Dự án cảng biển tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1 sẽ hoạt động đầu quý II/2022
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp thực phẩm (CNTP) của Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng mạnh, từng bước cung ứng nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao, chiếm lĩnh thị trường nội địa và gia tăng xuất khẩu.
Khẩn trương đẩy tiến độ dự án
Dự án cảng biển tổng hợp Cà Ná Giai đoạn 1 do Công ty cổ phần Đầu tư – Xây dựng Trung Nam làm chủ đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận có tổng diện tích quy hoạch 85,52 ha bao gồm hai bến cảng tiếp nhận hàng tổng hợp, hàng container, hàng rời trọng tải đến 100.000 DWT sắp đi vào hoạt động vào đầu quý II/2022. Toàn bộ quy mô cảng sau khi hoàn thành bao gồm 17 bến tàu. Đây là bến cảng nước sâu có địa thế rất thuận lợi trong phạm vi cả nước, hướng đến là điểm trung chuyển hàng hóa cho cả khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, qua đó giải tỏa áp lực các cảng biển miền Đông Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh.
Cảng biển tổng hợp Cà Ná Giai đoạn 1 có công suất thiết kế lượng hàng qua cảng đạt khoảng 3,7 triệu tấn/năm. Dự án có tổng mức đầu tư 6.500 tỷ đồng, bao gồm tất cả các hạng mục quy hoạch gồm bến, bè, bãi, kho, các công trình phụ trợ, dịch vụ, đầu mối hạ tầng kỹ thuật, giao thông và cây xanh.
Ông Trần Đức Xuyên – Phó Tổng Giám đốc TrungNam Group (TNG) cho biết, xác định vai trò quan trọng của dự án, nhà thầu đã khẩn trương chạy đua với thời gian để hoàn thành các hạng mục của dự án kịp tiến độ.
Theo đó, giai đoạn 1 của dự án khởi công vào ngày 25/08/2020, được phân kỳ với 3 tiểu giai đoạn. Trong đó hạng mục bến cảng 1A đã hoàn thành công tác xây dựng, đang triển khai các thủ tục pháp lý công bố cảng, đăng ký chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh bến cảng để đưa vào khai thác từ đầu quý II/2022
Bên cạnh đó, bến cảng 1B cũng đang được triển khai xây dựng, đã hoàn thành 13/252 CKN. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2023 (sớm một năm so với tiến độ theo giấy chứng nhận đầu tư).
Ông Nguyễn Đức Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận (bên trái) tặng quà người lao động Dự án cảng biển tổng hợp Cà Ná nhân dịp năm mới |
Ngoài ra, khu phụ trợ giai đoạn 1 cũng đang được triển khai xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng từ trong quý III/2022.
Trong năm 2021, vượt qua những khó khăn thử thách trong suốt quá trình thi công vì dịch bệnh diễn biến phức tạp, TrungNam Group đã làm chủ tiến độ và đảm bảo được tiến độ của dự án. Dự kiến đưa vào khai thác Giai đoạn 1A từ đầu quý II/2022, hoàn thành toàn bộ Giai đoạn 1 và đưa vào khai thác từ đầu quý IV/2022.
Cũng trong quá trình triển khai thi công giai đoạn 1A, trung tâm điện lực LNG Cà Ná đã được xem xét bổ sung vào quy hoạch điện quốc gia và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch điện VII và dự thảo quy hoạch điện VIII. Theo đó, quy hoạch phân khu bến cảng LNG phục vụ trung tâm điện khí LNG Cà Ná cùng hệ thống đường giao thông, đường ống kết nối, cửa lấy nước làm mát đã được bổ sung vào quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000) cảng tổng hợp Cà Ná tại QĐ số 221/QĐ-UBND ngày 15/05/2021 của UBND tỉnh Ninh Thuận về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cục bộ quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000) cảng tổng hợp Cà Ná, sự kiện này sẽ mở ra một cơ hội lớn góp phần đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng quốc gia theo Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ.
Với vai trò là cảng biển nước sâu tiếp nhận tàu có tải trọng lớn có chức năng tiếp nhận hàng tổng hợp, container, hàng rời nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và sản xuất công nghiệp tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Sau khi giai đoạn 1 hoàn thành dự án vẫn sẽ tiếp tục thi công các giai đoạn tiếp theo với tinh thần nhanh chóng – đảm bảo chất lượng và giá trị sử dụng lâu dài. Công trình sẽ tạo động lực kéo theo các ngành kinh tế khác của tỉnh phát triển và làm tiền đề để tỉnh Ninh Thuận hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo. Việc hoàn thành giai đoạn 1 của dự án trong năm 2022 là nền tảng quan trọng tạo dựng một khu đô thị hậu cần – công nghiệp – khoáng sản – năng lượng với quy mô lên đến hàng chục tỷ USD trong tương lai. Mở ra tiềm năng kinh tế dồi dào, khai thác tối đa tài nguyên tự nhiên vốn có, hướng đến phát triển bền vững.
Phối hợp đưa dự án triển khai đúng tiến độ
Mặc dù đã có những nỗ lực rất lớn, song hiện nay, khó khăn lớn nhất mà dự án đang đối mặt đó là nguồn cung cấp vật liệu san lấp, xây dựng. Nguồn vật liệu san lấp hiện đang thiếu hụt nghiêm trọng. Hiện nay với nhu cầu cát san lấp đang thiếu cho cảng tổng hợp Cà Ná giai đoạn 1 khoảng 1,5 triệu m3; và gần 10 triệu m3 đá san lấp, xây dựng các loại (chưa kể khối lượng vật liệu để xây dựng đoạn tuyến nối cao tốc vào giai đoạn 1 nằm trong kế hoạch tài trợ của TNG cho tỉnh Ninh Thuận).
Do đó, để đảm bảo nguồn cung và đẩy nhanh tiến độ thi công các Dự án nêu trên, TNG đề nghị UBND tỉnh sớm thống nhất chủ trương và hỗ trợ đẩy nhanh thủ tục pháp lý khai thác mỏ đá Giăng (trữ lượng khảo sát khoảng 12 triệu m3 đá, 2 triệu m3 đất tuy nhiên bị hạn chế 50% trữ lượng do điều chỉnh giảm phạm vi khai thác do các nguyên nhân gần khu dân cư và đường dây trung thế). Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh cần hỗ trợ đẩy nhanh thủ tục pháp lý về việc thẩm định hồ sơ điều chỉnh Dự án nạo vét cảng cá Cà Ná (mở rộng để đáp ứng nhu cầu phát triển tàu thuyền có công suất 90CV, trữ lượng khai thác khoảng 300.000 m3). Ngoài ra, BQL khai thác các cảng cá hỗ trợ đẩy nhanh thủ tục pháp lý nạo vét cảng cá Ninh Chữ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, rà soát, cập nhật lại hồ sơ thiết kế nạo vét và tổ chức thực hiện dự án nạo vét cảng Ninh Chữ huyện Ninh Hải và nạo vét cảng Đông Hải, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm theo hình thức xã hội, trình Sở NN&PTNT thẩm định (với trữ lượng dự kiến khoảng 1 triệu m3).
TNG cũng đề nghị UBND tỉnh xem xét cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất để đưa đồi đá Chao vào quy hoạch mỏ vật liệu xây dựng (với trữ lượng khoảng 14 triệu m3). Song song với đó, Ban QLDA các Khu công nghiệp cần xem xét đẩy nhanh công tác hồ sơ pháp lý, giải phóng mặt bằng, triển khai thi công san lấp giai đoạn 1 Khu công nghiệp Cà Ná nhằm tận dụng khối lượng đất đá san lấp dư thừa (trữ lượng khoảng 16 triệu m3).
