|
  • :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thợ truyền tải điện căng mình giữa đỉnh nắng nóng của Hà Nội

Trong đợt nắng nóng kỷ lục, những người thợ truyền tải Hà Nội căng mình giữ dòng điện an toàn, duy trì nhịp sống cho hàng triệu người dân và cả thành phố.

Thợ truyền tải căng mình "giữ điện"

Những ngày đầu tháng 7/2025, nhất là ngày 9/7/2025, Hà Nội và các tỉnh khu vực lân cận chịu một đợt nắng nóng kỷ lục, công suất điện tiêu thụ qua lưới truyền tải cao gần gấp đôi ngày thường. Trên địa bàn trải rộng với gần 1.000 km đường dây và 11 trạm biến áp (TBA), trách nhiệm đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục cho Thủ đô và các tỉnh lân cận những ngày nắng nóng đỉnh điểm đè nặng lên đôi vai những người thợ truyền tải điện Hà Nội.

Kiểm tra phát nhiệt và nhiệt độ MBA AT5 tại TBA 220kV Thành Công. Ảnh: Mạnh Hùng

Kiểm tra phát nhiệt và nhiệt độ MBA AT5 tại TBA 220kV Thành Công. Ảnh: Mạnh Hùng

Theo thống kê từ Đội Truyền tải điện Hà Nội thuộc Công ty Truyền tải điện 1, sản lượng điện truyền tải tại các khu vực nội thành đã tăng đột biến trong hai ngày cao điểm 8 và 9/7.

Cụ thể, tổng công suất qua các MBA lúc 13h ngày 9/7 đạt 5.646 MW, tăng 2.030 MW so với thời điểm 14h ngày 2/7. Riêng các trạm như Thường Tín, Đông Anh, Chèm ghi nhận mức tăng mạnh: Thường Tín từ 1.091 MW lên 1.629 MW, Đông Anh tăng từ 957 MW lên 1.317 MW, Chèm tăng từ 397 MW lên 633 MW.

Trong bối cảnh ấy, mỗi người thợ truyền tải không chỉ đang đảm đương một công việc kỹ thuật đơn thuần, họ giữ vững dòng điện của cả một thành phố, cho hàng triệu người dân, bệnh viện, trường học, nhà máy... giữa cái nóng thiêu đốt.

Trưa 9/7, chuỗi cảnh báo liên tục vang lên tại Trạm biến áp 220kV Chèm khi nhiệt độ MBA AT2 tăng đến 95°C, chỉ còn 5 độ nữa là máy sẽ tự động cắt. Tình huống khẩn cấp có thể khiến cả khu vực Đông Anh, Sóc Sơn mất điện đột ngột, trong đó có nhiều khu công nghiệp trọng điểm phía Bắc Hà Nội.

Không để tình huống vượt khỏi tầm kiểm soát, kíp vận hành lập tức triển khai phương án ứng phó nhanh: Phun nước kỹ thuật trực tiếp làm mát MBA, một trong những biện pháp mạnh mẽ và táo bạo nhưng đầy hiệu quả. Sau 20 phút, tín hiệu cảnh báo được xóa bỏ, những người thợ truyền tải điện đã chiến thắng thiên nhiên khắc nghiệt.

Anh Nguyễn Thành Oai, Tổ trưởng Tổ Quản lý vận hành TBA  220kV Chèm, chia sẻ trong căng thẳng: “Nhiệt độ MBA vẫn tăng tới ngưỡng cảnh báo, điện thoại liên tục réo. Chỉ chậm vài phút thôi là lưới điện có thể bị sự cố lớn. Khi đó, chúng tôi chỉ có một suy nghĩ: Giữ bằng được dòng điện, dù có phải căng mình trong cái nóng như lửa đốt”.

Lúc 10h45’ có tín hiệu dòng không cân bằng tụ 102 tăng cao Ikcb= 600mA, vượt ngưỡng cảnh báo đặt 400mA; Đội Truyền tải điện Hà Nội đã trao đổi cùng Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Bắc (NSO) xin tách tụ để kiểm tra đo đạc bình tụ.

Tuy nhiên, để đảm bảo cấp điện cho người dân Thủ đô giữa thời điểm nắng nóng trong ngày 9/7, NSO lệnh tiếp tục theo dõi sát sao trong vận hành, đến gần ngưỡng “trip” mới được thao tác. 

Đến thời điểm lúc 15h, điện áp thanh cái C11, C12 chỉ còn điện áp 112,7kV, nếu tách tụ điện áp xuống còn xấp xỉ 110kV; ảnh hưởng điện áp thấp đến hệ thống điện miền Bắc và TP. Hà Nội, vào lúc 0h ngày 10/7, tải xuống thấp mới tách ra kiểm tra sửa chữa.

Vận hành an toàn giữa mùa nắng đỉnh điểm

Giữa những đợt nắng như đổ lửa, công tác vận hành an toàn không chỉ là nhiệm vụ – đó là mệnh lệnh thiêng liêng đối với mỗi cán bộ kỹ thuật truyền tải. Từng thao tác, từng thông số đều phải được theo dõi sát sao. Các trạm trưởng trực chiến 24/24, tổ đội luôn trong trạng thái “sẵn sàng chiến đấu”.

Bởi chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể kéo theo hậu quả lớn: Mất điện diện rộng, đình trệ sản xuất, ảnh hưởng đời sống hàng triệu người. Nhưng với tinh thần “3 sẵn sàng” (sẵn thiết bị, sẵn nhân lực, sẵn phương án), những người thợ truyền tải đã và đang làm tốt nhiệm vụ của mình, giữ cho lưới điện Thủ đô an toàn, ổn định, không gián đoạn.

Ông Vũ Sơn Hà (áo trắng) -  Phó đội trưởng Truyền tải điện Hà Nội trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo xử lý sự cố tại TBA 220kV Mai Động. Ảnh: Mạnh Hùng

Ông Vũ Sơn Hà (áo trắng) -  Phó đội trưởng Truyền tải điện Hà Nội trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo xử lý sự cố tại TBA 220kV Mai Động. Ảnh: Mạnh Hùng

Đó không chỉ là cách giảm chi phí mà còn là chia sẻ áp lực với ngành điện, tiếp thêm sức mạnh cho những người đang ngày đêm vận hành lưới điện trong âm thầm.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khuyến cáo: Mỗi người dân hãy là "người giữ điện" từ hành động nhỏ nhất. Trước nguy cơ nắng nóng còn kéo dài, EVN khuyến cáo khách hàng cần: Sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm và khoa học; tránh sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện vào giờ cao điểm (11h30 – 15h30, 20h – 22h); cài đặt điều hòa ở mức 26 - 27 độ kết hợp quạt gió.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết