• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

4 đòn bẩy kỳ vọng bật dậy kinh tế TP Hồ Chí Minh

Tăng tốc giải ngân đầu tư công, rã băng bất động sản, tập trung khai thác thị trường nội địa, xốc lại đội ngũ cán bộ, được kỳ vọng là 4 “đòn bẩy” giúp kinh tế TP Hồ Chí Minh bật dậy mạnh mẽ sau quý I/2023 chỉ tăng trưởng 0,7%.

4 đòn bẩy kỳ vọng bật dậy kinh tế TP Hồ Chí Minh

TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực vực dậy kinh tế sau khi quý I/2023 tăng trưởng thấp. Ảnh: Minh Quân

Sau khi kinh tế TP Hồ Chí Minh trong quý I/2023 chỉ tăng trưởng 0,7% - thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương và đứng thứ 56/63 tỉnh, thành, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều cuộc họp bàn để tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục.

Đồng thời, thành phố cũng nhận được nhiều "hiến kế" của chuyên gia, nhà khoa để vượt qua khó khăn.

Hiện lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp vực dậy kinh tế, trong đó có 4 giải pháp được kỳ vọng là những "đòn bẩy" giúp thành phố bật dậy mạnh mẽ.

Cơ sở khả thi khi thúc đẩy đầu tư công 

Đầu tư công là một trong những “đòn bẩy” mạnh mẽ nhất giúp phục hồi và phát triển nền kinh tế TP Hồ Chí Minh bởi đây được xem là “vốn mồi,” dẫn dắt đầu tư từ nguồn lực xã hội. Thế nhưng, trong quý I/2023, thành phố chỉ giải ngân được 4% trong tổng số hơn 43.400 tỉ đồng đã phân bổ.

Do đó, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến hết quý II sẽ đạt 35%, hết quý 3 đạt 58%, hết quý 4 đạt 91% và hết niên độ (tháng 1.2024) đạt 95% trở lên.

Việc thành phố đặt mục tiêu giải ngân 35% trong quý II/2023 – gấp gần 9 lần quý I là một thách thức rất lớn. Tuy nhiên, điều này là có cơ sở, bởi thành phố đang đặt kỳ vọng rất lớn vào dự án Vành đai 3.

TP Hồ Chí Minh sẽ khởi công dự án Vành đai 3 vào giữa năm nay.  Ảnh: Minh Quân

TP Hồ Chí Minh sẽ khởi công dự án Vành đai 3 vào giữa năm nay. Ảnh: Minh Quân

Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh cho biết, năm nay dự án Vành đai 3 được giao hơn 23.000 tỉ đồng, phần lớn là vốn giải phóng mặt bằng chiếm gần 80% (khoảng 18.000 tỉ đồng).

Theo ông Phúc, hiện các đơn vị và địa phương đang gấp rút hoàn tất công tác chuẩn bị cùng các thủ tục liên quan để duyệt chính sách, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ra quyết định thu hồi đất...

Mục tiêu đặt ra là trước ngày 30.6, các địa phương tuyến đường đi qua giao 90% mặt bằng, 10% còn lại sẽ hoàn tất vào cuối năm.

“Dự án sẽ được giải ngân 46% trong quý II/2023 khi tiến hành chi trả đợt 1 cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và đấu thầu 3 – 4 gói thầu xây lắp. Số vốn giải ngân sẽ tăng lên 75% trong quý III khi dự án tiếp tục chi trả tiền đền bù đợt 2 và đấu thầu các gói thầu xây lắp còn lại” – ông Phúc nói và cam kết dự án Vành đai 3 sẽ hoàn thành giải ngân vào cuối năm.

Cùng với dự án Vành đai 3, hiện thành phố đang đẩy nhanh triển khai hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (4.800 tỉ đồng), mở rộng Quốc lộ 50 (1.500 tỉ đồng), xây dựng nút giao An Phú (3.400 tỉ đồng), xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (8.200 tỉ đồng),…

Rã băng bất động sản

Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết, thành phố hiện có 156 dự án bất động sản đang vướng mắc, trong đó vướng về pháp lý chiếm đến 70%.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi thừa nhận kinh tế thành phố tăng trưởng thấp trong quý I có phần nguyên nhân do 90% dự án bất động sản đang "đóng băng".

Nhiều dự án bất động sản tại TP Hồ Chí Minh đang “đóng băng” chờ giải cứu.  Ảnh: Minh Quân

Nhiều dự án bất động sản tại TP Hồ Chí Minh đang “đóng băng” chờ giải cứu. Ảnh: Minh Quân

Do đó, ông Phan Văn Mãi cho biết thời gian tới, thành phố sẽ "rã băng" từ từ các dự án bằng các giải pháp về vốn.

"Khi ngành bất động sản được gỡ vướng, nhiều ngành nghề khác sẽ được kích thích, việc làm của người dân được tăng thêm" - ông Phan Văn Mãi nhận định.

Khai thác thị trường nội địa

Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2023 của TP Hồ Chí Minh diễn ra cách đây ít ngày, TS Trần Du Lịch, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tại thành phố chỉ tăng trưởng hơn 3% trong khi cả nước đạt gần 10%. Điều này chưa bao giờ xảy ra.

Phát biểu chỉ tạo hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ 20 tổ chức ngày hôm qua (4.4), Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế thành phố có độ mở lớn, dễ chịu tác động từ nền kinh tế thế giới, việc phụ thuộc phần lớn vào thị trường bên ngoài sẽ khiến địa phương khó xoay chuyển tình hình.

TP Hồ Chí Minh sẽ kích cầu tiêu dùng nội

TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung vào thi trường nội địa để kích cầu tiêu dùng.  Ảnh:  Ngọc Lê

Thay vào đó, thành phố cần nghiên cứu thị trường nội địa hơn 10 triệu dân vốn có.

"Có những nước dân số không đến 10 triệu dân, TP Hồ Chí Minh như một đất nước thu nhỏ mà không tận dụng để phát huy được. Mà thị trường nội địa không chỉ có người dân thành phố, mà các vùng Tây Nam Bộ, Trung - Tây Nguyên, các vùng lân cận. Chúng ta đã có chương trình hợp tác phát triển, cần nhanh chóng khai thác thị trường này" - ông Nguyễn Văn Nên định hướng.

Xốc lại đội ngũ cán bộ

Một trong các nguyên nhân sau xa khiến đầu tàu kinh tế tăng trưởng thấp được chỉ ra là việc tổ chức thực hiện, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong công tác phối hợp hành động, thực hiện các nhiệm vụ được giao chưa tốt.

Theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, thành phố vốn dĩ là địa phương có tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm nhưng gần đây, điều này gần như không còn nữa.

Một thực tế đáng lo ngại là doanh nghiệp, người dân vẫn còn than phiền nhiều về sự chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đề nghị xốc lại đội ngũ cán bộ.  Ảnh: Quang Huy

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đề nghị xốc lại đội ngũ cán bộ. Ảnh: Quang Huy

Theo ông Nguyễn Văn Nên, thực tế tại nơi này nơi khác cũng có một bộ phận cán bộ e dè, né tránh theo kiểu “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước vành móng ngựa”. Chuyện sợ vi phạm cũng có điểm tích cực là sợ để tránh nhưng sợ mà không làm gì là hơi quá.

Bí thư Nguyễn Văn Nên khẳng định, tập thể Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy sẵn sàng chịu trách nhiệm cho cán bộ gặp rủi ro khi "hành động vì nước, vì dân, vì sự nghiệp chung", không có động cơ cá nhân.

Theo đó, khi công việc xuất hiện tình huống phát sinh, cán bộ phải xem xét kỹ trách nhiệm ở đâu, thẩm quyền thế nào, việc gì còn thiếu. Nếu trong thẩm quyền thì giải quyết, việc còn băn khoăn thì báo cáo lãnh đạo quản lý, việc vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên.

"Quan trọng là phải trả lời dứt khoát được hay không được, chứ ngâm rồi để đó, thì không biết chờ đến khi nào" - Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...