Các sự kiện, thông tin nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua trong tuần này
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ công bố biên bản cuộc họp tháng 7 trong tuần này, và dữ liệu sẽ được xem xét kỹ lưỡng để tìm manh mối về quy mô của các đợt tăng lãi suất sắp tới.
Doanh số bán lẻ của Mỹ
Mỹ sẽ công bố số liệu doanh số bán lẻ của tháng 7 vào thứ Tư (17/8), số liệu này sẽ được theo dõi để biết những dấu hiệu về sức mạnh chi tiêu của người tiêu dùng sau khi tăng trưởng quý II chậm lại.
Các nhà kinh tế đang kỳ vọng mức tăng nhẹ 0,1% sau khi tăng 1% trong tháng trước, trong đó giá xăng dầu giảm là nguyên nhân dẫn đến doanh số bán lẻ chững lại.
Biên bản cuộc họp của Fed
Biên bản cuộc họp tháng 7 của Fed được công bố vào thứ Tư (17/8) sẽ gây chú ý sau khi dữ liệu kinh tế trong hai tuần qua thúc đẩy các nhà đầu tư kỳ vọng rằng ngân hàng trung ương có thể tạo ra một cuộc hạ cánh mềm cho nền kinh tế.
Một báo cáo việc làm tháng 7 gây thất vọng đã làm giảm bớt lo ngại về viễn cảnh suy thoái, trong khi dữ liệu lạm phát của tuần trước cho thấy mức tăng giá tiêu dùng hàng tháng đã có dấu hiệu hạ nhiệt, mặc dù vẫn ở mức cao.
Các nhà đầu tư hiện đang định giá Fed sẽ ít diều hâu hơn với hợp đồng tương lai dự báo nhiều khả năng các quan chức Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào cuộc họp cuối tháng 9, thay vì tăng 75 điểm cơ bản trong hai cuộc họp trước.
Nhưng các nhà hoạch định chính sách của Fed đã đẩy lùi kỳ vọng về một sự xoay trục ôn hòa và các nhà kinh tế cảnh báo rằng lạm phát có thể quay trở lại trong những tháng tới.
Dữ liệu kinh tế của Anh
Sau cảnh báo gần đây của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) rằng Anh đang đối mặt với một cuộc suy thoái sâu và kéo dài, các nhà đầu tư sẽ chú ý đến dữ liệu về lạm phát, doanh số bán lẻ và việc làm trong những ngày tới.
Số liệu lạm phát của ngày thứ Tư (17/8) trong tháng 7 dự kiến sẽ tăng lên 9,8% từ mức 9,4% trong tháng 6, tiến gần hơn đến mức đỉnh 13,3% mà BoE đã dự báo cho tháng 10.
Dữ liệu doanh số bán lẻ cho tháng 7 công bố vào thứ Sáu (19/8) có thể cung cấp thêm bằng chứng về sự suy thoái, với các nhà kinh tế dự kiến sẽ giảm 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi mức giảm hàng năm là 5,8% vào tháng 6.
Lạm phát đang đạt đỉnh muộn hơn và cao hơn ở Anh so với ở Mỹ, một phần là do cơ chế giới hạn giá năng lượng của nước này làm chậm quá trình chuyển giao giá cao hơn cho các hộ gia đình Anh.
Việc giá cả tăng vọt đang gây áp lực lên chính phủ Anh phải làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ người tiêu dùng, và buộc BoE phải có hành động quyết liệt để kiềm chế lạm phát chính đã gần gấp 5 lần mục tiêu 2%.
Tăng lãi suất
Ngân hàng trung ương New Zealand dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp sắp tới vào thứ Tư (17/8), điều này sẽ đưa lãi suất lên mức cao nhất trong bảy năm.
Ở những quốc gia khác, ngân hàng trung ương của Na Uy dự kiến sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp vào thứ Năm (18/58) sau khi đã tăng lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 6. Sau khi số liệu lạm phát mới nhất của Na Uy được đưa ra, một số nhà kinh tế đang kỳ vọng sẽ có một đợt tăng 50 điểm cơ bản nữa, nhưng ngân hàng trung ương đã chỉ ra rằng họ có kế hoạch tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong tháng 8 này.
Tại Úc, dữ liệu thất nghiệp được công bố trong tuần này có thể thúc đẩy các cuộc tăng lãi suất hơn nữa nếu thị trường lao động thắt chặt hơn.
Tại Nhật Bản, dữ liệu tổng sản phẩm quốc nội quý II được dự báo cho thấy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã trở lại quy mô trước đại dịch, mặc dù điều đó không có khả năng ảnh hưởng đến Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda và quyết tâm trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
Hạc Hiên/ĐTCK