• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Sếp phó” Đông Hải Bến Tre đăng ký mua 475.000 cổ phiếu DHC

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên sáng 31/5, cổ phiếu DHC giao dịch quanh mức 71.400 đồng/cp, vùng thấp nhất trong một năm qua. So với mức đỉnh 94.170 đồng/cp ngày 5/11/2021, thị giá mã này đã bốc “hơi” 24% giá trị.

5133-dhc1

“Sếp phó” Dohaco đăng ký mua 475.000 cổ phiếu DHC. Hình minh họa.

Ông Lê Bá Phương – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đông Hải Bến Tre (Mã: DHC) đăng ký mua 475.000 cổ phiếu DHC theo phương thức giao dịch khớp lệnh thỏa thuận từ ngày 2/6 - 1/7. Nếu hoàn tất, ông Phương sẽ nâng sở hữu từ 5,6 triệu cổ phần (tỷ lệ 8%) lên 6,1 triệu cổ phần (tỷ lệ 8,7%).

Trước đó, quỹ Kim Vietnam Fund Management Co., Ltd vừa mua thêm 40.300 cổ phiếu DHC để nâng sở hữu từ 0,14% lên 0,2% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 5/5. Như vậy, sau giao dịch, nhóm quỹ đến từ Hàn Quốc đã nâng sở hữu tại DHC từ 6,95% lên 7,01% vốn điều lệ.

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên sáng 31/5, cổ phiếu DHC giao dịch quanh mức 71.400 đồng/cp, vùng thấp nhất trong một năm qua. So với mức đỉnh 94.170 đồng/cp ngày 5/11/2021, thị giá mã này đã bốc “hơi” 24% giá trị.

4931-dhc

Diễn biến giá cổ phiếu DHC thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

Về kết quả kinh doanh, quý I/2022, DHC ghi nhận 1.032 tỷ đồng doanh thu thuần, đi ngang so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế giảm 31,8% còn 117,9 tỷ đồng. Theo lý giải của đơn vị, lợi nhuận suy giảm là do giá vốn hàng bán tăng 7,5% lên 840,9 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 26,1% lên 31,5 tỷ đồng bởi chi phí xuất khẩu và chi phí vận chuyển gia tăng. Bên cạnh đó, chi phí tài chính ở mức 5,8 tỷ đồng (giảm 11,8%) trong khi doanh thu tài chính 3 tỷ đồng (tăng 61,6%).

Về kế hoạch kinh doanh, năm 2022, DHC đặt kế hoạch tổng doanh thu 3.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 450 tỷ đồng; giảm lần lượt 6,3% và 6,5% so với thực hiện năm trước. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, doanh thu đạt 26,5% còn lợi nhuận hoàn thành 26,2% chỉ tiêu cả năm.

Trong một diễn biến khác, tháng 2/2022, HĐQT DHC công bố nghị quyết vay tối đa 1.100 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank), vay 50 tỷ đồng từ Ngân hàng Shinhan Việt Nam và 5 triệu USD từ Ngân hàng CTBC. Mục đích vay nhằm bổ sung vốn lưu động theo kế hoạch kinh doanh năm 2022.

Đối với khoản tín dụng với Vietcombank, tài sản thế chấp là các tài sản thuộc sở hữu của DHC, bao gồm máy in màu, xe ô tô, toàn bộ tài sản thế chấp gắn liền với đất, các máy móc thiết bị chính của dự án sản xuất giấy Kraft và toàn bộ tài sản thuộc Nhà máy Giấy Giao Long giai đoạn 2.

Còn khoản vay với Shinhan được gia hạn từ ngày 9/10/2021 đến 9/10/2022, được đảm bảo bằng các khoản phải thu giá trị 60 tỷ đồng từ khách hàng.

Khoản vay với Ngân hàng CTBC nhằm phát hành L/C, phát hành bảo lãnh ngân hàng (thư tín dụng dự phòng), vay thanh toán nhờ thu và vay ngắn hạn thanh toán nguyên vật liệu. Công ty đem các khoản phải thu từ khách hàng trị giá 5 triệu USD để đảm bảo cho khoản vay từ Ngân hàng CTBC nói trên.

Tính đến cuối năm 2021, DHC chỉ đi vay ngắn hạn hơn 370 tỷ đồng, trong đó 177 tỷ đồng từ Vietcombank, Shinhan gần 29 tỷ và CTBC hơn 28 tỷ đồng. Số tiền 145 tỷ đồng DHC vay dài hạn từ Vietcombank từ đầu năm đã được trả hết.

Theo kế hoạch công bố vào cuối năm 2021, DHC sẽ đầu tư vào công ty sản xuất giấy với số vốn 1.000 tỷ đồng, trong đó, DHC sẽ nắm trên 95% vốn điều lệ. Dự án bắt đầu triển khai từ năm 2022 và dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Khánh Vân

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết