• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giảm thuế là chia sẻ gánh nặng kinh tế với báo chí

Các cơ quan báo chí hiện nay đang phải đối diện với việc sụt giảm doanh thu mạnh mẽ, trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội đã lấy đi phần lớn doanh thu quảng cáo. Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) chính thức được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 này. Hiện nay nhiều ý kiến đưa ra đề xuất nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí.

Các cơ quan báo chí đều bị sụt giảm nguồn thu

Kinh tế báo chí chưa bao giờ nóng bỏng, phức tạp và nan giải như những năm gần đây. Doanh thu của báo chí, đặc biệt là từ quảng cáo sụt giảm mạnh, trong khi nguồn thu từ các hình thức, mô hình mới thì mới chỉ manh nha và chưa bù đắp được sự mất mát từ báo in. Đánh giá về thực trạng của ngành báo chí, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, tổng nguồn thu năm 2023 của các đài phát thanh truyền hình đã giảm hơn 20% so với năm 2022. Hầu hết các đài đều không khai thác được hết thời lượng quảng cáo trên kênh chương trình theo quy định cho phép của Luật Quảng cáo.

Trong khi đó, hàng năm, chi thường xuyên cho báo chí là dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước. Chi cho đầu tư báo chí cũng thấp, chỉ khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách Nhà nước. Đặc biệt, một số cơ quan báo chí lớn lại không hoặc có rất ít hỗ trợ hay đặt hàng từ ngân sách. Hầu hết các đài đều không khai thác được hết thời lượng quảng cáo/ngày trên kênh chương trình theo quy định cho phép của Luật Quảng cáo (tức 10% tổng thời lượng phát sóng/ngày; 5% tổng thời lượng phát sóng đối với kênh truyền hình trả tiền). Có Đài, thời lượng quảng cáo trên kênh chỉ đạt vài phút/ngày.

Cũng theo thống kê từ Bộ Thông tin và Truyền thông, nguồn thu của các cơ quan báo chí hiện trải theo phổ rất rộng từ 200-300 triệu cho đến mức 4-5.000 tỷ đồng, tuy nhiên, thực tế hiện nay, số cơ quan báo chí có nguồn thu ở mức nghìn tỷ chỉ còn khoảng một, hai cơ quan báo chí.

giam thue lachia seganh nang kinh te voi bao chi hinh 1

Trước đó, như thông tin từ Diễn đàn Kinh tế Báo chí 2023, doanh thu của Báo chí Việt Nam cũng đã giảm mạnh trong 2 năm trước đó. Cụ thể: Tổng doanh thu khối báo năm 2021 giảm 30,6% so với năm 2020 và tổng doanh thu khối tạp chí năm 2021 giảm 44,6%. Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) cũng cho thấy, 78% cơ quan báo chí có doanh thu hầu như không đổi hoặc tăng nhẹ từ 10-30%; 16,9% cơ quan báo chí vẫn ghi nhận doanh thu giảm; 71,1% cơ quan báo chí có doanh thu từ quảng cáo trên báo in giữ ổn định hoặc giảm; 74,6% cơ quan báo chí có doanh thu từ quảng cáo trên báo điện tử giữ ổn định hoặc tăng.

Chưa bao giờ nguồn thu của báo chí bị đe dọa mạnh mẽ như hiện nay. Làm thế nào để kiến tạo được nguồn thu, làm thế nào để đảm bảo được kinh tế báo chí cho tòa soạn là nỗi trăn trở thường trực lớn nhất, bài toán hóc búa đang cấp thiết cần lời giải nhất hiện nay của tất cả lãnh đạo các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí đang tự chủ hoàn toàn về tài chính.

Thực tế, trong bối cảnh bùng nổ thông tin và mạng xã hội, ngành báo chí đang phải đối diện vô vàn khó khăn, thách thức, đặc biệt là cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính. Ngoài phải cạnh tranh về thông tin, tin giả, tin thật… với các nền tảng mạng xã hội, các cơ quan báo chí còn đối mặt với khó khăn về kinh tế. Do sự phát triển của các nền tảng kỹ thuật số và mạng xã hội, các nhà quảng cáo có nhiều lựa chọn hơn và không còn phụ thuộc nhiều vào các tờ báo và đài phát thanh, truyền hình như trước đây. Điều này dẫn đến sự sụt giảm đáng kể doanh thu quảng cáo của các cơ quan báo chí truyền thống.

