Thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Việt Nam hiện là quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử (TMĐT) khá nhanh trong khu vực, đặc biệt là hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành phương tiện hữu hiệu để doanh nghiệp giao thương, gia tăng xuất nhập khẩu hàng hóa trong bối cảnh hậu Covid-19.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, phần lớn doanh nghiệp đánh giá việc sử dụng các ứng dụng TMĐT phục vụ mục đích xuất nhập khẩu là tương đối hiệu quả. Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế năm 2021, ngành bán buôn, bán lẻ giảm 0,2%, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 20,8%, ngành vận tải kho bãi giảm 5%.
"Trước khó khăn chung của nền kinh tế, lĩnh vực TMĐT tiếp tục duy trì được đà phát triển nhanh và ổn định. Ước tính năm 2021, lĩnh vực này đạt tốc độ tăng trưởng trên 20% và đạt quy mô trên 16 tỷ USD. Tốc độ này sẽ cao hơn nhiều trong năm 2022 nhờ kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 và những động lực tăng trưởng mới" - ông Dũng nói.
Ảnh minh họa |
Báo cáo khảo sát của VECOM cũng đưa ra đánh giá lạc quan về sự phát triển của TMĐT đối với hoạt động xuất nhập khẩu như: Hiện 18% doanh nghiệp có sử dụng website/ứng dụng TMĐT để phục vụ cho mục đích xuất nhập khẩu. Đặc biệt, về giao dịch TMĐT doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), các kênh như mạng xã hội, sàn TMĐT hay website của doanh nghiệp đang dần trở thành kênh chính để nhận đơn đặt hàng từ các khách hàng. Trong đó, thông qua các nền tảng di động, khảo sát năm 2021 cho thấy, có tới 88% doanh nghiệp nhận đơn đặt sản phẩm qua ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, TMĐT qua biên giới là một xu thế tất yếu. Do đó, để tăng cường quảng bá sản phẩm của Việt Nam, ngành công thương đã và đang có sự hợp tác với các sàn giao dịch quốc tế nhằm thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến qua nền tảng TMĐT.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, cũng cho biết, đơn vị và Alibaba.com đã ký biên bản ghi nhớ vào tháng 3/2021 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại.
Trong hai năm qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, đầu tư và kinh doanh trên toàn thế giới, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và thương mại quốc tế. Hoạt động xúc tiến thương mại cũng gặp nhiều khó khăn, không thể thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống là cần trao đổi trực tiếp giữa nhà cung cấp, nhà phân phối, người mua, nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu.
Trong bối cảnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số đã được Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các nền tảng TMĐT, trong đó hoạt động đào tạo phối hợp với Alibaba.com đã được các đối tác và doanh nghiệp vừa và nhỏ đón nhận và đánh giá cao.
Với doanh thu TMĐT kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2.883 tỷ USD, TMĐT xuyên biên giới sẽ là kênh vô cùng hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường, nhất là với hàng Việt.
Do vậy, việc chuyển từ hình thức mua bán truyền thống sang sử dụng các nền tảng kỹ thuật số, TMĐT không còn là sự lựa chọn, mà là xu thế tất yếu. Đối với TMĐT qua biên giới, khi có chính sách quản lý về hải quan riêng, phù hợp sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển đó.
Để thay đổi và hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển TMĐT, thực hiện cam kết quốc tế, đơn giản thủ tục hải quan và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử, thời gian qua Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã tập trung hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT. Dự thảo đã được Bộ Tư pháp thẩm định, hiện đang trình Chính phủ để lấy ý kiến thành viên Chính phủ trước khi ban hành.
Theo Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Nguyễn Bắc Hải, dự thảo Nghị định quy định các vấn đề trọng tâm như quy định cụ thể đối tượng điều chỉnh là các sàn giao dịch, website TMĐT bán hàng (bao gồm cả các sàn giao dịch, website TMĐT bán hàng ở nước ngoài), các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa giao dịch qua TMĐT.
Quy định cụ thể ưu đãi về chính sách thuế, chính sách mặt hàng đối với hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua TMĐT, cụ thể là được miễn thuế nhập khẩu, miễn giấy phép, miễn kiểm tra chuyên ngành đối với các đơn hàng nhập khẩu với trị giá hàng hóa nhất định.
Bên cạnh đó tại dự thảo Nghị định có các nội dung quy định nhằm đảm bảo thông tin liên quan đến hoạt động giao dịch hàng hóa để phục vụ công tác quản lý từ khi phát sinh đơn hàng đến khi thông quan hàng (đối với hàng nhập khẩu) hoặc hàng hóa thực xuất (đối với hàng xuất khẩu).
Theo Cục Giám sát quản lý về hải quan, khi Nghị định đi vào thực tế sẽ tạo thuận lợi, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu qua TMĐT phát triển. Người mua hàng (đối với hàng nhập khẩu) khuyến khích việc mua hàng vì được miễn thuế nhập khẩu, miễn quản lý chuyên ngành theo định mức quy định tại dự thảo Nghị định. Khi đã cung cấp thông tin đơn hàng đầy đủ, đúng quy định thì người khai hải quan được chấp nhận giá mua bán hàng hóa thực tế để làm cơ sở tính thuế.
Thu Uyên (Tổng hợp)