Liên kết vùng, địa phương – Phát huy du lịch nội địa
Liên kết - hợp tác cùng phát triển du lịch là một trong những hướng đi quan trọng để phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương. Việc liên kết - hợp tác du lịch liên tuyến, liên vùng, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử; thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch mang lại lợi ích kinh tế, văn hóa và xã hội cho các địa phương.
Liên kết - hợp tác du lịch liên tuyến, liên vùng, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử. Ảnh: IT
Sức mạnh từ sự gắn kết liên vùng
Những năm gần đây, mô hình liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương đã trở thành xu hướng nổi bật. Mới đây, ngày 22/5, tại hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Cần Thơ tại thành phố Huế, các chuyên gia đều xác định: Chương trình liên kết vùng đã xây dựng không gian chung để cộng đồng doanh nghiệp du lịch tạo ra sự cộng hưởng với những giá trị kép, với những chính sách kích cầu du lịch rất hấp dẫn và các điều kiện thuận lợi cho thị trường du khách quốc tế và khách nội địa.
Trong đó, Cần Thơ và Huế là những trung tâm du lịch quan trọng của cả nước, có bản sắc truyền thống riêng biệt, đặc sắc và nhiều sản phẩm du lịch nổi trội, hấp dẫn.
Tại TP Hồ Chí Minh, Sở Du lịch TP cho biết, năm vừa qua, chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch đạt nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, khảo sát, xây dựng và công bố 55 tuyến du lịch đường sông từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL); tổ chức 9 chương trình khảo sát du lịch kết nối vùng; hơn 2,7 triệu lượt khách từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành vùng ĐBSCL; bình chọn và công bố 50 điểm du lịch hấp dẫn từ TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.
Đặc biệt là sự hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL là một điển hình cho thấy việc phối hợp đồng bộ về xúc tiến quảng bá, xây dựng sản phẩm chung và chia sẻ hạ tầng, nhân lực đang góp phần tạo ra sự đột phá cho cả vùng.
Cùng với đó, cuối tháng 3 vừa qua, UBND TP Hồ Chí Minh phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng và UBND các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tổ chức hội nghị triển khai chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch. Với chủ đề “Nâng tầm kết nối - phát triển bền vững”, chương trình không chỉ dừng lại ở ký kết hợp tác mà đã bước vào giai đoạn hành động cụ thể với việc xây dựng tuyến du lịch chung, chia sẻ dữ liệu du lịch, tổ chức tour liên tỉnh và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng.
Còn ở phía Bắc, việc xây dựng các hành trình du lịch liên kết giữa Hà Nội và các điểm đến khác trong khu vực như: Ninh Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Sóc Sơn, Ba Vì... sẽ tạo ra sự hấp dẫn cho du khách và mở ra nhiều cơ hội khám phá mới. Giải pháp này kết hợp các sản phẩm du lịch nông thôn, nghỉ dưỡng, MICE (sự kiện, Hội thảo, hội nghị) và du lịch làng nghề sẽ góp phần vừa phát triển du lịch của Thủ đô Hà Nội, vừa phát triển du lịch vùng, bởi Hà Nội vừa đóng vai trò trung chuyển, vừa có các làng nghề, vừa có các vùng nông thôn phụ cận thỏa mãn các tiêu chí về du lịch nông thôn, nghỉ dưỡng.
Ví dụ, hành trình du lịch kết hợp giữa Hà Nội và Ninh Bình có thể bao gồm viếng thăm Cố đô Hoa Lư, tham quan Tam Cốc - Bích Động và trải nghiệm tham quan trên sông Ngô Đồng. Du lịch nghỉ dưỡng tại khu vực Sóc Sơn cũng gắn kết được với các di tích, các khu nghỉ dưỡng và có điểm xuất phát tại Hà Nội và có thể di chuyển tới Vĩnh Yên - Tam Đảo...
Theo các chuyên gia, liên kết trong các hoạt động quảng bá du lịch cần có cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển du lịch từng vùng, xây dựng sản phẩm du lịch.
Việc bắt tay liên kết trong các hoạt động quảng bá du lịch cũng như trong xây dựng chính sách quản lý, phát triển sản phẩm, nguồn lực du lịch trong những năm qua đã góp phần từng bước định vị thương hiệu du lịch giữa các địa phương như một điểm đến có giá trị và thú vị với nhiều sản phẩm đa dạng, chất lượng dịch vụ tốt.
Người dân địa phương phải trở thành trung tâm của sự phát triển
Các chuyên gia cho rằng, mỗi địa phương đều có tiềm năng riêng nhưng không phải địa phương nào cũng có đủ điều kiện để phát triển du lịch một cách toàn diện. Việc liên kết, chia sẻ lợi thế là lời giải cho bài toán phát triển không đồng đều.
Liên kết, hợp tác không chỉ diễn ra ở cấp chính quyền mà còn diễn ra giữa các doanh nghiệp, quan trọng hơn là với cộng đồng dân cư tại điểm đến. Một trong những nguyên tắc cốt lõi của du lịch bền vững là người dân địa phương phải trở thành trung tâm của sự phát triển.
Đồng thời, để tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch liên tỉnh hấp dẫn, cần có sự kết nối giao thông thuận tiện, cơ sở lưu trú đảm bảo chất lượng, hệ thống dịch vụ đồng nhất và đặc biệt là sự hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước. Nhiều địa phương đã chủ động cải tạo, nâng cấp các tuyến đường huyết mạch, đầu tư bến cảng; đồng thời, kêu gọi xã hội hóa trong phát triển khu du lịch sinh thái, công viên giải trí, làng nghề truyền thống.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng, lãnh đạo ngành Du lịch và các hội, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch các địa phương phối hợp, nghiên cứu xây dựng cơ chế liên kết, hợp tác chặt chẽ, phát huy thế mạnh đặc thù của mỗi địa phương từ đó xây dựng các sản phẩm theo hành trình chuyên đề, kết hợp giữa du lịch di sản - nghỉ dưỡng - sinh thái - ẩm thực; cụ thể hóa nội dung, hoạt động liên kết trong kế hoạch hằng năm để bố trí kinh phí triển khai thực hiện.
Phát huy tốt ảnh hưởng của Năm Du lịch quốc gia Việt Nam - Huế 2025, phát triển các chuỗi sản phẩm liên địa phương đặc trưng, có chất lượng, cạnh tranh và hấp dẫn đối với du khách; phối hợp các công ty lữ hành đưa khách từ miền Trung vào miền Tây và ngược lại; đầu tư phát triển, nâng tầm thương hiệu điểm đến, kéo dài mùa vụ du lịch, tăng cường quản lý điểm đến.
Bên cạnh đó, các địa phương cần đưa các sản phẩm du lịch, chương trình, tuyến, điểm du lịch và các gói liên kết, kích cầu vào nội dung xúc tiến, quảng bá du lịch của quốc gia và địa phương; hợp tác chặt chẽ với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch quốc gia và địa phương hướng tới thị trường khách quốc tế, thu hút du khách đến với Việt Nam; nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ trong quản lý và liên kết phát triển du lịch.
Ông Siêu cũng cho biết, thời gian tới, Cục sẽ tập trung tham mưu cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đổi mới, hoàn thiện cơ chế liên kết hợp tác phát triển du lịch, đặc biệt thúc đẩy các liên kết hợp tác công-tư; đồng hành cùng các địa phương để tháo gỡ khó khăn, triển khai các hoạt động hỗ trợ, tạo môi trường và điều kiện thông thoáng cho các doanh nghiệp bứt tốc, phát triển hiệu quả, bền vững.
Liên kết, cùng hợp tác, cùng phát triển đã trở thành xu thế tất yếu và mang tính toàn cầu, hoạt động du lịch cũng nằm trong số đó. Chính vì thế, để thay đổi diện mạo và kích cầu sự phát triển du lịch, các vùng liên kết đã xác định được trọng tâm liên kết - hợp tác lĩnh vực du lịch và ký kết quy chế, thỏa thuận hợp tác liên vùng.
"Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương đẩy mạnh triển khai các hoạt động khởi động du lịch thực chất, hiệu quả trong thời gian qua và các giai đoạn tiếp theo", ông Hà Văn Siêu nhận định.