• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cao Bằng: Triển khai chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc

Cao Bằng đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm sớm đưa chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số vào cuộc sống.

Triển khai quyết liệt và đồng bộ

Năm 2022, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG) của tỉnh Cao Bằng là 820.329 triệu đồng (trong đó: Tổng vốn Ngân sách Trung ương là 816.285 triệu đồng; ngân sách địa phương đối ứng hỗ trợ nhà ở là 2.200 triệu đồng; vốn tín dụng: 4.044 triệu đồng).

Cao Bằng: Triển khai chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc

Quan tâm xây dựng đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG, Cao Bằng đã bám sát các văn bản của Trung ương để chỉ đạo kịp thời việc tổ chức thực hiện. Trong đó, tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả nội dung trọng tâm các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể:

Đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm sinh kế bền vững, ổn định đời sống nhân dân trên cơ sở tập trung khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng của từng địa phương. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; nâng cao hiệu quả, chất lượng đầu tư các chương trình, dự án phù hợp với điều kiện sinh thái, tập quán sản xuất của từng vùng, từng dân tộc.

Ưu tiên đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh. Tập trung giải quyết hiệu quả những vấn đề bức thiết về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, sắp xếp, di dời, bố trí ổn định dân cư cư trú phân tán ở xóm vùng cao, nhất là vùng nguy cơ cao về thiên tai.

Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực. Tăng cường công tác y tế cơ sở, thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Quan tâm xây dựng đời sống văn hóa vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch. Thực hiện hiệu quả chính sách giải quyết việc làm; nghiên cứu xây dựng cơ chế khuyến khích hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững.

Nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh trật tự ở nông thôn, vùng đồng bào DTTS. Tăng cường, nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng hoạt động trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS.

Tăng cường đào tạo, quy hoạch, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ người DTTS; bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS phù hợp với tỷ lệ người DTTS trên địa bàn.

Khuyến khích doanh nghiệp tham gia các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất

Cao Bằng cũng khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia xây dựng kế hoạch, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc Tiểu dự án 2, Dự án 3. Với nguồn vốn 2 tỷ 166 triệu đồng, dự án sẽ xây dựng một số chuỗi liên kết trồng trọt, thu mua đối với cây thạch đen, thuốc lá, quế, hồi, mắc ca.

Cao Bằng: Triển khai chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc

Khuyến khích doanh nghiệp tham gia dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi

Về điều kiện hỗ trợ, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất phải đảm bảo tối thiểu 50% người dân tham gia là đối tượng hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, ưu tiên nguồn lực thực hiện dự án với mô hình có trên 70% người dân tham gia là đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ DTTS, người có công với cách mạng, phụ nữ thuộc hộ nghèo.

Đơn vị chủ trì liên kết và các đối tượng liên kết phải có hợp đồng hoặc biên bản hợp tác về đạo tạo, hỗ trợ kỹ thuật, cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, thu mua, tiêu thụ sản phẩm. Quy mô dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị có quy mô từ 2 huyện trở lên.

Nội dung hỗ trợ gồm: Tư vấn xây dựng liên kết, chi phí khảo sát, đánh giá tiềm năng phát triển chuỗi giá trị; tư vấn xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, quy trình kỹ thuật, đánh giá thị trường, phương án phát triển thị trường; vật tư, trang thiết bị phục vụ sản xuất, cung ứng dịch vụ, giống cây trồng, vật nuôi; đào tạo kỹ thuật sản xuất; tập huấn nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường; chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật trong sản xuất và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi; quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

Thực hiện Chương trình MTQG, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng đang quyết liệt triển khai nhằm đảm bảo tiến độ đã đề ra, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào DTTS và miền núi.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết