• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá trị sản xuất thủy sản của Kiên Giang ước đạt 29.490 tỷ đồng

Cục Thống kê tỉnh Kiên Giang cho biết, giá trị sản xuất thủy sản 10 tháng năm 2023 của tỉnh ước khoảng 29.500 tỷ đồng, đạt 82,75% kế hoạch, tăng 5,28% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo đó, so với cùng kỳ năm 2022, sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng hơn 665.100 tấn, đạt 79,19% kế hoạch, giảm 3,38%; trong đó, nuôi trồng 301.617 tấn, đạt 83,78% kế hoạch, tăng 15,81%; riêng tôm nuôi nước lợ thu hoạch hơn113.600 tấn, đạt 94,28% kế hoạch, tăng 17,3%.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho hay, tình hình khai thác đánh bắt thủy sản trên ngư trường gặp nhiều khó khăn bất lợi, sản lượng khai thác 10 tháng đạt 75,7% kế hoạch năm, giảm hơn 15% so với cùng kỳ năm 2022.

Ngoài nguyên nhân do ảnh hưởng bất lợi về thời tiết trên biển thì nguồn lợi thủy sản suy giảm nghiêm trọng, giá nhiên liệu, vật tư phục vụ nghề biển, nhu yếu phẩm… ở mức cao làm chi phí chuyến biển tăng cao, hiệu quả khai thác đánh bắt giảm sút dẫn đến khá nhiều tàu khai thác xa bờ ngừng hoạt động. Nhiều chủ tàu thiếu vốn lưu động, thiếu lao động và những nguyên nhân khác buộc phải cho tàu nằm bờ.

Đối với nuôi trồng thủy sản, đến thời điểm này, tổng lượt diện tích thủy sản thả nuôi toàn tỉnh hơn 291.520 ha, đạt 100% kế hoạch, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng trên 2 nhóm là tôm các loại và thủy sản khác, các sản phẩm thu hoạch chủ yếu, gồm tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cua và một số loài nhuyễn thể. Sản lượng thủy sản nuôi tăng so với cùng kỳ do diện tích thả nuôi tăng và tăng diện tích nuôi ghép các đối tượng cá nước ngọt - lợ, đặc biệt là cua biển, nhuyễn thể hai mảnh vỏ, cá nuôi lồng bè. Ngoài ra, tình hình thời tiết, điều kiện môi trường tự nhiên khá thuận lợi nên sản xuất nông nghiệp của tỉnh cơ bản ổn định; trong đó, có nuôi trồng thủy sản, không phát sinh dịch bệnh gây hại nghiêm trọng đối với thủy sản nuôi.

Ông Lê Hữu Toàn cho hay, những tháng còn lại của năm 2023 và đầu năm 2024, tỉnh theo dõi và nắm chắc tình hình, diễn biến thời tiết và thông tin về nguồn lợi thủy sản, ngư trường để kịp thời cung cấp cho ngư dân khai thác đánh bắt hiệu quả. Tổ chức khai thác đánh bắt theo chuỗi và nhóm, tổ, đội để hỗ trợ nhau trong dịch vụ hậu cần, bám biển dài ngày khai thác an toàn, hiệu quả trên ngư trường.

Tỉnh thực hiện tốt quản lý tàu cá, rà soát, thống kê, kiểm đếm, hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá… tạo điều kiện cho các chủ tàu tham gia khai thác đánh bắt trên biển đúng theo quy định khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn chủ tàu, thuyền trưởng không vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản trái phép theo khuyến nghị của Đoàn Thanh tra của Uỷ ban châu Âu về các quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và giải pháp hành động gỡ “thẻ vàng” của Việt Nam.

Trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tỉnh tăng cường theo dõi diễn biến mực nước tại khu vực các cống và tình hình thời tiết, vận hành đóng, mở cống hợp lý phục vụ sản xuất nông nghiệp; trong đó, có nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm, cua.

Ngành chức năng tỉnh thực hiện tốt quan trắc môi trường, quản lý vận chuyển con giống thủy sản, đặc biệt là chất lượng tôm giống và cập nhật thông tin tình hình bệnh tôm nuôi để thông báo kịp thời đến các địa phương, doanh nghiệp và nông dân nuôi tôm để chủ động ứng phó, tổ chức sản xuất an toàn, bền vững, hiệu quả. Ngành chức năng hướng dẫn, khuyến cáo người nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản để tăng năng suất, chất lượng và giảm thiểu tác động bất lợi của biến đổi khí hậu đến hoạt động sản xuất thủy sản./.

Lê Huy Hải


Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết