Tạo cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi
Dự thảo lần 5 Luật Điện lực (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội mới đây đã xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.
Theo đó, tại điểm c khoản 9 Điều 5 ghi rõ, Nhà nước có chính sách ưu đãi, hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi; tại khoản 9 Điều 31 nhấn mạnh: “Phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới trên biển phù hợp với thứ tự ưu tiên phát triển các ngành kinh tế biển theo từng thời kỳ”.
Nhà đầu tư nước ngoài có quyền tham gia các dự án điện gió ngoài khơi của Việt Nam. |
Còn tại khoản 3 và khoản 4 Điều 39 đã làm rõ: Đối với dự án có đấu nối lên hệ thống điện quốc gia, bên mua điện và bên bán điện được quyền thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện về tỷ lệ bảo đảm huy động sản lượng điện tối thiểu hàng năm, sản lượng điện còn lại thực hiện tham gia thị trường điện theo quy định.
Ngoài chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định hiện hành, dự án điện gió ngoài khơi được hưởng chính sách khuyến khích như sau: Miễn tiền thuê khu vực biển, miễn tiền sử dụng đất trong giai đoạn thực hiện đầu tư xây dựng đến thời điểm nhà máy vận hành phát điện; Miễn, giảm tiền thuê khu vực biển tại mức cao nhất theo quy định của pháp luật về biển, tài nguyên môi trưởng biển và hải đảo. Đồng thời, “hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tại mức cao nhất theo quy định của pháp luật về thuế”.
Bên cạnh các chính sách ưu đãi được Bộ Công Thương xây dựng trong Luật Điện lực, toàn bộ Mục 2 Chương III - dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) lần thứ 5 cũng làm rõ nhiều vấn đề trong đầu tư dự án điện gió ngoài khơi. Đơn cử như việc khảo sát dự án, trong Luật quy định rõ: “Căn cứ quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch, kế hoạch về phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận danh mục các khu vực thu hút đầu tư và cho phép khảo sát để nghiên cứu đầu tư dự án”. Như vậy, việc triển khai dự án điện gió ngoài khơi tại bước đầu cũng như cuối cùng (khảo sát, thẩm định, triển khai và hoàn thành dự án), Bộ Công Thương chủ trì phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ doanh nghiệp.
Mặt khác, tại Điều 46 trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) cũng nêu điều kiện nhà đầu tư nước ngoài thực hiện phát triển điện gió ngoài khơi được Chính phủ quy định cụ thể điều kiện nhà đầu tư nước ngoài được tham gia, thực hiện dự án điện gió ngoài khơi, gồm: Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư; Tỷ lệ cổ phần, phần vốn góp; Quyền tham gia của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc doanh nghiệp Nhà nước giữ cổ phần chi phối tại dự án điện gió ngoài khơi có nhà đầu tư nước ngoài thực hiện.
Như vậy, có thể thấy rằng theo Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), các cơ chế, chính sách về điện gió ngoài khơi có thể sẽ được nhiều doanh nghiệp trong nước cũng như quốc tế quan tâm, tạo nên cú hích mạnh mẽ trong việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi của Việt Nam.
Bùi Công