• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kido (KDC) muốn bán lượng lớn cổ phiếu quỹ, ước tính thu về “núi tiền khổng lồ”

CTCP Tập đoàn Kido (HoSE - Mã: KDC) công bố quyết định HĐQT thông qua việc bán toàn bộ 28,1 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 10,5% tổng số lượng cổ phần đã phát hành. Mục tiêu bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

4524-kido

Kido (KDC) muốn bán lượng lớn cổ phiếu quỹ, ước tính thu về “núi tiền khổng lồ”. Hình minh họa

KDC sẽ thực hiện giao dịch sau khi được UBCKNN chấp thuận hồ sơ đăng ký. Phương thức giao dịch có thể khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận thông qua công ty chứng khoán.

Kido mang cổ phiếu quỹ ra bán trong bối cảnh giá cổ phiếu KDC có sự hồi phục tốt từ vùng 50.000 đồng/cp lên 63.500 đồng/cp, tăng 27% trong vòng nửa tháng và ghi nhận đỉnh trong lịch sử giao dịch. Tạm tính vùng này, KDC có thể thu về 1.784 tỷ đồng trong khi giá gốc ghi nhận tại BCTC hợp nhất quý I là 1.080 tỷ đồng.

4954-kdc
Diễn biến giá cổ phiếu KDC thời gian gần đây (Nguồn: TradingView)

KDC mua gần 51 triệu cổ phiếu quỹ vào giai đoạn 2014-2015 với chi phí bỏ ra khoảng 1.959 tỷ đồng. Vào cuối năm trước, KDC đưa gần 23 triệu đơn vị để thưởng cho cổ đông hiện hữu.

Trong một diễn biến khác, bà Vương Bửu Ngọc, em gái bà Vương Bửu Linh, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc KDC vừa thông báo đăng ký bán toàn bộ 25.740 cổ phiếu KDC đang sở hữu để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh từ ngày 10/5 đến 8/6/2022. Nếu giao dịch thành công bà Ngọc sẽ không còn sở hữu cổ phiếu nào của Tập đoàn KIDO.

Cùng chiều bán, Bà Vương Bửu Dinh, chị gái của Phó Tổng Giám đốc Kido Vương Bửu Linh đăng ký bán ra toàn bộ 116.358 cổ phiếu KDC từ ngày 16/5-14/6 theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.

Năm nay, KDC đề ra kế hoạch phát triển và mở rộng ngành hàng khô & lạnh; tập trung phát triển sản phẩm/ngành hàng mới trong mảng thực phẩm thiết yếu; mở rộng chuỗi F&B trên toàn quốc, hướng để mở rộng sang thị trường nước ngoài.

Về tình hình kinh doanh, quý I/2022, Kido ghi nhận doanh thu thuần 2.879 tỷ đồng, tăng 24%, nhưng lợi nhuận trước thuế đạt 152 tỷ đồng, tăng 1,3% và lợi nhuận sau thuế đạt 121 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ 2021.

Bên cạnh đó, chi phí bán hàng quý I/2022 tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận 296 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 100 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2022, Kido đặt kế hoạch doanh thu thuần 14.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 900 tỷ đồng, tăng lần lượt tăng 33,4% và 31% so với năm 2021, chia cổ tức 6% bằng tiền mặt.

Nhìn lại tình hình kinh doanh, năm 2021, doanh thu thuần của KDC đạt 10.497 tỷ đồng, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt 688 tỷ đồng, tăng 65,3%. Với kết quả đó, doanh thu và lợi nhuận KDC năm 2021 chỉ hoàn thành 91% và 85% so với kế hoạch đề ra.

Theo giải trình của lãnh đạo công ty, doanh thu thuần năm 2021 tăng là do Tập đoàn tiếp tục chiến lược tăng cường các hoạt động bán hàng nhằm đáp ứng nhu cầu hàng hóa trên thị tường, kết hợp với tung ra thị tường sản phẩm mới giúp hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh.

Mặc dù doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh, song năm 2021, dòng tiền kinh doanh của Kido lại âm tới gần 21 tỷ đồng (năm trước dương 97 tỷ đồng), nguyên nhân là hàng tồn kho tăng gấp đôi lên 2.500 tỷ đồng, trong khi các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng.

Thiếu hụt dòng tiền khiến KDC phải đẩy mạnh vay nợ. Tại thời điểm 31/12/2021, nợ phải trả của Kido tăng mạnh lên 7.178 tỷ đồng, tăng 54%, chủ yếu là 75% là nợ ngắn hạn. Riêng nợ vay của công ty tăng 76,5% lên gần 4.500 tỷ đồng.

Quỳnh Nga

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...