• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Sếp” ngân hàng hiến kế để đẩy nhanh tốc độ giải ngân gói 145.000 tỷ đồng

Tổng giám đốc Agribank cho rằng, để Đề án 1 triệu căn hộ được triển khai hiệu quả, các địa phương cần khẩn trương hoàn thành việc lập, sửa đổi, bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư.

Ngân hàng tham gia vào gói tín dụng dành riêng cho nhà ở xã hội

Vào đầu năm 2023, Chính phủ đã công bố gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để thực hiện Đề án ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030. Gói tín dụng được triển khai thông qua 4 ngân hàng thuộc nhóm “Big 4”, bao gồm: VCB, Vietinbank, BIDV và Agribank.

Tính đến cuối năm 2024, có thêm 5 ngân hàng thương mại khác tham gia vào gói tín dụng này, bao gồm: TPBank, VPBank, Techcombank, MBBank và HDBank. Mỗi ngân hàng góp thêm 5.000 tỷ đồng. Như vậy, gói 120.000 tỷ đồng ban đầu được nâng lên 145.000 tỷ đồng.

Mặc dù đã có cơ chế, chính sách ưu đãi từ Chính phủ và nhận được sự hưởng ứng của nhiều ngân hàng, thế nhưng tiến độ giải ngân gói tín dụng này vẫn “chậm như rùa”, tính đến cuối năm 2024 tốc độ giải ngân chưa tới 1%.

sep ngan hang hien ke de day nhanh toc do giai ngan goi 145000 ty dong hinh 1

Nhiều ngân hàng trong nước tỏ ra mong muốn tham gia vào các chương trình phát triển thị trường bất động sản an toàn, bền vững. Ảnh: TL.

Nguyên nhân là do các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai như quy hoạch bố trí quỹ đất, việc công khai dự án thu hút đầu tư.

Bên cạnh đó, một số dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn chủ đầu tư, nhưng việc triển khai xây dựng còn chậm, một số doanh nghiệp còn khó khăn về nguồn vốn.

Được biết, Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ cơ chế chính sách mới với gói tín dụng 145.000 tỷ đồng. Nếu những thay đổi có tính đột phá và giải quyết được những vướng mắc đang tồn tại, gói tín dụng 145.000 tỷ đồng sẽ có tác động rất lớn tới thị trường bất động sản, tạo ra quỹ nhà ở giá rẻ, vừa túi tiền, giúp an sinh xã hội, đồng thời cân bằng lại thị trường bất động sản đang bị “lệch pha” như hiện nay.

Lãnh đạo các ngân hàng hiến kế

Với thực trạng hiện nay, bản thân các ngân hàng tham gia gói tín dụng đều mong muốn có sự thay đổi lớn về cơ chế, chính sách và tháo gỡ các vướng mắc đang tồn tại nhằm tăng tốc độ giải ngân gói tín dụng 145.000 tỷ đồng.

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Ngân hàng Thương mại CP Tiên Phong (TPBank) cho rằng: Ngành ngân hàng đặc biệt chú trọng vào các lĩnh vực phát triển kinh tế bền vững, một trong số đó là nhà ở xã hội. Riêng TPBank đã tham gia vào chương trình cho vay 145.000 tỷ đồng từ tháng 7/2024.

Chủ tịch TPBank tiết lộ: Với mục tiêu tạo điều kiện cho người thu nhập thấp tiếp cận nhà ở, ngân hàng đã cam kết tài trợ 5.000 tỷ đồng, trong đó gần 800 tỷ đồng đã được giải ngân trong giai đoạn đầu.

Tuy nhiên, Chủ tịch TPBank cho rằng, mặc dù đã tích cực tham gia các chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhưng thực tế triển khai vẫn gặp nhiều trở ngại, đặc biệt là về thủ tục pháp lý và nguồn vốn đối ứng.

sep ngan hang hien ke de day nhanh toc do giai ngan goi 145000 ty dong hinh 2

Do đó, Chủ tịch TPBank mong muốn Chính phủ có chính sách hỗ trợ tốt hơn, chẳng hạn như đơn giản hóa thủ tục cấp phép và tăng cường quỹ đất dành cho nhà ở xã hội. Điều này không chỉ giúp người dân dễ dàng tiếp cận nhà ở mà còn thúc đẩy tín dụng phát triển đúng hướng.

Ngoài ra, ông Đỗ Minh Phú nhấn mạnh, để các chương trình này đạt hiệu quả cao hơn, ngân hàng mong muốn có sự hỗ trợ từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc điều chỉnh tỷ lệ vốn công, đặc biệt là cải thiện cơ chế pháp lý cho nhà ở xã hội.

Trong khi đó, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank cho rằng, hiện Agribank đã phê duyệt 13 dự án nhà ở xã hội với tổng mức phê duyệt 3.350 tỷ đồng và đang tiếp cận 5 dự án với số tiền dự kiến cấp tín dụng 2.500 tỷ đồng.

Dù vậy, ông Vượng cho rằng, để Đề án 1 triệu căn hộ được triển khai hiệu quả, các địa phương cần khẩn trương hoàn thành việc lập, sửa đổi, bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư.

Ngoài ra, Tổng giám đốc Agribank cho rằng cần cân đối bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích, ưu đãi thêm nhằm kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn.

Ngọc Tú


Nguồn:https://www.congluan.vn/sep-ngan-hang-hien-ke-de-day-nhanh-toc-do-giai-ngan-goi-145000-ty-dong-post335240.html Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...