• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển kinh tế tuần hoàn: Cứu cánh cho môi trường chăn nuôi

Hà Nội có điều kiện tự nhiên phong phú với 150 nghìn ha đất đồi gò, 125 nghìn ha đất bãi phù sa, 35 nghìn ha đất đồng bằng và số còn lại là đất trũng rất thuận lợi cho ngành chăn nuôi phát triển. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây ra làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh đang trở thành vấn đề bức xúc, cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền.

Theo ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, bên cạnh những thuận lợi thì chăn nuôi lợn của thành phố Hà Nội cũng đang đứng trước những tồn tại, khó khăn khi chăn nuôi lợn vẫn còn nhỏ lẻ, tỷ lệ chăn nuôi quy mô nông hộ hiện tại vẫn chiếm 54,7%. Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội ngày càng bị thu hẹp, dẫn tới khó khăn trong việc bố trí các khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư và khó khăn trong phát triển vùng chăn nuôi tập trung.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 1,64 triệu con lợn, mỗi ngày thải ra hơn một triệu tấn chất thải, nước thải. Trong số này, chỉ có khoảng 20% chất thải được xử lý, tái sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế. Khoảng 80% chất thải còn lại được xử lý thủ công, rồi xả ra môi trường, gây ô nhiễm, phát sinh dịch bệnh...

Cụ thể, tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) có hàng loạt trang trại chăn nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường, như: 20 trại lợn trên địa bàn xã Phú Nghĩa, 4 trại lợn ở xã Lam Điền và trại lợn của gia đình ông Phạm Văn Tuân ở thị trấn Xuân Mai…

Theo báo cáo của UBND huyện Chương Mỹ, các trại lợn này đều có hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi, nhưng do khối lượng chất thải lớn, hệ thống xử lý quá tải, xuống cấp… nên vẫn xảy ra ô nhiễm. Đặc biệt, khu xử lý chất thải của trại lợn gia đình ông Phạm Văn Tuân lộ thiên, gần khu dân cư, trên khu đồi cao, nên cứ mưa là nước thải tràn vào nhà dân phía dưới, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Kết quả phân tích nước thải của trại lợn này cho thấy, hàm lượng vi khuẩn Coliform vượt quy chuẩn 222 lần, chất rắn lơ lửng vượt 3,33 lần, chỉ số ô nhiễm phân hủy sinh học BOD5 vượt 1,5 lần…

Khi nhận được phản ánh về các trang trại chăn nuôi lợn xả chất thải gây ô nhiễm môi trường, huyện Chương Mỹ đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để xác minh, làm rõ từng trường hợp vi phạm. Ngày 5/10/2023, UBND huyện đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ trang trại lợn ở thị trấn Xuân Mai với tổng số tiền 70 triệu đồng do xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép ra môi trường và yêu cầu chủ cơ sở chăn nuôi thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm. Ngoài ra, huyện còn kiểm tra hồ sơ, lấy mẫu nước thải của 20 cơ sở chăn nuôi lợn ở xã Phú Nghĩa để có căn cứ xử lý.

Lý giải điều này, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Hữu Cường, chuyên gia về lĩnh vực chăn nuôi cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng chủ yếu vẫn là do phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, trong khi đó tổng đàn gia súc, gia cầm của Việt Nam rất lớn. Bên cạnh đó, do chăn nuôi tự phát còn nhiều, chưa có quy hoạch nên việc xả thải chăn nuôi chưa được quản lý tốt. Về công nghệ chăn nuôi cũng như công nghệ xử lý môi trường chưa đáp ứng được tốc độ phát triển chăn nuôi.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, giải pháp căn cơ để xử lý ô nhiễm môi trường trong hoạt động của các trang trại lợn là phải phát triển chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn, ưu tiên nguồn lực cho các doanh nghiệp chăn nuôi xây dựng liên kết chuỗi, có công nghệ xử lý môi trường, tái chế chất thải phục vụ lại cho trồng trọt.

Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho chủ trang trại, cơ sở chăn nuôi, nhằm tạo chuyển biến rõ nét về việc tuân thủ pháp luật, bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh. Cùng với đó, các địa phương cũng cần quyết liệt vào cuộc kiểm tra, rà soát, xử lý nghiêm chủ trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; kiên quyết không vì lợi ích kinh tế mà đánh đổi chất lượng môi trường.

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi các doanh nghiệp, chủ trang trại, nhất là người nông dân cần có nhận thức đầy đủ về kinh tế tuần hoàn. Hiện nay, mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi được một số doanh ngiệp, trang trại ứng dụng đã đem lại hiệu quả tích cực. Đây cũng là quy luật, bước đi tất yếu để ngành chăn nuôi phát triển hiệu quả, bền vững.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các chính sách giúp các trang trại chăn nuôi xử chất thải lại không phù hợp với tình hình thực tiễn nên rất khó thực hiện. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ các chế phẩm được xử lý chưa có hệ thống cũng như công tác quản lý, tuyên truyền còn hạn chế... dẫn đến khó đầu tư cho việc xử lý chất thải.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, để phát triển chăn nuôi lợn hiệu quả và bền vững, ngành chăn nuôi Thủ đô sẽ không tăng số lượng đàn vật nuôi và giảm tỷ lệ chăn nuôi nhỏ, chăn nuôi nông hộ (hiện tại chăn nuôi quy mô nông hộ còn tới 54,7% đến năm 2030 chỉ còn từ 15%-20%).

Đồng thời phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm xa khu dân cư, xây dựng các mô hình chăn nuôi theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái để đảm bảo phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường. Chăn nuôi lợn sẽ phải phát triển theo chuỗi giá trị để kiểm soát có hiệu quả chất lượng thịt lợn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân Thủ đô./.

Nam Giang


Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết