• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2022 giảm mạnh

Theo báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 7 tháng năm 2022 của Bộ Công Thương cho biết kim ngạch xuất khẩu trong tháng 7 giảm 7,7% so với tháng trước, đạt 30,3 tỷ USD.

Chủ yếu do xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm 7,4% so với tháng trước, trong đó giảm ở hầu hết các mặt hàng nông sản, trừ rau quả và cao su và nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo giảm 7,2%, trong đó giảm nhiều nhất là: phân bón các loại, giảm 33,3%; sắt thép các loại, giảm 23,3%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giảm 22,6%.

Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 7 vẫn tăng gần 9% so với cùng kỳ. Điểm sáng trong xuất khẩu là xuất khẩu nhóm nhiên liệu khoáng sản tăng 23,5%, chủ yếu do xuất khẩu dầu thô tăng 83% so với tháng trước.

Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: Internet)

Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: Internet)

Tính chung 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 216,3 tỷ USD và tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản trong 7 tháng đạt 18,2 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, trở thành điểm sáng trong xuất khẩu chung của cả nước.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 7 tháng tiếp tục đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu với kim ngạch ước đạt 185,8 tỷ USD, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước và chiếm gần 86% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.

Tuy nhiên, tính riêng tháng 7/2022, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này tiếp tục xu hướng giảm so với tháng trước, giảm 7,2% chủ yếu do sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chủ yếu như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm tới 22,6%; sắt thép các loại giảm 23,3%...

Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chiến lược khác như xơ, sợi dệt các loại giảm 16,4%; gỗ và các sản phẩm gỗ giảm 7,5%; giầy dép các loại giảm 2,7%... đã làm giảm kim ngạch xuất khẩu chung của nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản trong 7 tháng đầu năm 2022 tiếp tục đà tăng cao nhất trong các nhóm hàng, tăng 117% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó xuất khẩu xăng dầu, than đá và quặng, khoáng sản khác tăng cao do giá các mặt hàng này tăng cao.

Cũng theo báo cáo, trong tháng 7, giá các mặt hàng chiến lược, thiết yếu (xăng dầu, khí đốt) và giá các mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất (than, gỗ, phân bón, titan, nhôm…) tiếp tục tăng cao đã dẫn đến kim ngạch nhập khẩu của một số mặt hàng tăng cao, làm tăng tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa chung của cả nước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7 đạt 30,3 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước và chỉ tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 215,6 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 7 ước xuất siêu 21 triệu USD. Tính chung 7 tháng, cán cân thương mại ước tính tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu, với khoảng 764 triệu USD.

Giá cước vận tải sẽ giảm khi tắc nghẽn cảng được giải quyết, Trung Quốc mở cửa trở lại

Trong báo cáo ngành cảng biển và vận chuyển, CTCK SSI cho biết tình trạng tắc nghẽn tại Bờ Tây Mỹ đã cải thiện đáng kể, nhưng điểm nóng đã chuyển sang Bờ Đông Mỹ. Còn tắc nghẽn cảng tại Châu Âu và Địa Trung Hải càng nghiêm trọng hơn bởi những cuộc đình công xảy ra tại nhiều cảng trên thế giới.

SSI cho rằng gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn tiếp diễn trong 2022. Tình trạng tắc nghẽn tại các cảng Mỹ và Châu Âu chưa thể khắc phục trước năm 2023 do tắc nghẽn vẫn diễn ra trong nhiều khâu của chuỗi cung ứng, bao gồm thiếu cầu cảng, thiếu xe tải, nhà kho và cả nhân công.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng cảng cần thời gian để thích ứng với các tàu mới đóng có kích thước lớn hơn trước khi tình trạng tắc nghẽn được giải quyết. Mặt khác, việc luân chuyển hàng hóa toàn cầu phụ thuộc lớn vào Trung Quốc và chiến lược Zero COVID của nước này.

SSI cho rằng tình trạng tắc nghẽn sẽ dần cải thiện vào nửa cuối năm 2023, khi các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 được gỡ bỏ tại hầu hết các thị trường, bao gồm Trung Quốc.

Giá cước vận tải trên thị trường quốc tế sẽ dần bình thường trở lại. Mặt bằng giá cước cao hiện tại sẽ dần điều chỉnh do nhu cầu giảm và nguồn cung tăng.

Giá cước vận tải trong nước duy trì ở mức đỉnh trong 2023 do thị trường vẫn thiếu cung với phần lớn đội tàu Việt Nam được cho thuê tại thị trường nước ngoài với hợp đồng dài hạn.

Phụ phí nhiên liệu cũng được thêm vào giá cước để phản ánh giá nhiên liệu tăng, hỗ trợ các hãng vận chuyển trước biến động giá dầu.

Nhu cầu trên thị trường Nội Á vẫn mạnh do khu vực này hưởng lợi từ chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận, điều này giúp hỗ trợ phân khúc tàu feeder.

Giá thuê tàu có thể duy trì ở quanh mức đỉnh trong nửa cuối 2022, sau đó giảm dần trong 2023 khi cung tàu đóng mới gia nhập thị trường. Tuy nhiên, kỳ hạn hợp đồng có thể rút ngắn lại do rủi ro giảm giá trên thị trường.

Minh Phương

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...