Infographic: Nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh 9 tháng đầu năm 2024
UBND TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 9, ghi nhận nhiều kết quả tích cực liên quan đến kinh tế, xã hội, công nghiệp, thương mại, dịch vụ...
Chiều 1/10, lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành đã có cuộc họp đánh giá tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội tháng 9, 9 tháng đầu năm 2024; nhiệm vụ giải pháp trọng tâm tháng 10 năm 2024; kết quả thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thành ủy, Chương trình công tác năm 2024 và các Thông báo kết luận của UBND Thành phố về tình hình kinh tế - xã hội.
Phiên họp cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025; đồng thời xem xét cho ý kiến một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố.
Đánh giá chung về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng cho thấy, Thành phố vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng nhưng chưa có đột phá.
Cụ thể, theo báo cáo, thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng của các dự án. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố trong những tháng cuối năm 2024. Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn thành phố ước thực hiện tăng 6,7% so với cùng kỳ.
Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn Thành phố quý III năm 2024 ước thực hiện 110.698,7 tỷ đồng, tăng 31,7% so với quý trước và tăng 3,7% so với cùng kỳ. Trong đó: Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn Thành phố ước đạt 269.288,6 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ.
Vốn đầu tư thực hiện xây dựng cơ bản và sửa chữa lớn từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện tháng 9 năm 2024 đạt 4.875,5 tỷ đồng, tăng 4,6% so với tháng trước và giảm 6,1% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn ngân sách cấp Thành phố quản lý ước thực hiện 4.871 tỷ đồng, giảm 5,6% so với cùng kỳ; vốn ngân sách cấp huyện ước thực hiện 4,5 tỷ đồng, bằng 12,6% so với cùng kỳ (do Kế hoạch vốn từ ngân sách cấp huyện năm 2024 chỉ bằng 16,8% năm 2023). Tính đến hết ngày 27/9/2024, tổng số vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đã giải ngân là 15.802,7 tỷ đồng, đạt 19,9% so với Kế hoạch vốn năm 2024.
Theo đó, về sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố tiếp tục phục hồi và duy trì đà tăng trưởng tích cực: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 9 năm 2024 ước tính tăng 3,4% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2024, IIP trên địa bàn Thành phố tăng 6,9% so với cùng kỳ, mức tăng cao nhất trong quý II năm 2024.
Cụ thể, chỉ số sản xuất 4 ngành công nghiệp trọng điểm tính chung 9 tháng năm 2024 tăng 4,7% so với cùng kỳ, thấp hơn 2,2 điểm phần trăm so với IIP toàn ngành công nghiệp. Bao gồm, ngành hóa dược tăng 18,3%; ngành chế biến lương thực, thực phẩm tăng 2,0%; ngành sản xuất hàng điện tử tăng 0,7%; ngành cơ khí giảm 3,9%.
Chỉ số sản xuất 3 ngành công nghiệp truyền thống tính chung 9 tháng năm 2024 tăng 1,0% so với cùng kỳ. Bao gồm, ngành sản xuất trang phục tăng 2,7%; ngành dệt tăng 0,1%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 0,6%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 9 tháng năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ như: Bao bì đóng gói bằng plastic tăng 25,7%; sổ sách, vở, giấy và các sản phẩm bằng giấy tăng 19,0%; xi măng tăng 16,4%; bột giặt và các chế phẩm dùng để tẩy rửa tăng 13,1%; thuốc lá điếu tăng 10,1%. Một số sản phẩm công nghiệp giảm mạnh so với cùng kỳ như: Phân khoáng hoặc phân hoá học giảm 14,6%; giày dép thể thao giảm 1,6%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9 năm 2024 ước tính tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 12,2% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2024, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,1% so với cùng kỳ.
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 9 năm 2024 ước tính tăng 4,5% so với tháng trước và giảm 18,3% so với cùng kỳ.
Chỉ số lao động làm việc tại các doanh nghiệp ngành công nghiệp trong tháng 9 năm 2024 tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 0,9% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2024, chỉ số lao động giảm 3,4% so với cùng kỳ.
Về hoạt động của doanh nghiệp, từ ngày 01/01/2024 đến ngày 20/9/2024, Thành phố cấp phép 37.808 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 294.887 tỷ đồng, tăng 1,6% về giấy phép và giảm 13,9% về vốn so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp tham gia vào thị trường tăng 4,6%, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 6,2%; cứ 100 doanh nghiệp tham gia vào thị trường thì có 56 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Trong đó, phân theo loại hình doanh nghiệp: Có 91,6% đăng ký thành lập mới là công ty TNHH; công ty cổ phần chiếm 7,5%; doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh chiếm 0,9%; Phân theo khu vực kinh tế: Có 82,6% doanh nghiệp thành lập mới hoạt động dịch vụ, 17,1% doanh nghiệp ngành công nghiệp –xây dựng và 0,3% ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Điều tra xu hướng kinh doanh tại các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh quý III năm 2024 so với quý II năm 2024 đã có tín hiệu khởi sắc. Cụ thể: có 59,7% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên; 25,2% giữ ổn định và 15,1% khó khăn hơn. Trong đó, 92,5% doanh nghiệp Nhà nước đánh giá hoạt động quý III năm 2024 tốt lên và giữ ổn định so với quý trước; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp có vốn tư nước ngoài và ngoài Nhà nước lần lượt là 84,9% và 83,4%.
Dự báo tình hình quý IV năm 2024, có 62,3% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn; 24,7% giữ ổn định và 13,0% khó khăn hơn. Trong đó, có 92,5% doanh nghiệp nhà nước có cái nhìn tích cực về tình hình kinh doanh trong quý IV năm 2024, tỷ lệ này ở khu vực có vốn tư nước ngoài và ngoài nhà nước tương ứng là 85,1% và 87,3%.
Theo đó, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Thành phố trong 9 tháng năm 2024 ước tăng 14,3% so với cùng kỳ, trong đó thu từ các khu vực kinh tế đều tăng khá góp phần thu nội địa tăng 22,2% và đặc biệt thu từ xuất, nhập khẩu đã tăng 1,2%. Chi cân đối ngân sách địa phương tăng 22,2%, chi thường xuyên tăng 14,1% so với cùng kỳ.
Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2024 ước thực hiện 371.307 tỷ đồng, đạt 76,9% dự toán và tăng 14,3% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) 9 tháng năm 2024 ước thực hiện 56.254 tỷ đồng, đạt 37,5% dự toán và giảm 0,5% so với cùng kỳ.
Tổng chi cân đối ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) ước thực hiện 55.047 tỷ đồng, đạt 37,7% dự toán và tăng 22,2% so với cùng kỳ. Cụ thể: Chi đầu tư phát triển ước thực hiện 16.925 tỷ đồng, đạt 22,4% dự toán và tăng 45,9% so với cùng kỳ.
Về lĩnh vực ngân hàng, lãi suất huy động bằng VNĐ tại các Ngân hàng thương mại tăng khoảng 0,08% - 0,17%/năm tùy kỳ hạn so với cuối tháng trước, ngược lại lãi suất cho vay bằng VNĐ thấp hơn 0,7% - 0,8% đối với các kỳ ngắn hạn so với cuối năm 2023. Tính đến ngày 30/9/2024, tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố tăng 10,3% và dư nợ tăng 11,3% so với cùng kỳ. Tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố ước tính đến ngày 30/9/2024 đạt 3.736 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 11,3% so với cùng kỳ.
Về hoạt động thương mại, dịch vụ và vận tải. Theo đó, hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng ổn định, mặc dù doanh thu lưu trú, lữ hành giảm do thời tiết không thuận lợi, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng tháng 9 ước tăng 4,8% so với tháng trước, tăng 13,5% so với cùng kỳ và tính chung 9 tháng năm 2024 tăng 10,5%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 năm 2024 ước đạt 108.410 tỷ đồng, tăng 4,8% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ. Ước tính quý III năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 312.659 tỷ đồng, tăng 9,8% so với quý trước và tăng 10,6% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 872.331 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 9 năm 2024 ước đạt 50.331 tỷ đồng, chiếm 46,4% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 6,2% so với tháng trước và tăng 15,7% so với cùng kỳ. Một số nhóm mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn và tăng so với cùng kỳ như nhóm lương thực, thực phẩm; nhóm đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình chiếm; nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm.
Tính chung 9 tháng năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 413.188 tỷ đồng, tăng 11,0% so với cùng kỳ. Trong đó, các nhóm có mức tăng cao như lương thực, thực phẩm tăng 11,9%; nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) tăng 11,7%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 23,6%; nhóm hàng hóa khác tăng 17,3%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 9 năm 2024 ước đạt 12.259 tỷ đồng, chiếm 11,3% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 3,4% so với tháng trước và tăng 12,5% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu lưu trú giảm 1,3% so với tháng trước và tăng 12,9% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ ăn uống tăng 4,0% so với tháng trước và tăng 12,4% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2024, doanh thu lưu trú và ăn uống ước đạt 99.021 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ. Trong đó, lưu trú tăng 29,8% và dịch vụ ăn uống tăng 6,8%.
Dịch vụ lữ hành tháng 9 năm 2024 ước đạt 3.067 tỷ đồng, giảm 19,5% so với tháng trước và tăng 28,5% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2024, doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt 30.005 tỷ đồng, tăng 54,9% so với cùng kỳ.
Doanh thu dịch vụ khác tháng 9 năm 2024 ước đạt 42.753 tỷ đồng, tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 10,5% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2024, doanh thu dịch vụ khác ước đạt 330.117 tỷ đồng, tăng 7,5%. Trong đó, doanh thu kinh doanh bất động sản ước đạt 199.156 tỷ đồng, chiếm 60,3% trong doanh thu dịch vụ khác, tăng 6,7% so với cùng kỳ; nhóm dịch vụ hành chính và hỗ trợ tăng 9,0%; nhóm giáo dục và đào tạo tăng 9,4%; nhóm y tế tăng 7,3%; nhóm nghệ thuật, vui chơi, giải trí tăng 8,1%.
Vận tải hành khách và hàng hóa: Doanh thu vận tải 9 tháng năm 2024 tăng 36,9% so với cùng kỳ. Riêng quý III tăng 41,5% so với cùng kỳ. Trong đó: Vận tải hành khách giảm 13,7%; vận tải hàng hóa tăng 11,9%. Tổng doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 9 ước đạt 42.195 tỷ đồng, giảm 2,4% so với tháng trước và tăng 34,0% so với cùng kỳ. Riêng quý III ước đạt 128.760 tỷ đồng, tăng 17,4% so với quý II và tăng 41,5% so với cùng kỳ.
Vận tải hành khách: Doanh thu tháng 9 ước đạt 1.561 tỷ đồng, giảm 2,6% so với tháng trước và giảm 7,5% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2024 ước đạt 13.819 tỷ đồng, giảm 8,7% so với cùng kỳ.
Vận tải hàng hóa: Doanh thu tháng 9 ước đạt 9.279 tỷ đồng, giảm 1,7% so với tháng trước và tăng 8,3% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2024 ước đạt 78.347 tỷ đồng, tăng 12,0% so với cùng kỳ. Hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải, bưu chính và chuyển phát: Doanh thu tháng 9 ước đạt 31.355 tỷ đồng, giảm 2,6% so với tháng trước và tăng 47,7% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2024 ước đạt 239.124 tỷ đồng, tăng 52,4% so với cùng kỳ.
Chỉ số giá tiêu dùng (CIP): Bước qua tháng 9, học phí năm học mới 2024 – 2025 được điều chỉnh, giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng là một trong những nguyên nhân làm chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,45% so với tháng trước và tăng 2,71% so với cùng kỳ. Trong đó, 8/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng so với tháng trước, mức tăng cao nhất là nhóm giáo dục (+4,85%), các nhóm còn lại đều giảm, giảm nhiều nhất là nhóm giao thông (-3,03%).
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng năm 2024 tăng 3,17%, trong đó, 10/11 nhóm có chỉ số giá tăng và tăng cao nhất là nhóm giáo dục với mức tăng 8,02%, kế đến là nhóm thuốc, dịch vụ y tế tăng 7,83%; 01 nhóm giảm là nhóm bưu chính viễn thông với mức giảm là 3,12%.
Chỉ số giá sản xuất: Trong quý III năm 2024, thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động do ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị và kinh tế của một số quốc gia. Tại Thành phố, tình hình sản xuất hàng hóa, dịch vụ vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân và xuất khẩu. Giá sản xuất quý III năm 2024 có xu hướng tăng so với quý trước khi chỉ số 3 loại giá sản xuất gồm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp, dịch vụ đều tăng.
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản quý III năm 2024 ước tăng 0,39% so với quý trước và tăng 2,56% so với cùng kỳ. Chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp quý III năm 2024 ước tăng 1,80% so với quý trước và tăng 3,13% so với cùng kỳ. Chỉ số giá sản xuất dịch vụ quý III năm 2024 ước tăng 1,07% so với quý trước và tăng 0,89% so với cùng kỳ.
Về lao động và việc làm, trong tháng, các thành phần kinh tế đã giải quyết việc làm cho 27.782 lượt người, nâng tổng số giải quyết việc làm trong 9 tháng năm 2024 là 249.119 lượt người, đạt 83,0% Kế hoạch.
Tính từ đầu năm đến nay, tổng số lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài là 9.555 người, tập trung ở ngành nghề chính như: Chế biến thực phẩm, đóng gói, điều dưỡng.