• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiền Giang: Sản xuất công nghiệp trên đà hồi phục và tăng trưởng ấn tượng

6 tháng năm 2024, các ngành, lĩnh vực kinh tế của Tiền Giang chuyển biến tích cực, trong đó sản xuất công nghiệp trên đà hồi phục và tăng cao so với cùng kỳ.

Sản xuất công nghiệp tăng gần 9,3%

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn rất khó đoán định, nhu cầu hàng hóa tại nhiều thị trường lớn sụt giảm, nhưng các ngành, lĩnh vực kinh tế của tỉnh Tiền Giang trong 6 tháng năm 2024 tiếp tục hồi phục, tăng trưởng và chuyển dịch theo hướng tích cực, nhất là sản xuất công nghiệp, thương mại tiếp tục đà hồi phục và tăng trưởng cao.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Lưu Văn Phi - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cho biết, mặc dù hoạt động sản xuất công nghiệp, xuất khẩu đối mặt với các thách thức chung của các thị trường đối tác lớn. Tuy nhiên, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ sản xuất trong nước và xuất khẩu, nên hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại của tỉnh tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023. Qua đó, đóng góp tích cực đối với kết quả tăng trưởng của cả nền kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Tiền Giang: Sản xuất công nghiệp trên đà hồi phục và tăng trưởng ấn tượng

Trong 6 tháng năm 2024, sản xuất công nghiệp tỉnh Tiền Giang tăng gần 9,3% so với cùng kỳ năm 2023 (Ảnh: Thanh Minh).

Cụ thể, trong 6 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh Tiền Giang tăng 9,26% so với cùng kỳ trước (năm trước tăng 2,2%), trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng hơn 8%. So với các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước thì đây là mức tăng trưởng tốt.

Đáng chú ý, chỉ số tăng công nghiệp tăng chủ yếu thuộc thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và tập trung ở các ngành: Sản xuất kim loại do nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm của các ngành này ngày càng tăng.

Cùng với đó, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng cao so cùng kỳ do Công ty TNHH Lốp Advance Việt Nam có vốn đầu tư 100% của Trung Quốc chuyên sản xuất và phân phối các dòng sản phẩm như lốp xe công trình, lốp xe tải nhẹ, lốp xe nông nghiệp, lốp xe công nghiệp, lốp đặc ruột... xuất khẩu qua hơn 70 quốc gia đã đi vào sản xuất ổn định trong năm 2024.

“Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục sản xuất tăng, giữ vai trò dẫn dắt phát triển công nghiệp, chỉ số tăng 8,02% so với cùng kỳ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.029 doanh nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm tỷ trọng khoảng 98% trong tổng số doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh”, ông Lưu Văn Phi nhấn mạnh.

Nhìn chung trong 6 tháng năm 2024, hoạt động sản xuất công nghiệp của Tiền Giang đã có sự chuyển biến tích cực, phục hồi nhanh và tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. Đặc biệt, các doanh nghiệp có kế hoạch xây dựng phương án sản xuất, nỗ lực duy trì sản xuất, chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào…

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các khu, cụm công nghiệp

Để thúc đẩy sản xuất công nghiệp, Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang - cho biết: Trong thời gian tới, Sở tiếp tục theo dõi nắm tình hình sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai thực hiện: Đề án Tái cấu trúc ngành công nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Chương trình khuyến công giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.

Tiền Giang: Sản xuất công nghiệp trên đà hồi phục và tăng trưởng ấn tượng

Trong thời gian tới, Sở Công Thương Tiền Giang tập trung các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn (Ảnh minh họa).

Ngoài ra, Sở phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm lãnh đạo phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh đúng định hướng và mục tiêu phát triển công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

“Thời gian tới, Sở theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc thực hiện quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, phối hợp, nắm bắt thông tin có liên quan đến công tác triển khai hoạt động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Từ đó, kịp thời đề xuất các giải pháp hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các khu cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Khu công nghiệp Tân Phước 1, Khu công nghiệp Tân Phước 2, Khu công nghiệp Bình Đông, Khu công nghiệp Dịch vụ dầu khí Soài Rạp; Cụm công nghiệp Thạnh Tân, Gia Thuận 2. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục có liên quan để mời gọi nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật các Cụm công nghiệp Long Bình, Vĩnh Hựu, Mỹ Lợi, Mỹ Phước Tây, Mỹ Phước 1, Mỹ Phước 2, Mỹ Phước 3 và Long Trung”, Giám đốc Sở Công Thương Tiền Giang nói.

Song song đó, Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị có liên quan hoàn chỉnh các thủ tục để mời gọi nhà đầu tư sản xuất công nghiệp tại khu đất 200 ha thị trấn Mỹ Phước (huyện Tân Phước) và khu đất 54,97 ha tại xã Tam Hiệp và xã Long Định (huyện Châu Thành) và tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư thu hút đầu tư các khu đất trên và dự án thứ cấp vào các khu, cụm công nghiệp và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp. Đồng thời, xây dựng các kế hoạch, đề án, chương trình phát triển ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh, Bộ Công Thương theo quy định.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết