• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sở hữu trí tuệ tạo nền tảng thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội

Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phấn đấu đạt dấu mốc quan trọng, phát triển Cục Sở hữu trí tuệ trở thành Cơ quan quản lý Sở hữu trí tuệ hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong bối cảnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được xác định là yếu tố đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển kinh tế đất nước.

*Hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ

Tại Đại hội Đảng bộ Cục Sở hữu trí tuệ lần thứ VI, nhiệm kỳ 2025-2030 mới diễn ra, ông Lưu Hoàng Long, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh: Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 cùng với hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành, Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030, đã tạo nền tảng vững chắc cho việc hoàn thiện hành lang pháp lý và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Trong bối cảnh kinh tế số ngày càng phát triển, nhu cầu đăng ký quyền sở hữu công nghiệp tiếp tục tăng mạnh, mở ra nhiều cơ hội để Cục Sở hữu trí tuệ khẳng định vai trò là đầu mối trung tâm của hệ thống Sở hữu trí tuệ quốc gia, phát triển Cục Sở hữu trí tuệ trở thành Cơ quan quản lý Sở hữu trí tuệ hiện đại.

Đặc biệt, trong bối cảnh tồn tại những khó khăn như hạ tầng kỹ thuật, hệ thống phần mềm công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu còn chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng, tình trạng tồn đọng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp ngày càng gia tăng đã đặt ra yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực quản lý, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số khẳng định vai trò của sở hữu trí tuệ trong phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Bà Lê Hương Giang, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh: Trong nhiệm kỳ qua, Đảng ủy Cục Sở hữu trí tuệ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ, nổi bật là việc chủ trì nghiên cứu, tham mưu các cấp có thẩm quyền xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) năm 2022 và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành, góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Đồng thời, việc triển khai Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 được tổ chức thực hiện đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với các chương trình phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ lực ở cả cấp Trung ương và địa phương, tạo nền tảng thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về sở hữu trí tuệ tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và hình thức, góp phần nâng cao nhận thức xã hội, thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ, hỗ trợ đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế.

Đáng chú ý, công tác phát triển tài sản trí tuệ được triển khai đồng bộ, hiệu quả thông qua Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 với trên 600 nhiệm vụ cấp quốc gia và 1.500 nhiệm vụ cấp địa phương được thực hiện, tập trung vào xác lập, quản lý và khai thác quyền sở hữu trí tuệ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, sáng chế, giải pháp hữu ích và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc thù, chủ lực địa phương. Trên 60 tỉnh, thành phố đã ban hành cơ chế hỗ trợ riêng, từng bước hình thành mạng lưới hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cấp địa phương.

Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường và Bộ Công Thương phối hợp trong phát triển tài sản trí tuệ cho sản phẩm chủ lực và đặc sản địa phương, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam ở nước ngoài góp phần nâng cao năng lực quản trị và khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ trong toàn xã hội.

*Tạo nền tảng cải cách thủ tục hành chính toàn diện trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

Ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ khẳng định: Giai đoạn 2025-2030, Cục đẩy mạnh việc bảo hộ, khai thác, thương mại hóa tài sản trí tuệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong môi trường số, công nghệ mới nổi, bảo đảm sự đồng bộ với các định hướng lớn của Đảng được nêu trong các Nghị quyết số 57, 66, 68-NQ/TW.

Giai đoạn 2020-2024, công tác tiếp nhận, xử lý đơn và cấp văn bằng sở hữu trí tuệ đạt nhiều kết quả nổi bật, thể hiện bước tiến rõ rệt trong cải cách thủ tục hành chính khi tiếp nhận trên 707.000 đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (tăng 34,4% so với giai đoạn 2015-2019); xử lý hơn 617.800 đơn (tăng 45,2%); cấp 212.370 văn bằng bảo hộ (tăng tương ứng 45,2% so với giai đoạn 2015-2019).

Cục quyết liệt thực hiện các giải pháp để nâng cao năng lực thẩm định, triển khai tiếp nhận đơn trực tuyến, sử dụng phần mềm WIPO IPAS và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong chia sẻ kết quả thẩm định đơn nhưng số lượng đơn tăng nhanh trong bối cảnh hội nhập nhưng năng lực thẩm định còn hạn chế, dẫn đến tồn đọng lớn và kéo dài thời gian xử lý. Thực hiện Nghị quyết số 57/NQ-TW và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục sẽ tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành xử lý toàn bộ đơn tồn đọng trước ngày 31/10/2025,

Công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ tiếp tục được tăng cường theo hướng đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Giai đoạn 2020-2024, Cục đã tổ chức 4 hội nghị toàn quốc về quản lý sở hữu trí tuệ nhằm trao đổi chính sách, tháo gỡ vướng mắc và định hướng hoạt động quản lý sở hữu trí tuệ từ trung ương đến địa phương. Công tác quản lý hoạt động đại diện sở hữu công nghiệp được chú trọng, với hàng trăm cá nhân, tổ chức được cấp chứng chỉ hành nghề, nâng tổng số lên 587 cá nhân và 346 tổ chức, đồng thời tăng cường hậu kiểm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.

Cũng theo ông Lưu Hoàng Long, Cục đã chỉ đạo triển khai Dự án hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và phần mềm nghiệp vụ, hướng tới xử lý đơn điện tử toàn trình. Hệ thống mới cho phép thực hiện toàn bộ quy trình từ tiếp nhận, thẩm định đến cấp văn bằng trên môi trường số, góp phần nâng cao năng suất, minh bạch hóa thủ tục và tạo nền tảng cho cải cách thủ tục hành chính toàn diện trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Nhiệm kỳ 2025-2030 diễn ra trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và hội nhập quốc tế sâu rộng, các Nghị quyết số 52, 57, 66 và 68-NQ/TW đã xác định rõ vai trò đột phá của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong phát triển đất nước, tạo cơ sở quan trọng để Đảng bộ Cục Sở hữu trí tuệ định hướng lãnh đạo, gắn công tác Đảng với thực hiện nhiệm vụ chính trị. Luật Sở hữu trí tuệ cùng các cam kết quốc tế mở ra hành lang pháp lý thuận lợi cho việc bảo hộ và thương mại hóa tài sản trí tuệ và chuyển đổi số góp phần hiện đại hóa công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ./.

HL


Tác giả: Phạm Thị Thu Hà
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...