• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Ông lớn” ngành vàng (SJC) kỳ vọng doanh thu tăng nghìn tỷ trong năm 2022

Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) kỳ vọng năm nay doanh thu tăng khoảng 1.000 tỷ đồng và lãi trước thuế tăng 4 tỷ đồng so với năm ngoái.

Ban lãnh đạo SJC đặt mục tiêu các chỉ tiêu tài chính đều cải thiện so với năm 2021 - giai đoạn dịch bệnh khiến hoạt động kinh doanh vàng bạc và trang sức bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Doanh thu dự kiến đạt 18.757 tỷ đồng, còn lãi trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 60 tỷ đồng và 48 tỷ đồng.

“Ông lớn” ngành vàng (SJC) kỳ vọng doanh thu tăng nghìn tỷ trong năm 2022

SJC kỳ vọng doanh thu tăng nghìn tỷ đồng trong năm 2022

Biên lợi nhuận ròng của SJC tính theo mục tiêu này là 0,25%, thấp hơn nhiều so với tỷ suất sinh lời 5,11% của PNJ – một doanh nghiệp cùng ngành kim hoàn.

Trong kế hoạch kinh doanh năm nay, ban lãnh đạo SJC liệt kê ra nhiều nhiệm vụ quan trọng như hoàn thiện công tác cổ phần hoá, phát triển công ty thành một trong hai doanh nghiệp đầu ngành về sản xuất và kinh doanh nữ trang, mở rộng thị trường kinh doanh sang các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, hồi cuối tháng 7, Tổng giám đốc SJC Lê Thuý Hằng cho biết, hiện công ty chỉ cố gắng hoàn thành kế hoạch doanh số và lợi nhuận được giao để có quỹ lương cho người lao động. So với giai đoạn trước 2021, lợi nhuận hàng năm của công ty đã giảm mạnh từ mức 300-400 tỷ đồng xuống còn chưa đến 80 tỷ đồng.

Bà Hằng nói thêm, từ khi SJC được chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia, việc sản xuất được quản lý rất chặt. Công ty không còn được dập vàng miếng từ nguyên liệu, mất hoàn toàn lợi thế về kinh doanh và cũng không hưởng lợi khi giá vàng trong nước chênh lệch vài chục triệu so với giá thế giới.

Năm ngoái, công ty này có doanh thu gần 17.700 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ 2020 và xuống mức thấp nhất trong vòng 7 năm. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 75 tỷ đồng nhưng công ty chỉ đạt 56 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo SJC khi đó lý giải doanh số giảm mạnh do công ty ngừng hoạt động trong thời gian dài và các cửa hàng bán lẻ nằm trong trung tâm thương mại phải đóng cửa vì dịch. Sau khi trở lại giai đoạn bình thường, công ty đối mặt khó khăn mới khi các doanh nghiệp cùng ngành tung các chính sách tuyển dụng, đãi ngộ hấp dẫn để thu hút nhân sự từ SJC.

Năm 2021, SJC báo lãi chỉ nhỉnh hơn mức đáy năm 2014

Năm 2021, SJC đạt 17.689 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm gần 25% so với năm 2020 và chỉ nhỉnh hơn mức đáy năm 2014 (16.000 tỷ đồng). Sau khi trừ đi giá vốn, lãi gộp của SJC ở mức 131,16 tỷ đồng, biên lãi gộp đạt 0,74%, giảm so với mức 1,1% của năm 2020. Biên lợi nhuận gộp của SJC là rất thấp nếu so với PNJ, doanh nghiệp kinh doanh vàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán (thường ở mức 18%-19%).

Doanh thu cao nhưng lãi mỏng là tình trạng đã duy trì hàng chục năm ở SJC. Từ năm 2012 đến nay, biên lãi gộp của SJC chỉ dao động quanh mức 0,7-0,8%. Nguyên nhân chính thường được chỉ ra là do SJC chủ yếu bán buôn vàng miếng chứ chưa phát triển mạnh mảng bán lẻ vàng trang sức như PNJ.

Báo cáo tài chính 2021 cho biết, hiện SJC có 1 xí nghiệp sản xuất nữ trang và 17 cửa hàng kinh doanh nữ trang hạch toán phụ thuộc. Tuy nhiên, thuyết minh báo cáo tài chính không nêu rõ cơ cấu doanh thu của SJC có bao nhiêu đồng đến từ kinh doanh trang sức, bao nhiêu đến từ hoạt động kinh doanh vàng miếng?

Trong kỳ, SJC cũng ghi nhận hơn 6 tỷ đồng doanh thu tài chính, chủ yếu là lãi tiền gửi.

Về chi phí, năm 2021, SJC tiết giảm đáng kể chi phí bán hàng (52,83 tỷ đồng xuống còn 33,19 tỷ đồng) và chi phí quản lý doanh nghiệp (giảm hơn 34% từ 102,92 tỷ đồng xuống 67,71 tỷ đồng).

Sau khi khấu trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế năm 2021 của SJC đạt 56,4 tỷ đồng, giảm 22,51% so với mức 74,7 tỷ đồng năm 2020. Tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu là 2,82%...

Văn Toàn

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết