Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội đầu tư vào hàng chục công ty thua lỗ, nguy cơ mất vốn nhà nước
(NB&CL) Thanh tra Bộ Tài chính vừa công bố kết luận thanh tra tài chính tại Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp), chỉ ra hàng loạt vấn đề liên quan đến quản lý tài sản, đầu tư tài chính, nợ phải thu - phải trả và hạch toán doanh thu, chi phí...
Đầu tư thua lỗ, nguy cơ mất vốn
Theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2023, Hancorp có tổng tài sản, nguồn vốn hơn 6.770 tỷ đồng, trong đó vốn góp của chủ sở hữu tại công ty mẹ khoảng 1.410 tỷ đồng.
Tính đến hết năm tài chính 2023, Bộ Xây dựng vẫn nắm giữ 98,83% vốn chủ sở hữu cổ phần vốn tại công ty mẹ Hancorp, tương đương khoảng 1.393 tỷ đồng.
Kết luận thanh tra của Bộ Tài chính chỉ rõ Hancorp đã rót một lượng vốn lớn, lên tới 992,69 tỷ đồng, vào 37 doanh nghiệp trong danh mục đầu tư tài chính dài hạn tính đến ngày 31/12/2023. Tuy nhiên, hiệu quả từ các khoản đầu tư này lại cho thấy bức tranh tài chính đáng lo ngại, với nhiều khoản đầu tư thua lỗ kéo dài và tiềm ẩn nguy cơ mất vốn.
Trụ sở Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp) tại phố Quang Trung, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội.
Trong số 37 doanh nghiệp nhận vốn, 8 công ty đã kinh doanh thua lỗ, dẫn đến việc Hancorp phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tài chính lên tới 36,76 tỷ đồng.
Một số trường hợp điển hình như Công ty Cổ phần Xây dựng Hancorp 2, Hancorp đầu tư 3,7 tỷ đồng (chiếm 46,07% vốn điều lệ), nhưng công ty này lỗ lũy kế tới 44,98 tỷ đồng, buộc trích lập dự phòng 100% số vốn đầu tư.
Công ty Cổ phần Sahabak, đầu tư 19,5 tỷ đồng (chiếm 29,95% vốn điều lệ), nhưng đến nay công ty ngừng hoạt động, không cung cấp báo cáo tài chính năm 2023 và toàn bộ vốn đầu tư cũng bị trích lập dự phòng 100%.
Công ty Cổ phần Thủy điện Hùng Lợi, đầu tư 4,5 tỷ đồng (chiếm 15% vốn điều lệ), doanh nghiệp này cũng rơi vào tình trạng tương tự, với dự phòng 100% giá trị vốn.
Các công ty khác như Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Bắc Hà (3 tỷ đồng) và Công ty Cổ phần BOT Xe điện mặt đất số 1 (3,21 tỷ đồng) cũng bị trích lập dự phòng 100% do ngừng hoạt động hoặc không hiệu quả.
Tại Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 Hà Nội, đầu tư góp vốn vào Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị Vạn Xuân từ năm 2008 số tiền 30,8 tỷ đồng (chiếm 22% vốn điều lệ), thực hiện Dự án Khu dân cư đô thị Tân Thành, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên đến thời điểm tháng 11/2024, dự án vẫn chưa được triển khai. Năm 2017, Công ty đã thực hiện trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn số tiền hơn 2 tỷ đồng…
Các khoản đầu tư vào Công ty CP Quốc tế Hồ Tây và Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phú Mỹ đều ghi nhận lợi nhuận cao trong năm 2023 nhưng vẫn “gánh” lỗ lũy kế hàng trăm tỉ đồng. Trong đó, Công ty CP Quốc tế Hồ Tây báo lãi hơn 40 tỉ đồng, song đến cuối năm vẫn lỗ lũy kế 140,5 tỉ đồng. Tương tự, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phú Mỹ dù lãi hơn 145 tỉ đồng trong năm, nhưng lỗ lũy kế vẫn lên tới 187 tỉ đồng.
4 lô đất đã đầu tư nhưng không thể triển khai thực hiện
Đáng chú ý, qua thanh tra cho thấy, Công ty mẹ - Tổng Công ty có 4 ô đất ở địa điểm giãn dân Bãi Nổ, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội, diện tích là 252m² được Tổng Công ty mua lại của 4 cá nhân, chỉ có quyết định về nguyên tắc cho sử dụng đất và Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ký giữa hai bên nhưng chưa có giấy tờ giao đất và giấy phép xây dựng.
Tại báo cáo kiểm toán quyết toán vốn, Kiểm toán Nhà nước ghi nhận trong giai đoạn 1/1/2012 đến 15/8/2014, do các diện tích đất này thuộc quy hoạch bảo tồn khu di tích Cổ Loa của TP. Hà Nội nên không thể triển khai làm dự án và hiện đơn vị đang tìm đối tác để chuyển nhượng 04 ô đất trên để thu hồi vốn đầu tư.
Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra tháng 11/2024, Công ty Mẹ - Tổng Công ty vẫn chưa tìm được đối tác để chuyển nhượng 4 ô đất trên theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và Ban chỉ đạo cổ phần hóa.
Cũng theo Kết luận thanh tra, theo Phương án tái cơ cấu Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP giai đoạn 2020-2025 đã được Đại hội đồng cổ đông năm 2020 thông qua, sau khi đã được Bộ Xây dựng chấp thuận, phê duyệt danh mục thoái toàn bộ phần vốn của Tổng Công ty tại 33 công ty với tổng giá trị vốn góp là 896,8 tỷ đồng. Đến thời điểm thanh tra tháng 11/2024, Tổng Công ty mới thực hiện thoái 03/33 công ty (năm 2020) chưa thực hiện thoái vốn tại 30 doanh nghiệp…
Thanh tra Bộ Tài chính vừa công bố kết luận thanh tra tài chính tại Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp).
Từ những nội dung thanh tra, Thanh tra Bộ Tài chính kiến nghị thực hiện phương án thoái vốn đối với 4 lô đất đã đầu tư nhưng không thể triển khai thực hiện dự án do đã nằm trong quy hoạch Khu di tích bảo tồn Cổ Loa của TP. Hà Nội theo kiến nghị của các cơ quan có thẩm quyền.
Đặc biệt, tổ chức rà soát, đánh giá các khoản đầu tư tài chính tại doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả… Kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến các tồn tại, khuyết điểm nêu trong kết luận thanh tra, tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh - Kết luận thanh tra nêu rõ.
Minh Chí