• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Từ hậu quả của bão số 3: Thúc đẩy cam kết đầu tư phát triển bền vững

Từ hậu quả bão số 3 cho thấy, biến đổi khí hậu đang tàn phá hệ sinh thái nặng nề, vì vậy đòi hỏi thúc đẩy cam kết đầu tư vào phát triển bền vững.

Chìa khóa khắc phục

Cơn bão số 3 vừa qua hình thành từ vùng biển Philippines, quét qua Hải Nam (Trung Quốc) trước khi đổ bộ vào Việt Nam đã gây ra mưa lớn, lũ lụt nghiêm trọng và sạt lở đất, làm hàng trăm người chết và bị thương, hàng nghìn người mất nhà cửa, phá hỏng nhiều cơ sở hạ tầng và nông nghiệp. Đây là minh chứng rõ ràng cho tác hại nghiêm trọng của các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu.

Trong đó, một trong các nguyên nhân chính là không tính toán đầy đủ chi phí xã hội của các hoạt động kinh tế gây hại cho môi trường. Ví dụ, việc phát thải khí nhà kính từ công nghiệp và giao thông vận tải đã gây ra ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, nhưng các chi phí này không được phản ánh trong giá thành sản phẩm.

Ngoài ra, người tiêu dùng hiện nay vẫn thiếu thông tin đầy đủ về tác động môi trường của các sản phẩm và dịch vụ mà họ sử dụng. Đơn cử, việc sử dụng nhựa dùng một lần vẫn phổ biến, mặc dù chúng gây hại nghiêm trọng cho môi trường biển. Nhiều doanh nghiệp có xu hướng ưu tiên lợi nhuận ngắn hạn hơn là đầu tư vào công nghệ xanh và bền vững.

Từ hậu quả của bão số 3: Thúc đẩy cam kết đầu tư phát triển bền vững
Bão số 3 gây thiệt hại nặng nề đối với nhiều địa phương. Ảnh: TTXVN

Để khắc phục các tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, Nhà nước phải đóng vai trò trung tâm và quyết định trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Chính phủ không chỉ là người thiết lập các chính sách và quy định mà còn là người giám sát việc thực thi, bảo đảm rằng các mục tiêu về khí hậu và môi trường được tuân thủ một cách nghiêm túc và hiệu quả.

Chính phủ cần xây dựng các mục tiêu cụ thể và tham vọng để giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường. Các mục tiêu này phải được lồng ghép vào các chiến lược và kế hoạch phát triển quốc gia. Ví dụ, Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết giảm ít nhất 55% lượng khí thải vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050 thông qua Kế hoạch hành động xanh châu Âu (European Green Deal).

Ngoài ra, việc ban hành các quy định pháp lý chặt chẽ để kiểm soát phát thải từ các nguồn ô nhiễm như xe cộ, nhà máy điện, và các ngành công nghiệp nặng là điều cần thiết. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát nghiêm ngặt và chế tài mạnh mẽ để đảm bảo tuân thủ các quy định. Nhiều quốc gia đã áp dụng thuế carbon hoặc hệ thống giao dịch phát thải để khuyến khích giảm thiểu khí thải.

Nhà nước cần đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng xanh như giao thông công cộng thân thiện với môi trường, năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió, và các công nghệ lưu trữ năng lượng. Các khoản đầu tư này không chỉ giúp giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch mà còn thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch và tạo ra hàng triệu việc làm mới trong ngành công nghiệp xanh.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có thể huy động và phân bổ các nguồn lực cho doanh nghiệp phát triển các dự án phát triển bền vững, thúc đẩy chuyển giao công nghệ xanh, giúp các doanh nghiệp tiếp cận các giải pháp kỹ thuật hiện đại để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng trong giáo dục cộng đồng về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Các chương trình giáo dục về môi trường cần được lồng ghép vào hệ thống giáo dục quốc gia, từ cấp tiểu học đến đại học. Ngoài ra, cần đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông nhằm thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân, khuyến khích việc tiết kiệm năng lượng, giảm sử dụng nhựa và tăng cường tái chế.

Vai trò của doanh nghiệp lớn

Doanh nghiệp lớn có khả năng và trách nhiệm lớn hơn trong việc đi tiên phong đối phó với biến đổi khí hậu. Nhiều công ty hàng đầu trên thế giới đã và đang thực hiện các cam kết mạnh mẽ và hành động cụ thể để giảm thiểu tác động đến môi trường.

Như Microsoft cam kết sẽ trung hòa carbon vào năm 2030 và đặt mục tiêu loại bỏ tất cả lượng carbon mà công ty đã phát thải kể từ khi thành lập năm 1975, vào năm 2050. Họ đầu tư 1 tỷ USD vào Quỹ Đổi mới Khí hậu để phát triển các giải pháp công nghệ giảm phát thải và thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo trong toàn bộ chuỗi cung ứng của mình.

Unilever cũng đã cam kết giảm một nửa lượng khí thải nhà kính từ sản phẩm của mình vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2039. Công ty đã chuyển đổi sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong sản xuất, giảm lượng nhựa và thúc đẩy nông nghiệp bền vững.

Tesla với các dòng xe điện hiệu suất cao và các sản phẩm năng lượng tái tạo như tấm pin mặt trời và pin lưu trữ năng lượng quy mô lớn, đang giúp giảm đáng kể lượng khí thải toàn cầu. IKEA cam kết trở thành "công ty có tác động tích cực tới khí hậu" vào năm 2030, sử dụng 100% vật liệu tái chế hoặc tái tạo trong tất cả sản phẩm và bao bì, đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo.

Vingroup - một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam đã và đang thực hiện những bước đi mạnh mẽ để góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Thông qua thương hiệu VinFast – nhà sản xuất xe điện đầu tiên của Việt Nam, Vingroup đã cho ra mắt hàng loạt các mẫu xe điện thân thiện với môi trường, từ xe máy điện đến ô tô điện, nhằm giảm thiểu đáng kể lượng khí thải CO2 từ phương tiện giao thông.

Tăng cam kết và thực hiện cam kết

Mặc dù đã có những thỏa thuận quốc tế như Hiệp định khí hậu Paris, cam kết của các quốc gia vẫn còn chưa đồng đều và thiếu nhất quán. Một số quốc gia, đặc biệt là những nước phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, chưa cam kết đủ mạnh để giảm phát thải.

Trong khi đó, cam kết của các nước phát triển trong việc cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm để hỗ trợ các nước đang phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu vẫn chưa được thực hiện đầy đủ (UNFCCC 2017). Các quốc gia cần tăng cường hợp tác, thực hiện đầy đủ cam kết tài chính và hỗ trợ công nghệ, để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến này.

Việt Nam có thể học hỏi từ các kinh nghiệm quốc tế để xây dựng và thực thi các chính sách phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong nước như áp dụng thuế carbon và cơ chế định giá carbon. Theo đó, Việt Nam có thể triển khai thuế carbon hoặc cơ chế định giá carbon như hệ thống giao dịch phát thải để thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững hơn.

Đầu tư vào năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng xanh. Cụ thể, đẩy mạnh đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo và khuyến khích các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến; xây dựng chính sách quản lý chất thải và kinh tế tuần hoàn. Theo đó, Việt Nam cần có quy định chặt chẽ hơn về quản lý chất thải, khuyến khích tái sử dụng và tái chế, cùng với các chương trình giáo dục cộng đồng về tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn.

Thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp bền vững, thông qua việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang các phương pháp canh tác bền vững hơn, đồng thời khuyến khích ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp.

Cùng với đó là giáo dục và nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu. Đó là tăng cường giáo dục về biến đổi khí hậu và môi trường trong các trường học và cộng đồng, kết hợp với các chiến dịch truyền thông rộng rãi. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ, thông qua việc tiếp tục hợp tác với các đối tác quốc tế để tiếp cận công nghệ tiên tiến và thu hút nguồn tài chính hỗ trợ.

 

Tác giả: Nguyễn Cảnh Cường - Nguyên Tham tán thương mại tại Vương quốc Anh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết