PVH đặt mục tiêu thoát lỗ năm 2022
CTCP Xây lắp Dầu khí Thanh Hóa (UPCoM: PVH) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 300 triệu đồng, doanh thu đạt 54 tỷ đồng năm 2022.
Cụ thể, theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2022, mục tiêu doanh thu năm 2022 của PVH là 54 tỷ đồng, gấp 3,5 lần thực hiện 2021, trong đó doanh thu từ xây lắp chiếm 51 tỷ đồng, còn lại là hoạt động kinh doanh khác. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2022 là 300 triệu đồng. Giá trị sản lượng theo kế hoạch là 62,3 tỷ đồng, gấp 6,2 lần thực hiện 2021, với 59,3 tỷ đồng sản lượng từ hoạt động xây lắp.
PVH đặt mục tiêu thoát lỗ năm 2022 |
Năm 2022, PVH sẽ tập trung triển khai xử lý các vấn đề tồn đọng trong những dự án cũ; thu hồi công nợ tồn đọng của các đơn vị và cá nhân, đàm phán, cơ cấu lại nợ với Ngân hàng PvcomBank; Cải tạo sửa chữa lại tòa nhà 38A để tìm đối tác mang doanh thu cố định cho Công ty; Hoàn thành công tác thanh quyết toán công trình San lấp mặt bằng giai đoạn 2 (SLMB GĐ2).
PVH cũng sẽ lên kế hoạch đẩy mạnh tìm kiếm thông tin, tiếp thị đấu thầu, trong đó nổi bật là việc tiếp cận Tập đoàn Sungroup để chào thầu các công trình mới tại Thanh Hóa, với 2 gói thầu đang thương thảo là gói Hạ tầng giao thông và Thoát nước mưa tại Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng Quảng Yên và Sầm Sơn. Bên cạnh đó, Công ty sẽ tiếp cận Công ty Điện lực Thanh Hóa để được tham gia các gói thầu xây lắp điện vừa và nhỏ mỗi năm.
Tại đại hội, Công ty cũng dự tính trình thông qua việc bầu bổ sung thành viên HĐQT và BKS, gồm ông Phạm Văn Trường, ông Hoàng Tuấn Anh (thành viên HĐQT), và bà Vũ Thị Thanh (thành viên BKS) cho nhiệm kỳ 2020-2025. Tổng tiền lương dự tính cho HĐQT và BKS là 342 triệu đồng/năm.
ĐHĐCĐ 2022 của PVH sẽ diễn ra ngày 22/07/2022.
Lỗ 5 năm liên tiếp
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, PVH ghi nhận doanh thu thuần tăng 66% so năm trước khi đạt gần 11 tỷ đồng.
Tuy nhiên giá vốn lại chiếm tới hơn 12 tỷ đồng nên PVH lỗ gộp 1,4 tỷ đồng, thấp hơn mức lỗ 1,7 tỷ của năm trước. Đáng nói, kỳ này chi phí quản lý của PVH nhảy vọt gấp hơn 5 lần lên gần 34 tỷ đồng.
Do đó sau khi trừ các loại chi phí khác, PVH lỗ ròng nặng 33 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so mức lỗ gần 6 tỷ do công ty công bố trước đó. Con số lỗ này khiến PVH lỗ luỹ kế 134 tỷ đồng, ghi nhận năm thứ 5 liên tiếp chìm trong thua lỗ. Công ty dự tính không chia cổ tức.
Tại thời điểm cuối năm 2021, tổng tài sản của PVH giảm gần 31 tỷ đồng xuống mức 600 tỷ đồng. Trong đó hàng tồn kho vẫn chiếm 82 tỷ đồng, tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn nhích nhẹ lên 45 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nợ, PVH không vay nợ tài chính ngắn hạn nhưng vay nợ tài chính dài hạn vẫn duy trì mức cao 309 tỷ so với đầu kỳ. Trong đó vay nợ tại PVcomBank là chủ yếu với 307 tỷ đồng, còn lại là của các cá nhân khác.
Hiện PVH có vốn điều lệ 210 tỷ đồng, trong đó Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) chiếm 36% vốn, Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) 14,76%, CTCP Quản lý quỹ Thái Bình Dương (7,14%)..
Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.
Đức Chiến