Thái Bình tăng tốc đầu tư công, tạo động lực cho kinh tế địa phương
Cùng với việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh Thái Bình đưa mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển về công nghiệp, du lịch, dịch vụ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tỉnh Thái Bình đẩy mạnh phát triển toàn diện kinh tế.
Phát triển kinh tế toàn diện
Tỉnh Thái Bình đặt mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 với tổng số vốn được phân bổ là 11.500 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 6.170 tỷ đồng…
Là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, Thái Bình đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ từ một tỉnh nông nghiệp sang phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị hiện đại. Những năm gần đây, với sự lãnh đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thái Bình đã đạt được nhiều kết quả toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng và chính quyền. GRDP quý I/2025 tăng 9,04%, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2024, vượt mức trung bình của cả nước. Bình quân 5 năm, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt khoảng 8,36%/năm, nâng quy mô GRDP năm 2025 lên 151,2 nghìn tỷ đồng, tăng 70% so với năm 2020.
Cùng với đó, Thái Bình đã và đang triển khai nhiều dự án trọng điểm nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy tăng trưởng. Các dự án lớn như tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Nam Định và Thái Bình; Dự án tuyến đường bộ ven biển đã được khởi công, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và vận tải hàng hóa. Bên cạnh đó, công nghiệp của tỉnh đang phát triển nhanh chóng với động lực chính là ngành chế biến, chế tạo. Các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện có bước tiến đáng kể. Đặc biệt, ngành năng lượng đã tháo gỡ được các điểm nghẽn quan trọng, đưa vào hoạt động các nhà máy nhiệt điện có tổng công suất 1.800 MW, đồng thời triển khai dự án điện khí LNG với công suất 1.500 MW. Tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2025 đạt 67,2% dự toán, tăng mạnh 60,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, để triển kinh tế phát triển toàn diện, Thái Bình đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư hấp dẫn nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và năng lượng tái tạo. Đặc biệt, trong năm 2025, tỉnh Thái Bình phấn đấu thu hút vốn đầu tư đạt trên 50.000 tỷ đồng. Trong đó, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đạt trên 1,5 tỷ USD, tăng trưởng GRDP đạt từ 10,5% trở lên, trọng tâm là công nghiệp với mục tiêu tăng trưởng 19,8%...
Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công
Cùng với việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong 4 tháng đầu năm 2025, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Thái Bình đạt 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn bình quân cả nước. Điều này cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành và địa phương trong việc triển khai các dự án nhằm sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình trọng điểm. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất đối với Thái Bình vẫn là công tác giải phóng mặt bằng. Tình trạng chậm bàn giao đất và những tranh chấp chưa được giải quyết triệt để...
Để khắc phục vấn đề này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án trọng điểm. UBND tỉnh đã cụ thể hóa các kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, tỉnh cũng tổ chức nhiều cuộc đối thoại giữa chính quyền và nhân dân để giải quyết những vướng mắc trong bồi thường đất đai, đảm bảo quá trình giải phóng mặt bằng diễn ra thuận lợi và công bằng.
Với sự quyết liệt của chính quyền, nhiều dự án trọng điểm đã được đẩy nhanh tiến độ. Điển hình Dự án nâng cấp và cải tạo tuyến đường ĐH.65A, ĐH.65B tại huyện Hưng Hà, nối Quốc lộ 39 với di tích lịch sử quốc gia đền Tiên La. Sau khi giải quyết xong các vấn đề về giải phóng mặt bằng, dự án đã đạt hơn 60% giá trị khối lượng theo hợp đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải ngân vốn đầu tư công. Hay Dự án Đường vành đai phía Nam TP. Thái Bình - một trong những công trình giao thông trọng điểm, có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Công trình được khởi công từ tháng 5/2022, đến nay tiến độ thi công vẫn được bảo đảm theo kế hoạch. Các nhà thầu đang tập trung thực hiện những hạng mục quan trọng để đảm bảo hoàn thành đúng thời gian đưa công trình vào sử dụng.
Ngoài ra, Thái Bình cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án. Điều chỉnh phương thức kiểm soát chi để phù hợp với từng loại dự án. Đối với những công trình có tiến độ thi công nhanh, tỉnh áp dụng phương thức “thanh toán trước, kiểm soát sau”, giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn nhanh hơn để triển khai công trình. Còn với các dự án có độ phức tạp cao, phương thức “kiểm soát trước, thanh toán sau” được áp dụng nhằm đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong quá trình giải ngân… Nhiều dự án đã hoàn thành giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn.
Tỉnh Thái Bình đặt mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 với tổng số vốn được phân bổ là 11.500 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là 6.170 tỷ đồng…