• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thu hút vốn FDI vào sản xuất công nghiệp hỗ trợ: Làm sao hiệu quả?

Là ngành công nghiệp trọng điểm nhưng công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn nhỏ bé, thu hút vốn FDI vào ngành này để phát triển sản xuất tại chỗ là đề xuất tốt.

Nhỏ về quy mô, yếu về năng lực

Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam thông tin, doanh nghiệp ngành công nghiệp chế tạo hầu hết có quy mô nhỏ nên sản lượng không lớn, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt khoảng một tỷ USD. Hiện ngành đã xuất khẩu trực tiếp sang một số thị trường lớn như Bắc Mỹ, Canada, các nước châu Âu, các nước Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, còn xuất khẩu gián tiếp qua khách hàng hoặc các công ty FDI tại Việt Nam.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có thể xuất khẩu được nhiều loại mặt hàng, như: Sản phẩm liên quan đến cơ khí, điện, điện tử, nhựa cao su, tự động hóa…. Theo bà Trương Thị Chí Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, sản phẩm ngành xuất khẩu tốt nhất hiện nay là linh kiện xe máy, xe đạp, một số linh kiện ô tô, điện, điện tử, những sản phẩm liên quan đến tủ điện, hệ thống tự động hóa; linh kiện liên quan đến nhựa cao su, thậm chí cả những sản phẩm khó như linh kiện quạt gió, tuabin quạt gió. Đặc biệt, bộ dây điện là sản phẩm thế mạnh của Việt Nam…

Công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: Moit

Thu hút vốn FDI vào ngành công nghiệp hỗ trợ để phát triển sản xuất tại chỗ là đề xuất tốt. Ảnh: Moit

Dù sản phẩm xuất khẩu khá đa dạng, tuy nhiên, theo bà Bình, điểm khó nhất hiện nay liên quan đến yêu cầu về thành phẩm, tức là doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu sản xuất linh kiện rời trong khi yêu cầu của thị trường thế giới phải là cụm linh kiện hoàn chỉnh hoặc sản phẩm hoàn chỉnh. Cùng đó là sự cạnh tranh về giá với sản phẩm cùng loại từ Trung Quốc.

Với xu hướng sản xuất xanh, sử dụng nguyên liệu tái chế, thế khó của ngành công nghiệp hỗ trợ là rất khó tìm được vật liệu đầu vào là vật liệu được tái chế tại thị trường trong nước.

Riêng với thị trường Trung Đông, đại diện Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nhấn mạnh, là thị trường mới trong lĩnh vực cơ khí rất hấp dẫn, giá tốt và yêu cầu không cao. Hiệp hội dự kiến tham dự hội chợ chuyên ngành này để tìm hiểu thị trường, cơ hội hợp tác. “Với thị trường này chỉ ngại mỗi vấn đề thanh toán, trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc có vướng mắc, đề nghị Thương vụ Việt Nam ở thị trường sở tại hỗ trợ, tháo gỡ”, bà Bình đề nghị.

Với sản phẩm cơ khí, ông Nguyễn Chỉ Sáng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam - cũng bày tỏ, sản phẩm của ngành có xuất khẩu nhưng số lượng rất nhỏ.

Thời gian qua, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài có hỗ trợ giới thiệu khách hàng cho doanh nghiệp cơ khí trong nước, tuy nhiên tỷ lệ thành công không cao. “Tôi cho rằng, muốn xuất khẩu được sản phẩm cơ khí có quy mô lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước khác phải xây dựng được thế mạnh của công nghiệp Việt Nam. Sau đó, Thương vụ tập trung quảng bá cho sản phẩm đó mới có thể tạo được hiệu ứng”, ông Sáng bày tỏ.

Thu hút vốn FDI sản xuất, xuất khẩu tại chỗ

Công nghiệp hỗ trợ là ngành công nghiệp trọng điểm thu hút nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Bản thân các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài luôn lưu ý tìm đối tác công nghệ để liên kết với doanh nghiệp Việt và sản xuất, chế tạo các mặt hàng có nhu cầu lớn.

Bà Trần Thu Quỳnh - Thương vụ Việt Nam tại Canada - cho hay, Thương vụ tại đây đã luôn nỗ lực thúc đẩy sự liên kết chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất giữa hai nước để tận dụng tối đa hiệu quả của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Trong những năm qua, Thương vụ đã tổ chức hàng chục hội nghị phổ biến cách thức phối hợp khai thác hiệp định cũng như hội nghị phổ biến thông tin thị trường và nhờ đó đã thu hút được sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp Canada vào Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội làm ăn kinh doanh.

“Trong năm 2024 đã có một phái đoàn gồm gần 200 doanh nghiệp vào Việt Nam để tìm kiếm cơ hội làm ăn kinh doanh. Sắp tới, vào ngày 21 - 23/11/2024, Thương vụ sẽ tiếp tục phối hợp với Quỹ Châu Á Thái Bình Dương tổ chức cho 25 doanh nghiệp công nghệ của Canada trong các lĩnh vực về thực phẩm, năng lượng, y sinh và cơ khí chính xác vào Việt Nam, mong doanh nghiệp trong nước quan tâm đến thị trường Canada tham gia trực tiếp để kết nối”, bà Quỳnh thông tin.

Ngoài ra, Thương vụ cũng đang nỗ lực để thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp giữa các doanh nghiệp công nghệ hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ xanh, sạch và sản xuất tuần hoàn. Đây cũng là nỗ lực để không chỉ thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa mà còn xuất khẩu dịch vụ, đưa các sáng chế và công nghệ của Việt Nam ra thế giới.

Bày tỏ một quan điểm khác nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý - Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển - cho rằng, tập trung tiếp cận các tập đoàn lớn, có khả năng đầu tư vào ngành công nghiệp chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu. Những tập đoàn này có sẵn mạng lưới phân phối toàn cầu, nếu đầu tư sản xuất tại Việt Nam rồi xuất khẩu ngược lại vào hệ thống phân phối của họ thì không chỉ tăng được tiêu thụ nguyên vật liệu tại chỗ, tăng kim ngạch xuất khẩu sang các nước Bắc Âu mà còn tăng xuất khẩu sản phẩm Việt Nam sang các nước khác.

Một số tập đoàn công nghiệp lớn của Thuỵ Điển, Đan Mạch rất quan tâm và đang tìm hiểu khả năng đầu tư và liên kết với doanh nghiệp Việt Nam trong việc cung cấp các sản phẩm cho ô tô. Do vậy, tôi vẫn đề nghị chúng ta thu hút đầu tư của các doanh nghiệp này về Việt Nam”, bà Thuý một lần nữa nhấn mạnh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...