Mặt khác, để cạnh tranh và tồn tại trong môi trường thông tin số hóa, các cơ quan báo chí buộc phải đầu tư công nghệ, hạ tầng kỹ thuật và đào tạo nhân lực. Những chi phí này ngày càng tăng cao và tạo ra áp lực lớn lên ngân sách của các cơ quan báo chí. Cùng với đó, việc chuyển đổi từ mô hình báo chí truyền thống sang báo chí số hóa đòi hỏi các cơ quan báo chí phải thay đổi toàn diện về mô hình kinh doanh.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, sự phát triển của công nghệ số, truyền thông xã hội trên các nền tảng số xuyên quốc gia, doanh thu của các cơ quan báo chí cùng với những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện cơ chế tài chính càng khiến cho hoạt động của các cơ quan báo chí khó khăn hơn. Chưa kể, với kinh phí sản xuất ngày càng tăng trong tất cả các lĩnh vực, từ thù lao chi trả cho nguồn nhân lực, tổ chức sản xuất… Dịch vụ báo chí là dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, vì thế Nhà nước cần hỗ trợ và bảo đảm các điều kiện để báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ.

Cần áp dụng chính sách thuế ưu đãi cho tất cả các loại hình báo chí

Tại buổi họp báo thường kỳ Quý 3 năm 2024 của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, cơ quan này đang xem xét các phương án hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí. Việc điều chỉnh thuế suất nhằm mục tiêu giảm bớt khó khăn cho ngành báo chí, đặc biệt trong bối cảnh các cơ quan báo chí đang gặp nhiều thách thức, đặc biệt là sự suy giảm về nguồn thu quảng cáo.

Trước đây, các cơ quan báo in đã được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với mức 10%, tạo điều kiện cho loại hình báo chí truyền thống hoạt động trong một môi trường tài chính thuận lợi hơn. Tuy nhiên, theo ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), trong thời gian gần đây, tình hình tài chính của toàn bộ các cơ quan báo chí, bao gồm cả báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình đều gặp khó khăn lớn.

Nguyên nhân chính là sự sụt giảm mạnh mẽ trong nguồn thu từ quảng cáo – một trong những nguồn thu nhập quan trọng nhất của ngành báo chí. Mặt khác, hiện nay, theo quy định tại Điều 10 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, các cơ quan báo chí, trừ báo in, phải chịu mức thuế suất phổ thông là 20%. Mức thuế này đã tạo ra sự chênh lệch giữa các loại hình báo chí, gây khó khăn cho báo điện tử và các loại hình khác trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về nguồn thu.

Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để nghiên cứu và xây dựng các phương án ưu đãi thuế nhằm hỗ trợ tất cả các loại hình báo chí, không chỉ báo in. Cụ thể, trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đã bổ sung quy định áp dụng thuế suất ưu đãi 15% đối với thu nhập từ các hoạt động báo chí khác ngoài báo in. Đối với báo in, mức thuế suất ưu đãi 10% sẽ được giữ nguyên như hiện hành.

Ông Trương Bá Tuấn cho biết, đề xuất mức thuế suất ưu đãi 15% đối với các loại hình báo chí khác ngoài báo in đã được cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm sự tương quan với các ngành nghề khác. Mức thuế này được đánh giá là hợp lý trong bối cảnh hiện tại, vừa đảm bảo tính công bằng giữa các ngành, vừa giúp các cơ quan báo chí vượt qua khó khăn tài chính.

Với đề xuất điều chỉnh trên, Bộ Tài chính mong muốn tạo sự bình đẳng hơn trong chính sách thuế đối với tất cả các loại hình báo chí, đồng thời khuyến khích sự phát triển của báo chí trong thời đại số hóa và chuyển đổi số. Đối với báo in, mức thuế suất ưu đãi 10% vẫn sẽ được duy trì, trong khi các loại hình báo chí khác sẽ được hưởng mức thuế 15%.

giam thue lachia seganh nang kinh te voi bao chi hinh 2

Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) gồm 04 chương, 20 điều, đang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét để trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 nếu đủ điều kiện, yêu cầu đặt ra. Một trong những điểm mới của dự án Luật là bổ sung quy định áp dụng thuế suất ưu đãi 15% đối với thu nhập của các cơ quan báo chí từ các hoạt động báo chí khác ngoài báo in. Riêng báo in tiếp tục áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10% như quy định hiện hành.

