• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuất khẩu giảm liên tiếp, giá cà phê nội địa vẫn ngược chiều thị trường thế giới: Nguyên nhân do đâu?

Mặc dù lượng xuất khẩu giảm liên tiếp trong 4 tháng trở lại đây nhưng giá cà phê trong nước tăng mạnh, thậm chí diễn biến ngược chiều so với giá thế giới, đặc biệt là giai đoạn 7 tháng đầu năm 2022.

Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, lượng cà phê xuất khẩu trong tháng 7 tiếp tục giảm mạnh 17% so với tháng 6 xuống gần 114.000 tấn. Kim ngạch cũng giảm 17% xuống 262 triệu USD. Theo đó, giá cà phê trong nước tăng 12% lên khoảng 44.000 đồng/kg. Trong khi đó, hợp đồng cà phê giao trong tháng 9 trên sàn London giới giảm 14% xuống 1.962 USD/tấn.

Đà tăng giá cà phê trong nước tiếp tục kéo dài trong tháng 8, tiếp dần đến mốc 50.000 đồng/kg - mức cao nhất trong 7 năm và giá cà phê thế giới cũng đang có xu hướng đảo chiều tăng trở lại lên 2.217 USD/tấn (tính đến ngày 18/7).

Nguồn ảnh: Internet

Nguồn ảnh: Internet

Nguyên nhân giá cà phê tăng từ đầu năm đến nay bất chấp xuất khẩu giảm được cho là sản lượng thấp hơn so với năm ngoái.

Hiện chỉ còn một tháng rưỡi nữa là Việt Nam kết thúc niên vụ 2021 - 2022 (từ tháng 10/2021 đến hết tháng 9/2022), với sản lượng dự kiến khoảng 1,5 triệu tấn, thấp hơn 120.000 tấn so với niên vụ 2020 - 2021.

Trong khi đó, lượng xuất khẩu tính từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 7/2022 đạt hơn 1,4 triệu tấn. Nếu so sánh lượng xuất khẩu cà phê năm nay với cùng kỳ năm ngoái trong các tháng, thì vẫn ở mức cao hơn khoảng 10 - 15%.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong quý III/2022, Việt Nam vẫn còn khoảng 500 nghìn tấn cà phê để xuất khẩu.

Tuy nhiên, chuyên gia ngành cà phê Nguyễn Quang Bình (Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-xã hội Quốc gia - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết tùy theo con số dự báo ban đầu của từng doanh nghiệp, thị trường dễ dàng nhận ra rằng lượng cà phê niên vụ này còn trong tay nhà vườn khoảng 300-400 nghìn tấn.

"Con số 300-400 nghìn tấn chắc phải loại trừ vì quá lớn trong khi người mua kiếm hàng không ra. Vậy lượng hàng tồn hiện nay chỉ có thể từ 100-200 nghìn tấn”, ông Bình nhận định.

Ông Bình cho biết thêm: "Giá trong nước tăng có thể được giải thích lượng còn lại trong dân được bán theo cách "đa cấp", có nghĩa là những doanh nghiệp nhỏ trong nước trao tay từ người này sang người khác, mỗi người tăng giá một ít, đẩy giá lên cao dần".

Theo ông Bình các nhà nhập khẩu càng không thể thu gom để đưa hàng sang đấu giá lên khi giá quá cao. Việc đưa hàng vào bán tại sàn London với giá trừ là vô nghĩa bởi còn phải tính cước tàu, thủ tục, phí làm hàng và phí tài chính.

“Có lẽ vì vậy mà hàng tồn kho đạt chuẩn robusta mấy ngày gần đây giảm rất nhanh. Robusta của Brazil cũng không thể đưa sang đấu giá do giá nội địa của họ cũng rất cao. Khi hàng của Việt Nam và Brazil không xuất ra, đồng nghĩa các nhà rang xay phải kiếm hàng tại chỗ khi có nhu cầu chạy máy”, ông Bình nói.

Vị này cho rằng dù giá robusta có điều chỉnh, thời gian này cũng không thể xuống sâu.

"Giá cà phê trong nước còn vững một thời gian nữa, chí ít cho đến khi các nhà kinh doanh không còn dựa trên giá tháng 11/22 mà phải sử dụng các tháng xa như 1 và 3/23 để mua hàng", ông Bình nhận định.

Cục Xuất nhập khẩu dự báo giá cà phê Robusta thế giới sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong thời gian tới. Căng thẳng địa chính trị tại châu Á đã dịu bớt, trong khi giá dầu thô giảm về dưới mức 100 USD/thùng khiến đầu cơ dịch chuyển dòng vốn sang các hàng hóa phái sinh khác giúp giá cà phê hưởng lợi.

Giá cà phê hôm nay (19/8) tại khu vực Tây Nguyên giảm 100 đồng/kg so với hôm qua. Với mức giá là 47.800 đồng/kg, Lâm Đồng đang là địa phương ghi nhận mức giao dịch thấp nhất.

Tiếp đó là hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông với chung mức thu mua là 48.200 đồng/kg. Mức giá cao nhất ở thời điểm hiện tại là 48.300 đồng/kg có mặt tại tỉnh Đắk Lắk.

Thu Uyên (Tổng hợp)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...