• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lạng Sơn: cô gái Nùng khởi nghiệp thành công với hồng vành khuyên treo gió

Là người sinh ra và lớn lên ở phố núi biên giới Na Sầm (Lạng Sơn), cô gái Nùng - Vương Thị Thương, đã khởi nghiệp thành công với hồng vành khuyên treo gió.

Dẫn chúng tôi đến thăm những vườn hồng sai lúc lỉu vàng đỏ trên sườn đồi vùng biên ải, chị Thương tâm sự: Cây hồng vành khuyên là cây chủ lực, đặc sản nổi tiếng của địa phương, quả ăn ngon nhưng nhiều nước, khó bảo quản. Khi vào mùa thu hoạch quả chín rộ nếu không kịp tiêu thụ thì hỏng rất nhanh, người nông dân lại rơi vào cảnh “được mùa mất giá”.

Thực tế, nhiều năm qua có vụ quả hồng vành khuyên chỉ bán được với giá vài nghìn đồng một kg, tỷ lệ hỏng đổ bỏ quá nhiều, người trồng thất bát nên nản chí, có người dự định phá bỏ vườn hồng… Thấy vậy, chị Thương bàn với gia đình, người thân cũng như dành thời gian tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến hồng theo công nghệ Nhật Bản.

Năm 2021, được sự hỗ trợ của Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn về máy móc, kết hợp vay vốn ưu đãi, cô gái Nùng đã đầu tư xây dựng xưởng sản xuất với tổng diện tích trên 1.000m2, gồm khu sơ chế, nhà kính treo hồng, kho lạnh với tổng chi phí trên 1 tỷ đồng. Cô mua sắm thêm máy gọt vỏ, máy hút chân không, lên giàn, massage, hạ giàn, đóng gói... thiết kế theo quy trình khép kín.

Từ hộ sản xuất, kinh doanh gia đình, chị Thương đã mở rộng quy mô, nâng cơ sở của mình lên thành hợp tác xã lấy tên Hợp tác xã nông sản Toàn Thương được thành lập với sự tham gia trên 10 thành viên có kinh nghiệm trồng hồng ở địa phương và cùng chung khát vọng nâng giá trị quả hồng, phát triển vùng trồng 50ha theo hướng hữu cơ. Hợp tác xã hỗ trợ nông dân về cây giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm… Kết quả đã tạo sinh kế cho hơn 100 lao động gián tiếp và hơn 30 phụ nữ Tày, Nùng tham gia sản xuất trực tiếp hồng treo gió trên địa bàn huyện Văn Lãng.

Chưa dừng lại, năm 2022, chị Thương xây dựng quy trình sản xuất tiêu chuẩn VietGAP theo tiêu chí an toàn thực phẩm từ quy trình trồng, chăm sóc, chế biến sản phẩm. Hồng sau khi thu hoạch được gọt vỏ, treo giàn trong nhà kính khoảng 15 - 20 ngày. Trong quá trình này, đến ngày thứ 5 - 7, hồng được massage để tăng vị dẻo, tạo mật ngọt tự nhiên, không bị chát.

“Trái hồng treo gió thành phẩm bên ngoài dẻo, giòn nhưng bên trong có mật, vị thanh ngọt. Sản phẩm làm ra mất rất nhiều công nhưng lại không bảo quản được lâu. May mắn là Viện Cơ điện nông nghiệp đã quan tâm, tạo điều kiện chuyển giao công nghệ bảo quản hồng theo hướng tự nhiên nên công việc khá thuận lợi” - chị Thương chia sẻ.

Lạng Sơn: cô gái Nùng khởi nghiệp thành công với hồng vành khuyên treo gió

Sản phầm hồng vành khuyên treo gió mang lại lợi ích kinh tế gấp 20 lần so với bán quả hồng tươi

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Văn Lãng, hiện nay người dân địa phương trồng khoảng 1.300ha, thu hoạch hơn 11.200 tấn hồng mỗi năm. Sản phẩm hồng treo gió được bán với giá 300.000 đồng/kg, trong khi giá hồng tươi cao nhất chỉ có 15.000 đồng/kg.

Nhận thấy tiềm năng giá trị mà quả hồng vành khuyên treo gió mang lại cho người nông dân cũng như để quảng bá sản vật địa phương, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Văn Lãng đã lựa chọn và mang sản phẩm này của Hợp tác xã nông sản Toàn Thương tham gia gian hàng của huyện tại các dịp trưng bày sản phẩm của địa phương, tại hội chợ…và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Huyện hướng tới xây dựng sản phẩm hồng vành khuyên treo gió là sản phẩm tiêu biểu của địa phương, đồng thời tiếp tục hỗ trợ cơ sở tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất, chế biến sản phẩm hồng này.

Hiện tại, hồng vành khuyên treo gió của Hợp tác xã Toàn Thương đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, nhưng khát khao lớn hơn của chị là phát triển thương hiệu hồng vành khuyên treo gió ra thị trường thế giới. “Mong muốn của tôi trong tương lai đó là xuất khẩu đem sản phẩm người Việt vươn tầm thế giới, những sản phẩm đặc sản của vùng miền sẽ góp phần bảo tồn và nâng tầm giá trị sản phẩm đặc sản của quê hương Xứ Lạng. Hiện tại thì thị trường hồng treo gió phủ sóng toàn quốc, đến năm 2025 chúng tôi sẽ xúc tiến xuất khẩu sang các nước lân cận như Thái Lan và Trung Quốc” - chị Thương bày tỏ.

Mới đây nhất, là một trong 250 đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 680.000 đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lạng Sơn lần thứ IV, năm 2024, cô gái Nùng - Vương Thị Thương đã chia sẻ về hành trình nâng tầm giá trị quả hồng vành khuyên của huyện Văn Lãng lên gấp 20 lần, giúp cho nhiều bà con thoát khỏi cảnh nghèo đói và lam lũ.

“Với vai trò là một người con của dân tộc Nùng, tôi luôn mong muốn hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số. Hiện nay, 100% nhân lực của Hợp tác xã Toàn Thương là phụ nữ dân tộc, họ được tham gia trực tiếp vào quy trình sản xuất và đào tạo về kỹ năng quản lý và phát triển sản phẩm. Tôi nhận ra rằng, khi người phụ nữ có được công việc và thu nhập ổn định, họ sẽ có tiếng nói hơn trong gia đình và xã hội. Đây là tiền đề quan trọng để xây dựng một cộng đồng dân tộc thiểu số tự chủ, đoàn kết và phát triển bền vững” - Vương Thị Thương nói.

Lạng Sơn: cô gái Nùng khởi nghiệp thành công với hồng vành khuyên treo gió

Chị Vương Thị Thương (thứ hai từ phải qua) nhận giải Nhất cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp phát huy tài năng bản địa 2023 với dự án “Hồng vành khuyên treo gió”.

Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn cho biết, cùng với xây dựng các mô hình, điển hình vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và toàn tỉnh Lạng Sơn nói chung, cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng, lan tỏa các gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến bằng các hình thức phong phú: Tổ chức gặp mặt, biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến; tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội… từ đó thúc đẩy đồng bào dân tộc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ý tưởng sản xuất hồng vành khuyên treo gió của chị Vương Thị Thương đã tham gia cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa 2023 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, kết quả ý tưởng của Thương giành giải nhất chung cuộc.

Gần đây, cô gái Nùng lại mang ý tưởng kinh doanh này tham gia gọi vốn tại chương trình Shark Tank mùa 7. Tại đây, Shark Nga dành nhiều lời khen chị Vương Thị Thương với sự giản dị và tâm huyết. Tuy nhiên mô hình kinh doanh hiện tại của Toàn Thương chưa phù hợp nên bà quyết định không đầu tư. Mặc dù vậy, bà hứa hẹn sẽ đồng hành và hỗ trợ cho doanh nghiệp của Vương Thị Thương phát triển sản phẩm ra thị trường quốc tế.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...