Chống khai thác IUU, phát triển bền vững kinh tế biển *Bài 3: Tái cơ cấu, bảo vệ nguồn lợi tự nhiên
Các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình có bờ biển nối liền, trải dài gần 150 km, có hàng nghìn ha bãi bồi và vùng thềm lục địa rộng lớn. Đó là tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển kinh tế biển. Song song với việc thực hiện gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EU), các tỉnh ven biển vùng Nam Đồng bằng sông Hồng đang thực hiện cấu trúc lại nghề cá theo hướng phát triển bền vững, tạo sinh kế phù hợp, nâng cao chất lượng cuộc sống cho ngư dân.
* Cơ cấu lại lĩnh vực nuôi trồng, khai thác thủy sản
Mặc dù có duy nhất một huyện ven biển là Kim Sơn, song những năm qua tỉnh Ninh Bình đã tận dụng tối đa lợi thế này để phát triển nuôi trồng thủy sản, đem lại thu nhập cao cho người dân. Với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản gần 5.000 ha (trong đó có tới 4.000 ha nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ), huyện Kim Sơn xác định nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ vùng bãi bồi ven biển là trọng tâm phát triển.
Theo lãnh đạo UBND huyện, để phát triển thủy sản theo hướng bền vững, Kim Sơn đã tích cực tuyên truyền cho người dân phát triển các mô hình sản xuất thâm canh ứng dụng công nghệ cao như: Sử dụng nhà lưới nuôi 3 vụ/năm; sử dụng chế phẩm vi sinh cải tạo môi trường nuôi; sử dụng hệ thống sục khí để tăng mật độ con nuôi… Các mô hình này đều đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với nuôi quảng canh truyền thống. Nhờ vậy, năm 2023, sản lượng thủy sản của huyện ước đạt trên 36.000 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng 31.331 tấn, khai thác 4.964 tấn. Cùng với đó, hoạt động sản xuất ngao giống, hàu giống, cua xanh đang được nông dân các xã ven biển đầu tư phát triển, đáp ứng nhu cầu của các tỉnh lân cận (Nam Định, Thanh Hóa, Thái Bình, Quảng Ninh). Hiện nay, toàn vùng đã có 301 trại sản xuất giống hàu, giống ngao.
Với bờ biển dài trên 52 km, Thái Bình có nguồn hải sản khá dồi dào, trữ lượng ước tính khoảng 26.000 tấn, trong đó trữ lượng cá 24.000 - 25.000 tấn, tôm 600 - 1.000 tấn, mực 700 - 800 tấn. Sản lượng đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản khoảng trên 18.000 tấn/năm. Ngoài ra, các khu vực cửa sông và ven bờ có khả năng lớn về nuôi trồng thủy sản như tôm, cua, sò, nghêu... Hiện, trên địa bàn đã quai vùng đê bao khoảng 4.000 ha đầm mặn, lợ để nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nuôi trồng hữu hiệu khoảng 3.287 ha.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tận dụng những lợi thế này, Thái Bình đã phát triển khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, tạo sinh kế cho người dân. Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt trên 15.600 ha, trong đó nuôi thủy sản nước lợ 3.550 ha, nước mặn 3.169ha, nước ngọt 8.939 ha. Năm 2024, tỉnh phấn đấu lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tăng trưởng 3,2%, giá trị sản xuất ước đạt 6.132,6 tỷ đồng; sản lượng thủy sản ước đạt 397 nghìn tấn, trong đó khai thác ước đạt 104 nghìn tấn, nuôi trồng thủy sản ước đạt 193 nghìn tấn.
Định hướng phát nuôi trồng thủy sản của Thái Bình thực hiện theo nhiều hình thức, đa dạng hóa chủng loại với các đối tượng nước mặn, lợ, ngọt có giá trị kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế, xã hội của từng vùng trong tỉnh, gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; đồng thời đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng cho các vùng nuôi tập trung. Đối với lĩnh vực khai thác thủy sản, tỉnh xác định điều chỉnh lại cơ cấu tàu cá theo nhóm nghề và nhóm công suất phù hợp, giảm nhanh khai thác ven bờm, tăng dần khai thác vùng lộng và vùng khơi. Tỉnh cũng khuyến khích phát triển nghề câu, lưới rê, vây, chụp mực, tàu dịch vụ hậu cần trên biển; đồng thời hạn chế, giảm nhanh các tàu khai thác lưới kéo ven bờ, các nghề ảnh hưởng đến nguồn lợi tự nhiên.
Việc cơ cấu lại ngành nuôi trồng, khai thác thủy sản là hướng đi tất yếu nhằm phát huy lợi thế, hướng đến phát triển bền vững. Với 72 km bờ biển, đến nay, toàn tỉnh Nam Định đã thành lập được 22 tổ, đội hợp tác khai thác thủy sản. Cơ cấu nghề khai thác chuyển đổi theo hướng phát triển các nghề có tính chọn lọc cao, ít gây hại cho môi trường và nguồn lợi thủy sản như nghề lưới vây, nghề câu, nghề rê...