Ngoài ra, Sở Xây dựng cần sớm thống nhất quy hoạch chung hệ thống thoát nước cho toàn bộ khu tổ hợp Cà Ná để Nhà đầu tư có cơ sở triển khai thiết kế hệ thống thoát nước cho từng dự án phù hợp. Sở Tài nguyên và Môi trường cần sớm ký hợp đồng với đơn vị tư vấn tính giá đất để sớm có cơ sở ký hợp đồng cho thuê đất của dự án. TNG còn kiến nghị UBND tỉnh chấp thuận cho TNG tham gia đấu thầu giai đoạn 2 của cảng tổng hợp Cà Ná để thực hiện xây dựng bến cảng có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 300.000DWT phù hợp với quy hoạch phân khu được duyệt, biến cảng tổng hợp Cà Ná trở thành vị trí độc tôn trên bản đồ cảng biển Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Bày tỏ sự vui mừng khi tiến độ của dự án được triển khai đúng theo mục tiêu đề ra, ông Nguyễn Đức Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận đánh giá, khi đi vào hoạt động, dự án sẽ tạo ra những bước phát triển mạnh cho địa phương. Trong tương lai, dự án sẽ kéo theo sự phát triển của rất nhiều lĩnh vực quan trọng như công nghiệp, kinh tế biển, đô thị biển, công nghiệp mới, năng lượng, logistics và dịch vụ cảng biển…
Ông Nguyễn Đức Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận kiểm tra tiến độ dự án |
“Chiến lược phát triển kinh tế xã hội tỉnh Ninh Thuận coi dự án là một trong những đột phá không chỉ trước mắt mà cả lâu dài. Do đó, chúng tôi cũng bày tỏ sự cảm ơn đến lãnh đạo của các Bộ ngành đã tạo điều kiện cho dự án được triển khai đúng tiến độ; bày tỏ sự cảm ơn đến lực lượng công nhân liên tục ngày đêm, xuyên Tết, vượt qua các áp lực để giữ chất lượng và tiện độ cho dự án, tạo không khí làm việc sôi động, phấn khởi ngay từ đầu năm và mở ra giai đoạn phát triển mới cho toàn tỉnh” – ông Nguyễn Đức Thanh cho hay.
Đối với các kiến nghị của Trung Nam, Bí thư tỉnh Ủy Nguyễn Đức Thanh ghi nhận và giao UBND tỉnh xử lý. “Trước đây chúng ta đã phối hợp tốt rồi, nay cần phối hợp tốt hơn, mạnh mẽ hơn như chủ trương mà Tỉnh uỷ đã có chỉ đạo. Làm sao để các thủ tục pháp lý gọn nhẹ và nhanh chóng. Do đây là dự án trọng điểm nên lãnh đạo tỉnh không chỉ cam kết với chủ đầu tư mà còn cam kết với đảng bộ, nhân dân tỉnh là sẽ quyết tâm đưa cảng Cà Ná thành dự án cảng quan trọng, sớm đưa vào khai thác trong tương lai” - ông Nguyễn Đức Thanh khẳng định.
Dự án cảng biển tổng hợp Cà Ná đi vào hoạt động cũng là thời điểm bắt đầu cho những cơ hội giao thương, trung chuyển hàng hóa của vùng Nam Trung Bộ cho toàn bộ khu vực ASEAN. Quá trình xây dựng từng giai đoạn của dự án sẽ được đồng bộ với quá trình xây dựng Khu công nghiệp Cà Ná được UBND tỉnh Ninh Thuận và Chính phủ quy hoạch với diện tích 827 ha, có vị trí liền kề. Cảng Cà Ná dự kiến đóng góp ngân sách hàng năm cho địa phương từ 33,8 tỷ - 83,4 tỷ đồng/năm, đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương giúp phát triển kinh tế và ổn định đời sống cho nhân dân.
Xuyên suốt quá trình triển khai dự án tại tỉnh nhà cũng như đầu tư nhiều dự án năng lượng khác trên địa bàn, TrungNam Group đã đóng góp hơn 100 tỷ đồng cho các hoạt động xã hội, các chương trình có tác động tốt, lâu dài cho cộng đồng, các chương trình y tế và giáo dục trong suốt quá trình đầu tư kinh doanh tại tỉnh nhà. Riêng trong 2021, Trung Nam đã dành hơn 31 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ địa phương phòng chống dịch bệnh Covid - 19. |
Bùi Huyền