phủ cũng sẽ liên tục thu hút các nhà đầu tư để theo dõi các kết nối vốn kinh doanh và phát triển danh mục các dự án cơ sở hạ tầng bền vững có thể đầu tư và các công ty khởi nghiệp công nghệ khí hậu mỗi năm. Các quốc gia thành viên IPEF cũng dự kiến tổ chức các Diễn đàn Nhà đầu tư hàng năm.

Tháp tùng Bộ trưởng trong chuyến công tác tại Singapore có Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng cùng đại diện các Bộ, ngành: Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế...

Về phía Bộ Công Thương có đại diện các đơn vị chức năng: Vụ Chính sách thương mại đa biên; Vụ Thị trường châu Á - châu Phi; Vụ Dầu khí và Than; Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương; Cục Phòng vệ thương mại; Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững; Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Văn phòng Bộ; Báo Công Thương...


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết