Khơi dậy ý chí phát triển kinh tế của nông dân
Những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” gắn với xây dựng nông thôn mới được Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Sơn La triển khai sâu rộng.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La Bạc Cầm Khuyên cho biết, năm 2025, Ban Chấp hành Hội tiếp tục lãnh đạo các cấp Hội đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng các phong trào nông dân; 100% Chi hội có quỹ hoạt động; thành lập mới 12 Chi hội và 25 Tổ hội Nông dân nghề nghiệp; hỗ trợ thành lập mới 15 Tổ hợp tác, 12 Hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Đặc biệt, ít nhất 60% hộ hội viên nông dân trong tỉnh đăng ký danh hiệu "Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi"; trong đó, có từ 1.000 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh trở lên...
Sơn La hiện có gần 2.000 Chi hội Nông dân các cấp với hơn 171.570 hội viên. Năm 2024, các cấp Hội đã chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động gắn với nâng cao chất lượng tư vấn, hỗ trợ, dạy nghề, tạo việc làm, giúp nông dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Các cấp Hội đã tổ chức 19 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác, nghiệp vụ Quỹ hỗ trợ nông dân cho 1.293 cán bộ cơ sở; giúp 18 hộ thoát nghèo; hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển 23 mô hình hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị… Ngoài ra, 12/12 huyện, thị xã, thành phố xây dựng được Quỹ hỗ trợ nông dân đạt mức 1 tỷ đồng trở lên. Lũy kế tổng nguồn quỹ toàn tỉnh đạt gần 76 tỷ đồng. Hội Nông dân các cấp đã tạo điều kiện cho 440 hộ vay vốn phát triển kinh tế...
Huyện Quỳnh Nhai hiện có 8.777 hội viên nông dân tham gia sinh hoạt ở 103 Chi hội. Từ năm 2020 đến nay, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức 1.028 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho gần 62.000 lượt hội viên nông dân về kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho cá; kỹ thuật cắt tỉa cành, tạo tán, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại cho cây trồng; kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi làm phân bón; kỹ năng bán hàng trên nền tảng số.
Ngoài ra, Hội tích cực vận động, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các mô hình kinh tế tập thể, trang trại, tham gia liên kết với doanh nghiệp; phối hợp hỗ trợ, xây dựng thương hiệu và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đến nay, trên địa bàn đã thành lập 10 Chi hội Nông dân nghề nghiệp và 50 Tổ hội Nông dân nghề nghiệp; qua đó, giúp thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh của các hội viên trong phát triển kinh tế.
Đồng thời, Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thông qua 60 Tổ tiết kiệm và vay vốn cho 2.288 hội viên vay hơn 130 tỷ đồng. Hội tiếp nhận hơn 6 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp để triển khai 17 dự án cho nông dân phát triển sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi.
Toàn huyện đã xây dựng được 61 mô hình phát triển kinh tế của các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu và tích cực giúp đỡ hội viên nông dân nghèo về cây giống, vật nuôi, trao đổi kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi. Qua đó, nhiều hội viên đã thoát nghèo. Năm 2024, toàn huyện có hơn 1.400 hội viên nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Gia đình ông Chanh (bản Dọ, xã Nặm Ét, huyện Quỳnh Nhai) đã xây dựng được mô hình trồng cây ăn quả, nuôi ong mật, cá lồng hiệu quả. Ông Chanh chia sẻ, trước đây, do chưa nắm được kỹ thuật trồng, chăm sóc cây nên diện tích trồng xoài của gia đình kém phát triển, chất lượng, sản lượng quả không cao, hiệu quả kinh tế rất thấp. Sau khi được cán bộ, chuyên viên của các cấp Hội trong tỉnh đến tư vấn, hướng dẫn, gia đình ông đã học tập, làm theo. 1,4 ha trồng 360 cây xoài cho thu hoạch khoảng 6 tấn quả mỗi năm, giá bán bình quân 10 nghìn đồng/kg; giúp gia đình thu nhập 60 triệu đồng/năm. Nhờ số tiền thu được từ vụ xoài năm 2024, ông tiếp tục đầu tư mua phân bón cho cây. Nhờ đó năm 2025, chất lượng, sản lượng xoài tăng lên, thu nhập cao hơn năm trước.
Ngoài ra, gia đình ông Chanh được Chi hội Nông dân nghề nghiệp, Hội Nông dân tỉnh Sơn La hỗ trợ 30 thùng nuôi ong mật dưới tán xoài. Đến nay, gia đình ông thu được khoảng 3 tạ mật ong/năm, thu lãi gần 40 triệu đồng. Cùng với đó, gia đình ông nuôi 8 lồng cá trên lòng hồ sông Đà, thu được gần 30 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, kinh tế gia đình ngày càng ổn định.
Theo ông Chanh, nuôi ong mật dưới tán cây là hướng đi phù hợp với trình độ của nông dân địa phương, giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, gia đình ông dự định nuôi thêm khoảng 70 tổ ong mật để nâng cao thu nhập.
Cũng ở xã Nặm Ét, gia đình anh Lường Văn Vui (bản Cà Pống) hiện trồng 1 ha cam đường canh, cam V2, cam Vinh, bưởi da xanh. Năm 2025, do thời tiết thuận lợi, tỷ lệ đậu quả cao, sản lượng quả ước đạt 10 tấn, thu nhập của gia đình khoảng 200 triệu đồng. Ngoài ra, với việc nuôi, thả gần 10 con trâu, bò, hàng chục con dê sinh sản, 1 ao cá cũng mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm cho gia đình anh.
Anh Lường Văn Vui cho biết, để có kỹ thuật chăm sóc cho cây trồng, vật nuôi, anh luôn tích cực tham quan, học hỏi các mô hình trồng cây có múi hiệu quả cao ở trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, anh được tham gia tập huấn do các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tổ chức về chuyển giao khoa học kỹ thuật, cách chăm sóc cho cây trồng, vật nuôi.
Với những kiến thức được trang bị cùng số tiền tích lũy, gia đình anh đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để khởi nghiệp, đầu tư mô hình trồng cây ăn quả, chăn nuôi. Ngoài ra, gia đình anh được hỗ trợ về phân bón, thuốc vảo vệ thực vật để chăm sóc cây ăn quả tốt nhất, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Dự kiến, sau khi thu hoạch vụ cam năm 2025, gia đình anh sẽ tiếp tục đầu tư nuôi 15 cặp dúi sinh sản, 10 con cầy mốc và trồng thêm 300 gốc cam, bưởi để tăng thu nhập.
Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” trên địa bàn tỉnh Sơn La đã thể hiện rõ vai trò, sự đồng hành của tổ chức Hội, khơi dậy ý chí quyết tâm, năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế gia đình từng hội viên; qua đó, góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển./.
Quang Quyết