Trước đề xuất của Bộ Tài chính, tại Phiên họp thứ 37 thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đã nêu ý kiến về sự khó khăn của các cơ quan báo chí hiện nay, đặc biệt là báo điện tử. Theo đó, trong khi báo in được hưởng mức thuế ưu đãi 10% thì các cơ quan báo điện tử không được hưởng ưu đãi tương tự, dẫn đến tình trạng khó khăn tài chính cho các cơ quan này.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng chỉ ra rằng, hiện nay, các cơ quan báo chí chủ yếu phụ thuộc vào nguồn thu từ quảng cáo. Tuy nhiên, “miếng bánh” quảng cáo dành cho báo chí đã bị thu hẹp đáng kể, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các cơ quan báo chí. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, tất cả các loại hình báo chí, từ báo in, báo điện tử đến phát thanh và truyền hình, đều là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ quan Nhà nước. Do đó, các loại hình này nên được hưởng ưu đãi thuế tương đương với báo in, nhằm tạo sự cân bằng và công bằng trong môi trường báo chí.

Giảm thuế từ 20% về 15%: Không thấm vào đâu!

Với đề xuất bổ sung hoạt động báo chí (bao gồm cả quảng cáo trên báo) nói chung được áp dụng thuế ưu đãi thu nhập doanh nghiệp 15% (riêng báo in tiếp tục áp dụng mức 10%), các chuyên gia đưa ra thêm các đề xuất giúp các cơ quan báo chí giảm căng thẳng trong bối cảnh doanh thu sụt giảm.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, việc giảm thuế thêm 5% cho các cơ quan báo chí hiện nay không “thấm” là bao do mức thu nhập của các cơ quan báo chí rất hạn chế. Vị chuyên gia nhận xét, đối với ngành báo chí, bên cạnh câu chuyện hạ thuế suất cho các cơ quan báo chí thì điều quan trọng hơn cả là làm sao để ngành báo chí có thêm thu nhập. Bởi thực tế, thu nhập của các cơ quan báo chí trong bối cảnh hiện nay nhìn chung đang ở mức thấp.

Theo đánh giá của ông Ánh, chính sách giảm thuế là cần thiết để chia sẻ khó khăn với ngành báo chí, đặc biệt là lĩnh vực báo in đang phải đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt. Thậm chí, chuyên gia Vũ Đình Ánh còn kiến nghị, khi thu nhập của ngành báo chí đang ở mức “èo uột” thì về mặt chính sách hỗ trợ, Nhà nước có thể mạnh dạn tính đến phương án miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.

“Trong bối cảnh ngành đang gặp khó khăn, lãi thấp, thậm chí còn lỗ thì việc đánh thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ không mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách. Do vậy, có thể miễn thuế cho các cơ quan báo chí, nhất là báo in, trong vài năm đến khi phục hồi trở lại”, vị chuyên gia đặt vấn đề. Theo ông Ánh, cần phải đánh giá được một cách đầy đủ về thực trạng ngành báo chí hiện tại cũng như triển vọng cải thiện thu nhập của ngành trong tương lai để vực dậy kinh tế báo chí. Thuế chỉ đóng góp một phần hỗ trợ nhất định.

Còn theo luật sư Trương Thanh Đức, nguyên tắc chung thuế là công cụ để khuyến khích và không khuyến khích các ngành kinh doanh. Những ngành cần hạn chế như bia rượu, casino còn cần đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong khi đó, báo chí là một trong những ngành đầu tiên cần khuyến khích để phổ biến tới xã hội. Theo luật sư, không nên nhìn vào doanh thu hay hiệu quả đồng tiền đối với những lĩnh vực như vậy bởi đầu tư cho con người, văn hóa rất quan trọng.

Chuyên gia cho rằng tốt nhất là nên miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với lĩnh vực báo chí hoặc nếu có thì chỉ nên ở mức thấp nhất là 5%. Luật sư Trương Thanh Đức đề xuất mức thuế 2%. Khi giảm thuế hoặc miễn thuế đối với lĩnh vực báo chí thì không ảnh hưởng đến nguồn thu Ngân sách Nhà nước do thu thuế trong lĩnh vực này hiện không nhiều.

Khánh An


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...