Tỉnh Nam Định đang tập trung phát triển các đội tàu có công suất lớn hơn 300CV để khai thác xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần thủy sản, khai thác và bảo quản sản phẩm. Trên địa bàn có 2 cảng cá được công bố mở cảng và đưa vào sử dụng gồm một cảng cá loại I (cảng cá Ninh Cơ) và một cảng cá loại III (cảng cá Thành Vui) đảm bảo tàu, thuyền neo đậu, ra vào bốc dỡ hàng hóa an toàn và tiếp cận các dịch vụ hậu cần nghề cá; chấp hành đầy đủ công tác kiểm tra tàu cá trước khi xuất bến và cập bến.
* Khai thác theo hướng bền vững
Theo Chương trình Quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt, hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý nguồn lợi thủy sản được gắn liền với hoạt động khai thác thủy sản bền vững, chống khai thác IUU. Điều đó cho thấy chống khai thác IUU đã trở thành một trong những yếu tố cốt lõi trong phát triển bền vững ngành Thủy sản ở nước ta.
Ông Trần Đức Việt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho biết, thời gian tới Sở và các địa phương tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; tập trung cơ cấu lại đội tàu khai thác trên biển theo hướng giảm dần số lượng tàu khai thác gần bờ; tổ chức sản xuất theo các mô hình liên kết như tổ, đội, nghiệp đoàn, hợp tác xã nhằm nâng cao năng lực khai thác xa bờ. Đồng thời, Sở và các địa phương đầu tư hệ thống thông tin liên lạc đảm bảo giám sát hoạt động của tàu cá, đáp ứng yêu cầu theo pháp luật Việt Nam và các quy ước quốc tế.
Bên cạnh đó, Nam Định cũng chú trọng phát triển đội tàu dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản theo mô hình tổ, đội, hình thành các chuỗi liên kết cung ứng vật tư nhu yếu phẩm và thu mua hải sản. Tỉnh nâng cao năng lực của cảng cá Ninh Cơ và các khu neo đậu tránh trú bão; huy động các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện các công trình đang xây dựng và bổ sung xây dựng các công trình đã được phê duyệt như: Khu neo đậu tránh trú bão cửa sông Ninh Cơ, huyện Nghĩa Hưng; khu neo đậu tránh trú bão cửa Hà Lạn, huyện Giao Thủy...
Phát huy lợi thế sẵn có, Thái Bình hướng tới trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu vùng Đồng bằng sông Hồng, trong đó xác định tập trung phát triển, hiện đại hóa sản xuất các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất nông sản của tỉnh. Để phát triển bền vững, tỉnh tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản theo chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trên cơ sở các chương trình, đề án đã xây dựng. Trong đó tiêu biểu là Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030. Tỉnh quyết liệt thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU.
Đại tá Lâm Mạnh Hồi, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình cho biết, với quyết tâm chung tay cùng cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác IUU, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch dài hạn, đợt cao điểm triển khai các giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm quy định khai thác IUU trên vùng biển được quản lý. Thời gian tới, lực lượng Biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển và xử lý nghiêm tàu cá với các vi phạm: Mất kết nối, hết hạn giấy phép, hết hạn đăng kiểm còn hoạt động trên biển, không làm thủ tục chuyển nhượng khi sang bán nhưng vẫn hoạt động... Đồng thời, lực lượng Biên phòng đẩy mạnh công tác nắm, đánh giá tình hình và phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành điều tra cơ bản với chủ tàu, thuyền trưởng, đối tượng nghi vấn liên quan đến vi phạm trong khai thác để kịp thời quản lý, nhắc nhở, răn đe; quyết tâm cùng cả nước lấy lại "thẻ xanh" cho nghề cá trong thời gian sớm nhất.
Ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định chia sẻ, nếu không khắc phục triệt để những những vấn đề đang tồn đọng hiện nay, ngành Thủy sản không gỡ được “thẻ vàng” và nếu bị áp “thẻ đỏ” thì sẽ ảnh hưởng đến đời sống, sinh kế của người dân cũng như việc phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, tỉnh yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, chính quyền địa phương phải tập trung chỉ đạo sát sao hơn nữa, kiên quyết không cho xuất bến đối với những tàu cá chưa đủ điều kiện theo quy định, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.
Tháng 10/2024, Ủy ban Châu Âu (EC) tiếp tục thanh tra lần thứ 5 đối với Việt Nam trong thực hiện các khuyến nghị về chống khai thác IUU. Đây là đợt thanh tra mang tính quyết định có gỡ được “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam hay không. Bởi vậy, cùng với các địa phương ven biển trên cả nước, 3 tỉnh ven biển phía Nam vùng Đồng bằng sông Hồng đang tiếp tục nỗ lực, dồn sức kiểm soát hoạt động nghề cá, góp phần cùng cả nước quyết tâm giành lại “thẻ xanh” IUU với mục tiêu hướng đến phát triển nghề cá bền vững theo tinh thần Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành Thủy sản./. (Hết)
Nhóm phóng viên TTXVN tại các địa phương