Vietnam Airlines (HVN) rồi sẽ "bay" về đâu?
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, HOSE: HVN), số tiền 170 triệu đồng do vi phạm trong chứng khoán.
"Combo" xử phạt của Vietnam Airlines
Theo đó, doanh nghiệp bị phạt tiền 50 triệu đồng vì Vietnam Airlines công bố thông tin chậm hơn thời hạn theo quy định đối với các tài liệu: Báo cáo thường niên năm 2020, báo cáo tài chính quý I/2022, thông tin về việc thoái vốn tại Hãng Hàng không Cambodia Angkor Air từng là công ty liên kết thành không còn là công ty liên kết.
"Đường bay" nào cho Vietnam Airlines (HVN)?. Hình minh họa |
Vietnam Airlines bị phạt 100 triệu đồng do không đảm bảo cơ cấu tối thiểu hai Thành viên HĐQT độc lập đối với công ty có từ 6 đến 8 Thành viên HĐQT. Nhiệm kỳ 2021-2025, công ty có 7 thành viên HĐQT, trong đó chỉ có 1 thành viên HĐQT độc lập. Cụ thể, HĐQT Vietnam Airlines hiện có 7 thành viên, với ông Đặng Ngọc Hòa làm Chủ tịch, 5 Thành viên HĐQT và 1 Thành viên độc lập là ông Trương Văn Phước.
Ngoài ra, doanh nghiệp bị phạt tiền 20 triệu đồng vì Vietnam Airlines là công ty đại chúng nhưng không đưa nội dung thù lao của từng thành viên Hội đồng quản trị, tiền lương của Tổng giám đốc (Giám đốc) và người quản lý khác thành mục riêng trong báo cáo tài chính hàng năm của công ty.
Tổng mức phạt là 170 triệu đồng. Quyết định có hiệu lực từ ngày 21/7.
Trong một diễn biến khác, ngày 1/6/2022, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM đã ra quyết định giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines. Trước đó, ngày 31/3/2021, cổ phiếu HVN đã từ diện cảnh báo chuyển sang kiểm soát do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2021 âm 8.458 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6/2021 là âm 17.808 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp.
Được biết, mã này vừa thoát án án hủy niêm yết bắt buộc trên HOSE do mức lỗ lũy kế tại ngày 31/12/2021 đạt 21.961 tỷ đồng, nhỏ hơn với vốn điều lệ (22.144 tỷ đồng). Tuy nhiên, HVN vẫn bị giữ nguyên diện kiểm soát do chưa khắc vụ được tình hình và vẫn thuộc diện kiểm soát theo quy định kèm theo quyết định ngày 31/3/2022 của HOSE.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên 21/7, cổ phiếu HVN giảm 0,90% xuống 16.450 đồng/cp, giảm gần 43% so với mức đỉnh lịch sử 28.650 đồng hôm 14/9/2021.
Diễn biến giá cổ phiếu HVN thời gian gần đây (Nguồn: TradingView) |
Vietnam Airlines dự kiến lỗ ròng hơn 9.300 tỷ đồng
Về kế hoạch kinh doanh, năm 2022, Vietnam Airlines dự kiến doanh thu công ty mẹ 45.252 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù doanh thu tăng nhưng công ty vẫn dự kiến sẽ lỗ ròng 9.335 tỷ đồng trong năm nay, giảm 23,5% so với khoản lỗ năm trước. Ngoài ra, Vietnam Airlines đặt kế hoạch vận chuyển 17 triệu khách cùng 271.200 tấn hàng hóa.
Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines đánh giá thị trường Việt Nam sẽ có nhiều tích cực vì Chính Phủ đã mở cửa trở lại, nối lại các đường bay nội địa và một số đường bay quốc tế. Tuy nhiên, thị trường vận tải hàng không quốc tế vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn vì diễn biến dịch bệnh vẫn phức tạp, hiệu quả vaccine suy giảm mạnh cùng với giá nhiên liệu đầu vào tăng cao. Công ty dự báo lượng khách di chuyển sẽ chủ yếu là người Việt, chuyên gia. Nhóm khách nước ngoài chiếm 90% tổng số khách hàng của hãng vẫn chưa thể phục hồi như trước đại dịch. Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Vietnam Airlines dẫn lại dự báo thị trường hàng không thế giới đến cuối năm 2024 mới phục hồi.
