• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ninh Thuận chú trọng phát triển nông nghiệp bền vững

Xây dựng chuỗi liên kết và thương hiệu nông sản, gắn nông nghiệp với du lịch… là những giải pháp Ninh Thuận đã triển khai nhằm phát triển nông nghiệp bền vững.

Nỗ lực xây dựng chuỗi liên kết và thương hiệu sản phẩm

Năm 2024, Ninh Thuận đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị ngành nông nghiệp đạt từ 4 – 5%; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 148 triệu đồng/ha/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 700 triệu đồng/ha/năm.

Ninh Thuận chú trọng phát triển nông nghiệp bền vững

Ninh Thuận nỗ lực xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản. (Ảnh - STTTT)

Để hoàn thành các kế hoạch đề ra, tỉnh tăng cường huy động các nguồn lực, triển khai các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh thực hiện đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tích cực chuyển giao ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất; tạo điều kiện thuận lợi phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, nhất là các hợp tác xã có mô hình liên doanh, liên kết hiệu quả.

Bên cạnh đó, Ninh Thuận còn nỗ lực xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản địa phương. Tính đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 36 cánh đồng lớn trồng lúa, nho, măng tây, hành tím, ngô giống,...với tổng diện tích hơn 5.010 ha; triển khai 70 liên kết chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp thông qua hợp tác xã, doanh nghiệp liên kết trực tiếp với nông dân sản xuất lúa, bắp giống, nho, măng tây xanh, nha đam, tỏi, kiệu, ớt, hành tím, chanh không hạt, đậu xanh, điều, mía đường, sắn với tổng diện tích khoảng 15.000 ha.

Ngoài ra, Ninh Thuận đã được cấp 35 mã số vùng trồng với diện tích gần 310 ha; diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt trên 825 ha. Các địa phương cũng hình thành nhiều mô hình liên kết chăn nuôi tiêu thụ các sản phẩm cừu, dê, bò, heo đen, gà bản địa với cơ sở giết mổ.

Ninh Thuận chú trọng phát triển nông nghiệp bền vững
Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản thế mạnh địa phương. (Ảnh - STTTT)

Song song với đó, Ninh Thuận đang xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản thế mạnh địa phương. Mới đây, Hội Nông dân tỉnh tổ chức công bố quyết định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Hương vị của nắng và gió Phan Rang” đối với các sản phẩm tỏi tươi, tỏi khô được sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận cho 3 hợp tác xã (HTX): Nông nghiệp hành tím Nhơn Hải; Dịch vụ tổng hợp Thái An; Dịch vụ Nông nghiệp thu mua nông sản Thanh Hải.

Tại Ninh Thuận, tỏi được trồng chủ yếu ở các huyện Ninh Hải, Thuận Bắc và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm; trong đó, huyện Ninh Hải là vùng trồng tỏi tập trung lớn nhất của tỉnh với diện tích khoảng 150ha. Theo kinh nghiệm của người dân, không phải vùng đất nào cũng có thể trồng được loại tỏi ngon. Chính điều kiện khí hậu cùng chất đất pha cát đặc thù ở các địa phương trên phù hợp cho cây tỏi phát triển.

Tỏi Phan Rang (tên gọi chung cho các loại tỏi trồng ở Ninh Thuận) phơi khô không cần xử lý bất kỳ hóa chất nào vẫn có thể lưu giữ trong nửa năm, thậm chí có thể để lâu hơn nữa mà vẫn giữ được hương vị ban đầu. Khi ăn, tỏi Phan Rang có vị cay tê đầu lưỡi, mùi thơm cay nồng nhưng không sốc, ít để lại mùi sau khi ăn, sự khác biệt này giúp tỏi Phan Rang được thị trường đặc biệt ưa chuộng.

Hiện nay, diện tích trồng tỏi hằng năm trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 100 ha, chủ yếu tập trung tại các xã Nhơn Hải, Thanh Hải và Vĩnh Hải (Ninh Hải), với khoảng gần 500 hộ dân tham gia sản xuất. Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm tỏi đã nâng cao uy tín, thương hiệu, tăng tính cạnh tranh sản phẩm nông sản thế mạnh của tỉnh Ninh Thuận. Tại hội nghị, các HTX cam kết sử dụng tem, nhãn hiệu tập thể hiệu quả, đúng quy định.

Gắn nông nghiệp với phát triển du lịch

Song song với việc xây dựng thương hiệu, Ninh Thuận còn chú trọng gắn phát triển nông nghiệp với du lịch. Về các sản phẩm nổi bật của tỉnh Ninh Thuận, có thể kể đến Làng nho Thái An, được biết đến là điểm tham quan không thể thiếu trong tuyến du lịch Phan Rang – Thái An – Vĩnh Hy. Nhiều du khách trên đường tham quan Hang Rái, Vĩnh Hy thường ghé thăm các vườn nho ở thôn Thái An để tận mắt chứng kiến kiểu canh tác nông nghiệp xanh của người dân nơi đây và mua nho tươi về làm quà cho người thân trong gia đình.

Ninh Thuận chú trọng phát triển nông nghiệp bền vững

Làng nho Thái An, được biết đến là điểm tham quan không thể thiếu trong tuyến du lịch Phan Rang - Thái An - Vĩnh Hy. (Ảnh - STTTT)

Những năm gần dây, khi dịch vụ du lịch phát triển, việc sản xuất, phục vụ du lịch không chỉ dừng lại ở việc bán nho tươi, hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An đã khuyến khích bà con xã viên tham gia sản xuất các sản phẩm chế biến từ nho như: rượu nho, mật nho, táo sấy, nho đỏ sấy nguyên chùm…Các sản phẩm này của hợp tác xã đều được đánh giá là sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt từ 3-4 sao.

Hoặc, Ninh Thuận cũng có sản phẩm nước mắm Cana được sản xuất 100% từ nguồn nguyên liệu tại địa phương. Với phương pháp ủ chượp truyền thống, cùng hệ thống nhà xưởng hiện đại với công nghệ sản xuất tiên tiến, đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn quốc tế, sản phẩm nước mắm truyền thống Cana 35 độ đạm và Cana 45 độ đạm được đánh giá là sản phẩm tiềm năng 5 sao sẽ được tham gia đánh giá sản phẩm OCOP quốc gia trong thời gian tới,…

Theo định hướng của ngành nông nghiệp Ninh Thuận, trong thời gian tới, địa phương tiếp tục mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, giảm tỷ trọng cây hàng năm có giá trị thấp, tăng tỷ trọng cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp chế biến làm cơ sở tổ chức lại sản xuất nông nghiệp hợp lý theo từng ngành hàng đáp ứng theo từng nhóm thị trường.

Cùng với đó, Ninh Thuận đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và vận chuyển nông sản; đào tạo nguồn nhân lực cho các hợp tác xã, tổ hợp tác trong quản lý; nâng cao trình độ cơ giới hóa, tự động hóa đồng bộ từ khâu sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến theo chuỗi giá trị, trước hết đối với các sản phẩm chủ lực. Tỉnh tập trung xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc thù gắn với cấp mã vùng trồng, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của địa phương.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết