Doanh nghiệp xuất khẩu gạo "bội thu" trong quý I/2022
Thị trường xuất khẩu gạo phục hồi sau đại dịch cùng với căng thẳng Nga - Ukraine đang mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam. Các doanh nghiệp liên tục báo kết quả kinh doanh khả quan.
Quý I/2022, doanh nghiệp xuất khẩu gạo “bùng nổ”, đạt kỷ lục mới
Tại ĐHCĐ thường niên 2022, ông Philipp Roesler, Thành viên HĐQT CTCP Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG) cho biết: Từ lâu, gạo của Lộc Trời đã đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị trường khó tính nhất thế giới và được ưa chuộng tại Châu Âu, tuy nhiên lại được phân phối dưới thương hiệu của đối tác tại các nước sở tại. "Chúng tôi đang cố gắng xuất khẩu gạo vào các nước Châu Âu bằng chính thương hiệu Lộc Trời", ông Philipp nói.
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo "bội thu" trong quý I/2022. Ảnh: |
Ngay từ đầu năm 2022, CTCP Nông sản Lộc Trời (LTA), công ty con của Tập đoàn Lộc Trời đã “khai xuân” lô hàng 4.500 tấn gạo thơm, trị giá hơn 3 triệu USD (khoảng 80 tỷ đồng).
Theo đó, lô hàng này chủ yếu xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông và các quốc gia láng giềng châu Á như Italy, Pháp, Canada, Hongkong (Trung Quốc), Singapore, Philippines…
Khởi đầu hanh thông đã mang đến những tín hiệu tích cực trong kết quả kinh doanh quý I của CTCP Tập đoàn Lộc Trời.
Kết thúc quý I/2022, doanh thu thuần hợp nhất của công ty đạt 2.345 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. Riêng doanh thu mảng lương thực tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm 2021, đạt 1.183 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 184 tỷ đồng, không biến động nhiều so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đã hoàn thành 46% kế hoạch năm 2022.
Tiếp đó là CTCP XNK An Giang (Angimex - Mã: AGM) ghi nhận doanh thu thuần tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2021, đạt gần 1.020 tỷ đồng.
Angimex lý giải doanh thu mảng lương thực tăng mạnh ở tất cả các kênh xuất khẩu, cung ứng nội địa đã giúp doanh thu hợp nhất quý I tăng 175%, lợi nhuận gộp tăng 149% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, hiệu quả đầu tư tài chính tăng mạnh trong đó doanh thu hoạt động tài chính quý I tăng 18 lần so với cùng kỳ, chi phí tài chính tăng gần 10 lần.
Những yếu tố trên đã giúp lợi nhuận sau thuế của Angimex đạt gần 10 tỷ đồng, tăng gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Kế hoạch năm 2022, Angimex đạt mục tiêu doanh thu đạt 8.004 tỷ đồng, riêng mảng lương thực đạt 6.600 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với kết quả thực hiện năm 2021; lợi nhuận trước thuế kỳ vọng đạt 70 tỷ đồng, tăng 23%.
Về chiến lược phát triển dài hạn, Angimex đặt mục tiêu trở thành top 1 trong lĩnh vực xuất khẩu gạo và chiếm lĩnh thị trường gạo nội địa.
CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Mã: TAR) cũng có kết quả kinh doanh tích cực trong quý I/2022.
Theo đó, doanh thu thuần của công ty đạt 958 tỷ đồng, tăng trưởng 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2021; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 27 tỷ đồng, tăng gần 8 lần.
Theo khu vực địa lý, hoạt động bán hàng ở cả nội địa và xuất khẩu đều tăng trưởng vượt trội, doanh thu lần lượt ở mức 742 tỷ đồng và 216 tỷ đồng, tăng 107% và 172% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, Trung An Rice cho rằng lượng đơn hàng xuất khẩu nhiều, chi phí bán hàng tăng cao, cộng thêm áp lực từ giá xăng dầu đã làm ảnh hưởng mạnh đến chi phí vận chuyển nước ngoài.
Một cái tên khác trong mảng lương thực là CTCP Giống cây trồng (Vinaseed - Mã: NSC) cũng ghi nhận doanh thu thuần 327 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2021; lợi nhuận sau thuế đạt 37 tỷ đồng, tăng 11% nhờ việc mở rộng thị trường xuất khẩu gạo.
Trong chiến lược 2022 - 2026, Vinaseed đặt ra mục tiêu đến năm 2026 tăng trưởng gấp đôi quy mô hiện tại, sản lượng đạt 200.000 tấn, chiếm 25% thị phần cả nước.
Quy mô doanh thu 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận 450 - 500 tỷ đồng, công ty duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững từ 17- 20%/năm.
Thị trường sẽ sôi động vào giữa năm
Nhận định về triển vọng xuất khẩu gạo thời gian tới, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết thị trường xuất khẩu gạo rất sôi động vào giữa năm, với nhu cầu mạnh hơn từ các thị trường như Trung Quốc, Bangladesh, Iran và Sri Lanka. Xuất khẩu sang EU dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2022 nhờ ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam.
“Từ tháng 5 sẽ là thời điểm xuất khẩu gạo nhộn nhịp hơn và giá lúa gạo sẽ tiếp tục có xu hướng tăng. Chính vì vậy, doanh nghiệp trong nước cần đảm đảm nguồn hàng, lưu ý các thông tin về container, cước vận tải biển để chủ động giao hàng và ký kết các hợp đồng mới”, ông Nguyễn Quốc Toản lưu ý.
"Mục tiêu xuất khẩu gạo của cả nước cũng đã được điều chỉnh, đến năm 2030, dự kiến chỉ còn khoảng 4 triệu tấn. Do đó, để nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo, ngành gạo cần rà soát lại nhu cầu nhập khẩu của từng thị trường, xác định những thị trường tiêu thụ gạo phẩm cấp thường với giá rẻ, thị trường tiêu thụ gạo cao cấp, gạo thơm…"
Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2022, xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ đạt khoảng 6-6,2 triệu tấn. Quý 2/2022 là thời điểm thị trường gạo thế giới sẽ đẩy mạnh việc mua hàng và đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh những tín hiệu tích cực về giá bán và lượng đơn hàng, xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng đang đứng trước một số khó khăn do sự vươn lên của các đối thủ cạnh tranh.
Do vậy, ông Nguyễn Ngọc Nam khuyến cáo: “Các doanh nghiệp lúa gạo Việt Nam nên tập trung sản xuất các dòng sản phẩm gạo thơm, gạo cao cấp để xuất khẩu vào các thị trường khó tính vì dư địa tại các thị trường này là rất lớn. Cùng với đó, cần tập trung xây dựng thương hiệu bởi cùng chất lượng gạo nhưng loại có thương hiệu tốt có thể sẽ bán được với giá cao hơn từ 10 đến 20%”.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch theo hướng gia tăng các loại gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica, gạo trắng phẩm cấp.
Ngành sản xuất lúa gạo đang được thúc đẩy tái cơ cấu theo hướng đẩy mạnh giá trị, phát triển bền vững với việc tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng và giá trị cho hạt gạo Việt Nam, do đó, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tập trung xây dựng thương hiệu và ngành hàng lúa gạo Việt Nam, đồng thời tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hoàn chỉnh.
Cùng với đó, đẩy mạnh thu hút nguồn lực về tài chính, ứng dụng khoa học - công nghệ, hướng đến xây dựng ngành lúa gạo Việt Nam phát triển hiện đại, bền vững với các chuỗi sản xuất lúa gạo chất lượng cao, như: SRP, GlobalGAP, VietGAP…
Thiên Ân