• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh tế vùng bãi Hưng Yên khởi sắc

Bức tranh kinh tế - xã hội ở các địa phương tỉnh Yên có nhiều khởi sắc sau hơn 2 năm thực hiện Đề án phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế vùng bãi tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án vùng bãi). 

Hiện tại, Hưng Yên đang triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển. Qua đó nâng cao mức thu nhập cho người dân vùng bãi ven sông. Theo Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hưng Yên Lê Văn Thắng, vùng bãi của địa phương gồm 44 xã thuộc các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ và thành phố Hưng Yên. 

Những năm qua, kinh tế - xã hội vùng bãi sông Hồng, sông Luộc từng bước phát triển. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới giúp nâng cao chất lượng phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Đồng thời, nâng cao năng lực phòng tránh thiên tai do ngập lụt, sạt lở, mưa, lũ. Kinh tế nông nghiệp phát triển đã hình thành nên các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn như vùng sản xuất hoa, cây cảnh; vùng sản xuất cây có múi, vùng nhãn, vùng chuối; vùng chăn nuôi, thủy sản. Hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp tại các xã vùng bãi được đổi mới, phát triển đã hình thành nên nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại.

Thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp vùng đất bãi, đến nay, các địa phương đã phát triển, mở rộng diện tích trồng hoa, cây cảnh tập trung lên trên 550 ha; ổn định diện tích trồng nhãn, cam, chuối; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trâu, bò, gia cầm, ổn định đàn lợn; có 50 - 60% số hộ chăn nuôi an toàn; tỷ trọng chăn nuôi tập trung đạt 65 -70%. Hai huyện Văn Giang, Khoái Châu có lợi thế trong việc phát triển nông nghiệp hàng hóa với mức thu nhập từ 300-500 triệu đồng/ha, chủ yếu là các loại cây cảnh và cây ăn quả. Từ đó, hình thành nên những làng hoa cây cảnh, cây ăn quả nổi tiếng như Phụng Công, Mễ Sở, Liên Nghĩa (huyện Văn Giang); Đông Tảo, Dạ Trạch, Bình Minh, Hàm Tử (huyện Khoái Châu)...

Đến nay, tốc độ tăng trưởng bình quân vùng bãi đạt 7%/năm. Tại các xã vùng bãi trên địa bàn tỉnh, có 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 46 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP...

Đề án phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế vùng bãi tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 phấn đấu thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn vùng bãi đạt 70 triệu đồng/năm vào năm 2025; thu nhập trên 1 ha canh tác đạt 250 - 300 triệu đồng; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75% (trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có cấp bằng, chứng chỉ đạt trên 40%); phấn đấu xây dựng vùng sản xuất chuyên canh hoa, cây cảnh của huyện Văn Giang, huyện Khoái Châu trở thành trung tâm sản xuất hoa, cây cảnh của miền Bắc. Tổng số vốn thực hiện Đề án này hơn 2.100 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Hùng Nam cho biết, để thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng bãi, thời gian tới, địa phương sẽ chú trọng xây dựng các vùng sản xuất tập trung, để từng bước hình thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng có giá trị gia tăng cao và sức cạnh tranh mạnh trên thị trường. Tỉnh huy động tối đa các nguồn vốn trong và ngoài nước đầu tư phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, đặc biệt chú trọng đến việc tạo môi trường thuận lợi thu hút dự án vào đầu tư, kết hợp với việc hình thành ngành nghề, làng nghề chế biến sản phẩm nông nghiệp, bố trí không gian hợp lý đối với dự án, đồng thời tạo hành lang pháp lý tốt nhất cho dự án phát triển với hiệu quả đầu tư cao.

Cùng đó, Hưng Yên đẩy mạnh phát triển du lịch tham quan, trải nghiệm văn hóa; duy trì phát triển du lịch tâm linh để tăng cường thu hút khách nội địa; mở rộng phát triển du lịch cuối tuần gắn với sinh thái, trang trại, nông nghiệp nông thôn, vui chơi giải trí để đa dạng hóa sản phẩm du lịch và góp phần thu hút khánh du lịch quốc tế…
Theo ông Nguyễn Hùng Nam, từ nay đến năm 2030, vùng bãi ưu tiên đầu tư các dự án như trồng rau sạch ứng dụng công nghệ cao tại huyện Kim Động, Khoái Châu và thành phố Hưng Yên. Dự án trồng cây có múi, nhãn, vải có quy mô 20 ha/dự án tại huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ và thành phố Hưng Yên; trồng chuối quy mô từ 50 ha/dự án trở lên tại huyện Khoái Châu, Kim Động và thành phố Hưng Yên.

Cùng đó là bảo tồn làng nghề gắn với du lịch sinh thái ở làng nghề truyền thống Hương Cao, thôn xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên và làng nghề truyền thống đan lờ đó, ở thôn Nội Lăng, xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ; phát triển làng nghề gắn với du lịch ở khu lịch lễ hội Phố Hiến, thành phố Hưng Yên, du lịch tâm linh đền Chử Đồng Tử, huyện Khoái Châu và du lịch làng nghề trồng hoa, cây cảnh huyện Văn Giang.../.

Quang Nhiều

 


Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết