Hoa Sen (HSG) chốt quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%
CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HoSE - Mã: HSG) thông báo 15/9 là ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức niên độ tài chính 2020 - 2021 (1/10/2020 - 30/9/2021) bằng cổ phiếu.
Theo đó, Hoa Sen sẽ phát hành 99,7 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tỷ lệ 20% (100 cổ phiếu cũ được nhận 20 cổ phiếu mới). Vốn doanh nghiệp sau phát hành dự kiến tăng lên 5.980 tỷ đồng.
Niên độ tài chính 2020 - 2021, tương tự nhiều doanh nghiệp thép khác, Hoa Sen đạt kết quả kinh doanh khả quan với doanh thu 48.987 tỷ đồng, tăng 76% so với niên độ trước; lãi ròng gấp 3,7 lần lên 4.314 tỷ đồng. Với kết quả này, HĐQT trình và được cổ đông thông qua chia cổ tức cổ phiếu tối đa tỷ lệ 20%.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên 30/8, cổ phiếu HSG đang đứng tại mức 20.500 đồng/cp sau 3 phiên giảm liên tiếp, khối lượng giao dịch đạt hơn 6,7 triệu đơn vị. Thị giá mã này hiện đã phục hồi gần 45% so với mức đáy ngày 21/6 sau đà giảm sâu từ vùng 42.000 đồng/cp tính từ đầu tháng 3.
Diễn biến giá cổ phiếu HSG thời gian gần đây (Nguồn: TradingView) |
Về kết quả kinh doanh quý III, niên độ tài chính 2021-2022 (từ 1/4 - 30/6), Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 12.177,2 tỷ đồng, giảm 6,2% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt 265 tỷ đồng, giảm 84,4% so với cùng kỳ. Trong đó, đáng chú ý biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 22,7% về chỉ còn 13,1%. Được biết, trong 2 năm đại dịch, biên lợi nhuận gộp của Hoa Sen cao hơn nhiều quý III. Cụ thể, biên lợi nhuận gộp năm 2020 đạt 17,21% và biên lợi nhuận gộp năm 2021 đạt 16,8%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 46% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 1.358,7 tỷ đồng về 1.595 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 71,1%, tương ứng giảm 108,63 tỷ đồng về 44,07 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 44,7%, tương ứng tăng thêm 67,51 tỷ đồng lên 218,44 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 17%, tương ứng tăng thêm 164,59 tỷ đồng lên 1.130,26 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Công ty thuyết minh thêm, chi phí tài chính tăng đột biến chủ yếu do công ty ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá tăng thêm 87,4 tỷ đồng lên 158,8 tỷ đồng.
Lũy kế trong 9 tháng đầu năm, Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 41.771,5 tỷ đồng, tăng 26,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 1.138,03 tỷ đồng, giảm 66,3% so với cùng kỳ.
Trong niên độ tài chính 2021-2022, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 46.399 tỷ đồng và 3 kịch bản lợi nhuận sau thuế lần lượt là 1.500 tỷ đồng, 2.000 tỷ đồng và 2.500 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, Công ty mới hoàn thành được 45,5% kế hoạch lợi nhuận năm (kế hoạch lãi 2.500 tỷ đồng) và hoàn thành 75,9% kế hoạch năm (kế hoạch lãi 1.500 tỷ đồng).
Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm, Hoa Sen ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 687,1 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 1.025,2 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 293,1 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 831,1 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.
Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của Hoa Sen giảm 13,3% so với đầu năm về 23.079 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho đạt 12.344,6 tỷ đồng, chiếm 53,5% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 5.997,6 tỷ đồng, chiếm 26% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 1.997,6 tỷ đồng, chiếm 8,7% tổng tài sản và các tài sản khác.
Về cơ cấu tồn kho, tồn kho của Hoa Sen chủ yếu là 6.925,6 tỷ đồng nguyên liệu, vật liệu; 3.506,1 tỷ đồng thành phẩm; 587,5 tỷ đồng công cụ, dụng cụ… Mặc dù sở hữu tồn kho lớn nhưng tính tới 30/6/2022, Công ty chỉ trích lập dự phòng giảm giá tồn kho là 158,8 tỷ đồng, thấp hơn đầu năm ghi nhận trích lập lên tới 206,9 tỷ đồng (giảm 48,1 tỷ đồng).
Được biết, từ 11/10/2021 đến 29/7/2022, giá thép thế giới liên tục giảm, tương ứng giảm 30,4% về 4.122 CNY/tấn và trong nước, kể từ tháng 5 tới nay, các doanh nghiệp sản xuất thép cũng đồng loạt giảm giá thép theo xu hướng thế giới. Như vậy, mặc dù giá thép thế giới và trong nước liên tục giảm mạnh nhưng giá trị trích lập dự phòng giảm giá tồn kho của Hoa Sen không có dấu hiệu tăng lên tương xứng với diễn biến tiêu cực của giá thép.
Ngoài ra, tính tới cuối quý III, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 12,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 831,5 tỷ đồng lên 7.667,6 tỷ đồng và chiếm 33,2% tổng nguồn vốn (đầu năm chiếm 25,7% tổng nguồn vốn).
Triển vọng ngành thép trong năm 2023
Trong báo cáo ngành thép, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, giá thép có thể hồi phục tốt hơn trong năm 2023, động lực chủ yếu đến từ nhu cầu của thị trường Trung Quốc khi các chính sách kích thích lại thị trường bất động sản bắt đầu có hiệu quả.