Sáu tháng đầu năm nay, Vietnam Airlines đã khai thác trở lại đường bay quốc tế đến 14 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ngày 15/6, hãng mở thêm đường bay mới đến Ấn Độ. Vietnam Airlines đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ngay lập tức khai thác trở lại các đường bay đến Trung Quốc, Myanmar, Nga khi điều kiện cho phép. Tổng số đường bay quốc tế đang khai thác đạt 35 đường bay, bằng 53% so 2019. Từ tháng 7/2022, Vietnam Airlines sẽ nâng số đường bay quốc tế lên 39 đường bay, bằng 60% so 2019.
Đến tháng 7, Vietnam Airlines sẽ nối lại đường bay Indonesia. Từ tháng 11 tới các đường bay quốc tế trọng điểm (Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…) đặt mục tiêu khôi phục lại tần suất tương đương năm 2019, đường bay châu Âu tiếp tục hoàn thiện tần suất. Vietnam Airlines kỳ vọng cuối năm 2023 có thể phục hồi toàn bộ mạng bay quốc tế tương đương năm 2019.
Nhiệm vụ trọng tâm của Vietnam Airlines năm nay đó chính là tập trung vào việc tái cơ cấu danh mục đầu tư. Trong đó doanh nghiệp hàng không này sẽ hoàn thành việc tái cơ cấu Pacific Airlines, thanh lý tài sản, bán và cho thuê máy bay, tái cơ cấu nguồn vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu và trái phiếu, cùng với đó là chuyển nhượng, thoái vốn tại một số doanh nghiệp thành viên. Hiện Vietnam Airlines có 19 công ty con và 2 công ty liên kết.
Về phương án tìm kiếm nhà đầu tư mới tham gia tái cơ cấu Pacific Airlines (PA), ông Đặng Triệu Hòa cho biết đến tháng 6/2022, tình hình tài chính rất nghiêm trọng. Dòng tiền thiếu hụt, nợ quá hạn lớn đe doạ mất khả năng thanh toán và phải chấm dứt hoạt động. Quý I, Vietnam Airlines đã tiếp nhận toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu của Quantas Asia Investment Company (Singapore) Pre Limited tại Pacific Airlines tặng cho tổng công ty để triển khai việc tái cơ cấu và thoái vốn. Quy trình lựa chọn nhà đầu tư gặp rất nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách theo các quy định hiện hành đối với doanh nghiệp Nhà nước. Vietnam Airlines đang tiếp tục báo cáo các cấp chính quyền để xử lý.
Vietnam Airlines lỗ gần 2.700 tỷ đồng trong quý 1/2022
Trong quý 1/2022, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ 2.700 tỷ đồng, giảm 34% so với quý 1/2021.
Theo lý giải của Vietnam Airlines, khoản lỗ giảm là nhờ tổng doanh thu và thu nhập khác quý 1/2022 của công ty mẹ tăng 65,7% so với quý 1/2021 chủ yếu do doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 67%, tương đương tăng 3.296 tỷ đồng, doanh thu vận chuyển nội địa tăng 96,5%, vận chuyển quốc tế tăng 71,1%, doanh thu thuê chuyến giảm 21,1% thu nhập khác tăng mạnh chủ yếu từ hoạt động thanh lý tàu bay, bán và thuê lại động cơ tàu bay.
Chi phí Quý 1/2022 của công ty mẹ tăng 23,9% tương đương tăng 2.093 tỷ đồng so với quý 1/2021 chủ yếu do giá nhiên liệu tăng cao. Tốc độ tăng doanh thu và thu nhập khác cao hơn so với tốc độ tăng chi phí dẫn đến công ty mẹ giảm lỗ được 1.239 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Lỗ hợp nhất giảm chủ yếu nhờ lỗ công ty mẹ giảm và một số công ty con bắt đầu có lãi như Skypec, Vaeco, Viags...
Báo cáo tài chính cho thấy, áp lực thanh khoản ngắn hạn vẫn tiếp tục đeo bám Vietnam Airlines. Cuối quý 1, hãng hàng không quốc gia sở hữu 12.800 tỷ đồng tài sản ngắn hạn, trong đó gần 4.700 tỷ là tiền mặt và khoản đầu tư ngắn hạn. Nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines lên tới 45.700 tỷ đồng, tức gấp hơn 3 lần tài sản ngắn hạn.
Đáng chú ý hơn, vốn chủ sở hữu của hãng hàng không quốc gia cũng chuyển sang âm sau 9 quý thua lỗ liên tiếp. Cuối tháng 3/2022, vốn chủ sở hữu âm 2.160 tỷ đồng và lỗ lũy kế đã lên tới gần 24.600 tỷ đồng.
Nếu tình trạng âm vốn chủ sở hữu vẫn kéo dài tới cuối năm, hãng hàng không quốc gia sẽ có nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc. Trước đó, Vietnam Airlines vừa thoát cảnh âm vốn chủ sở hữu nhờ được bơm gần 8.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu.
Giải pháp xử lý lỗ và âm vốn chủ sở hữu
Trong giải trình gửi Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM về biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu HVN đang bị kiểm soát, Vietnam Airlines cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines bị ảnh hưởng nghiêm trọng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Hoạt động vận tải hàng không quốc tế thường lệ đã hoàn toàn ngưng trệ sau khi dịch bùng phát từ tháng 3/2020 và chỉ mới được tái khởi động trở lại từ 15/3/2022.
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh hợp nhất của Vietnam Airlines năm 2020, năm 2021 và quý 1/2022 đã bị lỗ và vốn chủ sở hữu hợp nhất đã bị âm tài thời điểm 31/3/2022, dẫn đến cổ phiếu HVN bị thuộc diện kiểm soát theo quy định của HOSE.
Theo Vietnam Airlines, trước các ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh, doanh nghiệp này đã chủ động xây dựng các giải pháp ngắn hạn và dài hạn để giảm thiểu thiệt hại, cải thiện kết quả sản xuất kinh doanh và bổ sung nguồn vốn, dòng tiền cho doanh nghiệp tại đề án cơ cấu lại tổng công ty giai đoạn 2021 - 2025.
Đối với năm 2022, các giải pháp tại đề án hướng đến mục tiêu không tiếp tục bị lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất cuối năm 2022. Tiếp đó giai đoạn 2023 - 2025, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện kết quả sản xuất kinh doanh và bổ sung vốn chủ sở hữu để từng bước vượt qua khủng hoảng, phục hồi và phát triển.
Hiện nay Vietnam Airlines đã hoàn thành đề án cơ cấu giai đoạn 2021 - 2025 và đã gửi báo cáo lấy ý kiến cổ đông nhà nước và các cấp có thẩm quyền trước khi hoàn thiện để báo cáo đại hội cổ đông thông qua.
Các giải pháp bổ sung lợi nhuận và nguồn vốn chủ sở hữu Vietnam Airlines đã xây dựng trong Đề án bao gồm 3 nhóm giải pháp lớn:
Thứ nhất, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nhanh chóng phục hồi và cải thiện hoạt động kinh doanh, giảm tối đa mức lỗ trong hoạt động kinh doanh vận tải trong giai đoạn thị trường chưa phục hồi hoàn toàn (2022-2023) và tiến tới có lãi trong các năm sau.
Thứ hai, tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền. Theo đó Vietnam Airlines sẽ triển khai bán hoặc bán và thuê lại các tàu bay cũ; thoái vốn, chuyển nhượng vốn đối với một số danh mục đầu tư tài chính. Giải pháp này sẽ được thực hiện chủ yếu từ 2022-2024.
Thứ ba, phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu: dự kiến thực hiện năm 2023-2024.
Theo đề án, năm 2022 Vietnam Airlines sẽ thực hiện đồng bộ 3 giải pháp nêu trên để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu.
Khánh Vân