• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sovico muốn tập trung đầu tư vào Lâm Đồng

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa phát đi Công văn số 2397/UBND-QH về việc cho ý kiến chỉ đạo giải quyết đề xuất xin chủ trương đầu tư các dự án của Công ty Cổ phần Tập đoàn Sovico.

Sovico đang nhắm tới khu vực Tây Nguyên – một trong những vùng được đánh giá cao với động lực phát triển lớn khi đặt vào trục kinh tế từ Tây sang Đông, hứa hẹn mức tăng trưởng gấp 10 lần từ nay đến năm 2050 cùng tham vọng hình thành hệ thống khép kín các lĩnh vực như tài chính ngân hàng, giao thông hàng không, khu đô thị, công nghiệp khai khoáng, năng lượng tái tạo, y tế…

Sovico đề xuất tỉnh Lâm Đồng được tài trợ quy hoạch chi tiết cho các dự án, lĩnh vực trọng điểm của tỉnh để tạo động lực phát triển bền vững trên địa bàn Lâm Đồng nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.

Với dự án điện phân nhôm quy mô 2.000ha tại TP. Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm. Với chức năng khu công nghiệp liên hoàn (từ quặng thô đến thành phẩm đầu cuối là sản phẩm tiêu dùng cho ngành công nghiệp xây dựng, tiêu thụ dân dụng), dự án gồm xây dựng, vận hành các lĩnh vực từ năng lượng sạch (điện mặt trời, điện gió, thủy điện…) đến khai thác mỏ bauxite, sản xuất alumina, điện phân nhôm aluminum và chế tạo thành phẩm đầu cuối cho công nghiệp và tiêu dùng.

Tiếp theo là thuê môi trường rừng (khoảng 350ha) tại khu vực Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà và những khu vực đang có rừng, rừng đã bị giảm mật độ che phủ.

Sovico cho rằng, môi trường rừng và tài sản rừng sẽ được quản lý bằng công nghệ cao theo mô hình Liam (một mô hình chỉ có thể tạo được doanh thu nếu có rừng, và rừng phải có tiềm lực về Carbon Credits).

Liam là mô hình phục vụ sức khỏe con người dưới tán rừng thuộc lĩnh vực y khoa hiện đại, phục vụ cung cấp sản phẩm nhân giống dược liệu, cây cảnh, hoa từ nguồn gen có sẵn trong rừng cho thị trường tiêu dùng toàn cầu nói chung và trang trí nội thất toàn cầu nói riêng với thị trường hơn 60 tỷ USD cho cây cảnh trang trí nội thất…

Dự án bao gồm các nội dung như tín chỉ carbon, y tế kỹ thuật cao, du lịch inbound và xuất nhập khẩu cây cảnh.

Ngoài ra, Sovico còn đề xuất dự án khu công nghệ thông tin tập trung tại huyện Lạc Dương kết hợp với thành phố công nghệ - Dalat Nouvo (quy mô khoảng 15ha tại huyện Lạc Dương).

Liên quan tới bất động sản, tập đoàn này mong muốn lập quy hoạch phát triển khu đô thị sinh thái thông minh, nghỉ dưỡng cao cấp (gồm 3 khu vực) với mật độ xanh 80%, gồm cơ sở hạ tầng tuần hoàn thông minh, chất thải không ô nhiễm và Zero carbon.

Các đô thị sinh thái thông minh gồm: khu vực 1 (quy mô khoảng 1.000ha) đặt tại sân bay Cam Ly với chức năng trung tâm CBD, nghỉ dưỡng cao cấp, kết hợp sân bay trực thăng cá nhân; trung tâm dịch vụ tài chính, giải trí, hội họp cao cấp của Việt Nam và khu vực Tây Nguyên.

Khu vực 2 (quy mô khoảng 800ha tại khu vực hồ Chiến Thắng, TP. Đà Lạt) có chức năng đô thị cao cấp phục vụ nhu cầu ở giãn dân của TP. Đà Lạt. Khu vực 3 (khoảng 150ha tại khu du lịch hồ Tuyền Lâm) có chức năng resort bảo tồn đa dạng sinh học.

Đặc biệt, Sovico đề xuất dự án khu đô thị logistics sân bay Liên Khương với quy mô 500ha tại phía Bắc sân bay Liên Khương.

Tại sân bay Liên Khương, hiện Vietjet Air (thuộc tập đoàn Sovico) đang khai thác gần 60% tổng sản lượng hành khách, hàng hóa. Đặt vấn đề sân bay này đã quá tải với công suất 2 triệu khách/năm, Sovico đề xuất đầu tư nhà ga hành khách với công suất 12 triệu khách/năm và chuyển đổi thành sân bay quốc tế với nhiều bãi đỗ máy bay, cargo terminal, kho lạnh, khu logistic…

Trước đó, ghi nhận việc UBND tỉnh Lâm Đồng có công văn gửi Thủ tướng về việc nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Liên Khương từ cấp 4D lên cấp 4E.

Cụ thể, UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư nâng cấp cảng hàng không Liên Khương từ cấp 4D lên cấp 4E với đầy đủ hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ và hệ thống thiết bị phụ trợ dẫn đường tiên tiến để đón được các tàu bay lớn như Airbus A380, Boeing 787.

Sau khi được nâng cấp, sân bay sẽ có công suất thiết kế đến năm 2030 là 5 triệu khách/năm, bao gồm việc xây dựng thêm 1 nhà ga quốc tế trên diện tích đất hiện có là 340 ha. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 4.328 tỷ đồng (do nhà đầu tư tự huy động) được thời gian thực hiện từ năm 2023 – 2026.

Thuận Thảo

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...