Dự báo, thời gian tới, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sẽ duy trì mức thấp
8 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu đạt trị giá 600 triệu USD. Dự báo, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam thời gian tới sẽ duy trì mức thấp.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam trong tháng 8/2023 đạt 16 nghìn tấn, trị giá 60 triệu USD, tăng 4,9% về lượng và tăng 5,4% về trị giá so với tháng 7/2023, so với tháng 8/2022 giảm 13,4% về lượng và giảm 20,2% về trị giá.
Dự báo, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sẽ duy trì mức thấp |
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu đạt khoảng 184 nghìn tấn, trị giá 600 triệu USD, tăng 14,5% về lượng, nhưng giảm 15,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 8/2023, giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam ước đạt mức 3.748 USD/tấn, tăng 0,5% so với tháng 7/2023, nhưng giảm 7,9% so với tháng 8/2022. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam ước đạt mức 3.263 USD/tấn, giảm 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về cơ cấu chủng loại, tháng 7/2023, xuất khẩu hồ tiêu đen và hồ đen xay của Việt Nam giảm cả về lượng và trị giá so với tháng 7/2022, trong khi xuất khẩu hồ tiêu trắng và hồ tiêu trắng xay giảm về lượng, nhưng tăng về trị giá.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu hồ tiêu đen tăng về lượng, nhưng giảm về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái; các chủng loại hồ tiêu đen xay, hồ tiêu trắng và hồ tiêu trắng xay giảm cả về lượng và trị giá.
Diễn biến giá hồ tiêu đen và hồ tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay (ĐVT: USD/tấn) (Nguồn: Hiệp hội hồ tiêu Quốc tế (IPC)) |
Dự báo, trong ngắn hạn thị trường hồ tiêu toàn cầu chịu sức ép từ nhu cầu của Hoa Kỳ, châu Âu và Trung Quốc yếu. Tuy nhiên, nguồn cung từ Việt Nam hạn chế tác động tích cực lên giá hồ tiêu toàn cầu.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), tổng sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2023 ước đạt 526 nghìn tấn, thấp hơn so với 537,6 nghìn tấn của năm 2022. Trong đó, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam ước đạt 200.000 tấn, tăng 9,3%; sản lượng tại Brazil, Indonesia và Ấn Độ dự báo giảm so với năm 2022.
Hiện lượng hồ tiêu vụ mùa 2023 trong dân và doanh nghiệp không còn nhiều. Từ giờ đến cuối năm, hồ tiêu xuất khẩu chủ yếu từ lượng tồn kho từ các năm trước đó. Đây được cho là nguyên nhân khiến giá hồ tiêu nội địa tăng trong tháng 8/2023.
Cụ thể, ngày 28/8/2023, giá hạt tiêu đen tăng từ 1.500 – 2.000 đồng/kg so với cuối tháng 7/2023, lên mức 68.500 – 72.000 đồng/kg (tùy từng khu vực khảo sát). Giá hạt tiêu trắng ở mức 102.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg so với cuối tháng 7/2023, nhưng vẫn thấp hơn so với mức 105.000 đồng/kg cùng kỳ năm ngoái.
Diễn biến giá hồ tiêu đen tại thị trường nội địa từ đầu năm 2022 đến nay (Nguồn: Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam) |
Cập nhật đến ngày 7/9, các tỉnh đang thu mua hồ tiêu với mức giá dao động trong khoảng 70.500 - 73.000 đồng/kg. Trong đó, Gia Lai đang là địa phương có giá thu mua thấp nhất 70.500 đồng/kg. Trong khi đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục giữ nguyên giá thu mua ở mức 73.500 đồng/kg.
Giá hồ tiêu trong nước ngày 7/9/2023 |
Dự báo, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam thời gian tới sẽ duy trì mức thấp. Nguồn cung nội địa không còn dồi dào, nhu cầu từ các thị trường Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc chưa thực sự khởi sắc.
Ở góc độ doanh nghiệp, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Nguyễn Thị Huyền – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu quế hồi (Vinasamex) – cho biết, do tác động của đại dịch, lạm phát khiến nhu cầu tiêu dùng nhiều loại nông lâm thủy sản tại các thị trường như EU, Hoa Kỳ bị sụt giảm.
Tuy nhiên, nhu cầu của các sản phẩm gia vị của Việt Nam nói chung và hồ tiêu nói riêng dù có giảm đôi chút nhưng các doanh nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều.
Nguyên nhân do, nhóm ngành hàng của Việt Nam thông thường không chỉ phục vụ cho nhóm các ngành hàng gia vị mà trong đó họ còn sử dụng trong nhiều công dụng khác nhau.
Ví dụ các sản phẩm quế, hồi, tiêu và các loại gừng, nghệ được khách hàng dùng trong các ngành làm thực phẩm, đồ uống như rượu, các loại trà, thảo dược.
Bên cạnh đó, các sản phẩm này còn được bán cho các đơn vị chuyên làm các loại thuốc, thực phẩm chức năng, các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp cho chị em phụ nữ. Đây là 2 nhóm ngành hàng được đánh giá là có xu hướng phát triển mạnh thời gian sau đại dịch Covid-19
Việt Nam có thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp và đặc biệt gia vị của Việt Nam do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đã tạo nên hương và vị trong hồ tiêu, quế, hoa hồi có những sự khác biệt so với các thị trường khác trên thế giới.
“Trong quế có thành phần procyanidins và acid cinnamic, đây là 2 thành phần để làm thuốc chống đột quỵ và thuốc kháng viêm. Ở hoa hồi người ta còn tìm thấy các thành phần có chứa hàm lượng axit shikimic nhất định, thành phần này giúp đại hồi có tác dụng kháng vi rút mạnh mẽ. Axit shikimic còn được biết đến với vai trò là thành phần chính trong Tamiflu – một loại thuộc chuyên dùng để trị cảm cúm. Đối với sản phẩm hồ tiêu, trên bàn ăn toàn thế giới không thể thiếu vắng lọ hồ tiêu”, bà Nguyễn Thị Huyền chia sẻ.
Riêng với thị trường EU, theo bà Nguyễn Thị Huyền, hiện Việt Nam đang có Hiệp định EVFTA và các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu và cây gia vị đang được hưởng lợi rất nhiều từ Hiệp định này.
“Rất nhiều khách hàng EU đã chuyển đổi mua từ thị trường Indonesia, Trung Quốc,… sang mua của Việt Nam để hưởng lợi thuế nhập khẩu xuống 0%”, bà Nguyễn Thị Huyền cho hay.