Kinh tế biển - nền tảng phát triển bền vững
Việt Nam là quốc gia ven Biển Đông với 28/63 tỉnh, thành phố ven biển, chiếm 42% diện tích đất liền và 45% tổng dân số. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lợi thế và tiềm năng lớn về tài nguyên biển, hải đảo...
* Hình thành cơ sở pháp lý đồng bộ
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tài nguyên sinh vật biển ở Việt Nam khá đa dạng với khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau.
Nguồn lợi thủy sản biển Việt Nam tương đối phong phú, toàn vùng biển đã xác định được 1.700 loài thủy sản thuộc hơn 730 giống, 260 họ; trong đó trên 130 loài có giá trị kinh tế cao. Khả năng khai thác cho phép từ nguồn thủy sản ở biển Việt Nam ước tính hơn 2,83 triệu tấn/năm.
Các hệ sinh thái đất ngập nước ven biển có tổng diện tích trên 1,9 triệu ha, rất đa dạng về kiểu loại (rừng ngập mặn, đầm phá, bãi triều, cửa sông, vũng vịnh). Bên cạnh đó, biển Việt Nam có tài nguyên đa dạng bao gồm: các hệ sinh thái đất ngập nước ven biển; rạn san hô; thảm cỏ biển; rừng ngập mặn; dầu khí và khoáng sản; năng lượng tái tạo; cảnh quan thiên nhiên; văn hóa vật thể và phi vật thể.
Những năm qua, khai thác, sử dụng tài nguyên biển đã đóng góp hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững của đất nước. Giai đoạn 2011-2022, các ngành kinh tế biển đã đóng góp lớn trong phát triển kinh tế cả nước. GDP trung bình của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm khoảng 50% GDP của cả nước. Thu nhập bình quân/người của các địa phương ven biển đạt khoảng 97 triệu đồng năm 2022, cao hơn bình quân cả nước. Kinh tế đảo đã có sự chuyển biến căn bản, góp phần hình thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, các đảo, quần đảo của Việt Nam.
Trước yêu cầu đưa nước ta trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, quy hoạch, tham mưu Chính phủ xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là Nghị quyết quan trọng, cấp thiết, mang tính thời đại của Đảng trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước liên quan đến biển, đảo diễn biến phức tạp. Xuyên suốt Nghị quyết là phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh. Nghị quyết đề ra 5 chủ trương lớn về phát triển kinh tế biển và ven biển, 3 khâu đột phá, 7 nhóm giải pháp chủ yếu thể hiện những vấn đề, mục tiêu ưu tiên cần thực hiện.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 5/3/2020 về Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW. Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 203/QĐ-TTg ngày 6/02/2020 thành lập Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành tập trung, thống nhất về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam (được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 1280/QĐ-TTg ngày 2/11/2023).
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 24/11/2021 về đổi mới và tăng cường thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 03/4/2023 phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...
Triển khai Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì xây dựng, trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 Quyết định và ban hành theo thẩm quyền 10 Thông tư hướng dẫn, quy định chi tiết tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên tập trung quy định về các công cụ, cơ chế, chính sách điều phối, phối hợp liên ngành, liên vùng, nguyên tắc, nội dung phối hợp trong quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo; quy định cụ thể về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, nhận chìm ở biển và quy định chi tiết một số vấn đề đặc thù trong ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển.
Thực hiện Luật Biển Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 51/2014/NĐ-CP, hiện nay được thay thế bởi Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/02/2021 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
Có thể nói, các quy định của Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong quản lý nhà nước về biển và hải đảo ở nước ta; giúp từng bước khắc phục các xung đột, mâu thuẫn trong quản lý theo ngành, lĩnh vực; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển và hải đảo; phục vụ phát triển bền vững biển và hải đảo.
* Tầm nhìn dài hạn
Việc khai thác, quản lý hiệu quả, sử dụng bền vững và bảo vệ tài nguyên biển quốc gia có ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của nước ta đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển. Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh và thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong các Nghị quyết nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo; phát triển bền vững kinh tế biển.
Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và pháp luật liên quan cần tập trung tổng kết, đánh giá sửa đổi để bảo đảm đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý, khai thác, sử dụng biển.
Về Quy hoạch không gian biển quốc gia cần tiếp thu, hoàn thiện và trình Quốc hội phê duyệt; xây dựng các kế hoạch thực hiện quy hoạch bảo đảm kịp thời hiệu quả ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch ngành quốc gia, các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh phù hợp với Quy hoạch không gian biển quốc gia. Đổi mới quản trị biển theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa địa phương có biển và địa phương không có biển, giữa khai thác và sử dụng với bảo tồn biển, giữa các bên liên quan với xây dựng quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển; xây dựng và triển khai cơ chế điều phối, phối hợp liên ngành, liên cấp trong quản lý biển.
Về giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho rằng, cần thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến; đẩy mạnh nghiên cứu, xác lập luận cứ khoa học cho việc hoạch định, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển bền vững kinh tế biển. Ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực biển; hình thành các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học biển, khai thác đáy biển sâu đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; quan tâm đầu tư hạ tầng nghiên cứu biển tiên tiến, thiết bị ngầm dưới biển có khả năng nghiên cứu ở các vùng biển sâu; có chính sách thu hút và cộng tác với các chuyên gia về biển giỏi trong và ngoài nước, đặc biệt là cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài.
Trung ương và địa phương tiếp tục kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý tổng hợp biển; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu, tổng hợp về biển và đại dương, phù hợp với nhu cầu quản lý; xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách đặc biệt thu hút nhân tài, từng bước hình thành đội ngũ các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đạt trình độ quốc tế. Đội ngũ cán bộ thực hiện các nhiệm vụ, dự án nghiên cứu, điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển cần được quan tâm đến chế độ chính sách; thúc đẩy cơ chế hỗ trợ, nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nguồn nhân lực biển đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu lao động của các ngành kinh tế biển và việc chuyển đổi nghề của người dân ven biển; xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo toàn diện, cập nhật, nâng cao kiến thức, trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ trong các ngành, lĩnh vực quản lý liên quan đến biển.../.
Nguyễn Hồng Điệp