Bên cạnh đó việc Trung Quốc dỡ bỏ phong tỏa, đẩy mạnh đầu tư công (đặc biệt chi cho xây dựng cơ sở hạ tầng) cũng sẽ giúp nhu cầu tiêu thụ sắt thép ổn định trở lại.
Với chính sách cắt giảm khí thải và công suất thép của Trung Quốc, nguồn cung thép được dự báo sẽ giảm dần trong những năm tới. Vì vậy, giá thép sẽ rất nhạy cảm với nhu cầu, khi triển vọng nhu cầu thép tích cực trở lại, giá thép sẽ có mức hồi phục tốt và giúp cải thiện mức biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép.
VCBS cho rằng chu kỳ giá thép hiện nay có điểm tương đồng với giai đoạn 2013 - 2016 khi nhu cầu tiêu thụ thép tại Trung Quốc sụt giảm mạnh do thị trường bất động sản Trung Quốc chững lại, từ đó giá thép đi vào giai đoạn giảm giá dài. Đây là giai đoạn các nhà sản xuất thép phải hạn chế sản xuất.
(Nguồn: VCBS) |
Ông Trần Minh Hoàng - Trưởng phòng Phân tích Nghiên cứu, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, hiện có một số chính sách đáng chú ý tác động đến ngành thép như Nghị định 101/2021/NĐ-CP được ban hành có nội dung giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN của một số sản phẩm thép xây dựng, thép tấm từ 5 - 10% sau ngày 30/12/2021. Tuy nhiên, tác động của chính sách là không quá lớn khi đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Trung Quốc đang lên kế hoạch cắt giảm nguồn cung và chuyển hướng thành quốc gia nhập khẩu thép.
Bên cạnh đó, Ấn Độ dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với thép mạ hợp kim nhôm kẽm có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam, Hàn Quốc và Trung Quốc từ 1/2/2022.
Tuy nhiên, việc EU chính thức áp quota đối với sản phẩm thép tấm của Việt Nam ảnh hưởng khá tiêu cực đối với doanh nghiệp xuất khẩu thép của Việt Nam. Trong đó, Việt Nam nằm ở danh sách "các nước khác" với mức quota cho nhóm này là 2,1 triệu tấn thép mạ kẽm nhúng nóng và tăng 4% trong 2 năm tới. Hiện nay, Việt Nam đang xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn mạ kẽm nhúng nóng, chiếm 45% hạn ngạch, vì vậy triển vọng sẽ kém tích cực hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôn mạ đặc biệt là đơn vị tập trung vào thị trường EU như Nam Kim.
Nhận định về triển vọng ngành thép, các chuyên gia kinh tế cho biết, rủi ro giảm giá thép còn hiện hữu trong nửa cuối năm 2022 khi giá thép tiếp tục duy trì mặt bằng thấp. Giá thép thanh tại Việt Nam sau khi đạt đỉnh ở mức 19.000 đồng/kg vào quý I/2022 đã liên tiếp lao dốc giảm 13 lần và chạm mốc 15.700 đồng/kg vào tháng 8/2022. Tình trạng này đến từ áp lực giảm giá theo giá thép thế giới; chi phí sản xuất thép sụt giảm; nhu cầu tiêu thụ thép trong nước có mức sụt giảm mạnh trong quý II/2022 làm các doanh nghiệp sản xuất phải hạ giá bán để đẩy bán nhanh hàng tồn kho.
VCBS ước tính, trong kịch bản cơ sở khi giá thép phế ở mức trung bình 380 USD/tấn như hiện nay, HPG có thể hạ giá bán xuống mức 540 USD/tấn, tương đương khoảng 12,5 triệu đồng/tấn. Trong trường hợp giá nguyên vật liệu đầu vào tiếp tục giảm, giá thép có thể tìm đến vùng giá thấp hơn.
VCBS kỳ vọng giá thép có thể hồi phục trong nửa cuối 2023 sau khi giảm về mặt bằng giá thấp hơn hiện tại, nguyên nhân đến từ việc các chính sách kích thích cần thời gian để thể hiện rõ tác động giúp vực dậy nhu cầu đang rất yếu của thị trường Trung Quốc.
Ở trong nước, VCBS dự báo nguồn cung bất động sản hồi phục và chính sách đẩy mạnh đầu tư công sẽ là động lực lớn giúp thúc đẩy sản lượng tiêu thụ thép. Tuy nhiên, các dự án xây dựng sẽ được đẩy mạnh khi giá thép duy trì ở mặt bằng giá ổn định. Vì vậy, sự tăng trưởng sẽ được phản ánh sau vào thời điểm giá thép ổn định.
Cụ thể, nguồn vốn kế hoạch giải ngân trong năm 2022 và 2023 còn lại rất nhiều sẽ là động lực mạnh mẽ để thúc đẩy xây dựng các dự án hạ tầng cũng như nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng. Cùng với đó, nguồn cung bất động sản trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt trong 2023 sau quá trình siết chặt nguồn vốn vào thị trường bất động sản năm 2022. VCBS kỳ vọng chính sách sẽ dần nới lỏng cho các chủ đầu tư vào năm 2023 giúp nguồn cung được hồi phục rõ rệt.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang khẩn cấp rà soát các vấn đề về pháp lý và hoàn thiện khung pháp luật liên quan tới lĩnh vực bất động sản để tháo gỡ những khó khăn giúp thị trường bất động sản phát triển ổn định hơn.
Khánh Vân