• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quốc hội "chốt" Ngân hàng Nhà nước được quyết cho vay đặc biệt lãi suất 0% một năm

Ngân hàng Nhà nước chỉ cho vay đặc biệt lãi 0% một năm không có tài sản bảo đảm khi tổ chức tín dụng rơi vào trạng thái khó khăn về thanh khoản, hoặc để thực hiện phục hồi, chuyển giao bắt buộc.

Với 435/443 đại biểu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các tổ chức tín dụng sáng 27/6. Nội dung mới của luật lần này, là tăng phân cấp quyền quyết việc cho vay đặc biệt với khoản vay lãi suất 0% một năm, không có tài sản đảm bảo từ Thủ tướng sang Ngân hàng Nhà nước.

Đại biểu Quốc hội tại phiên họp sáng 27/6. Ảnh: P.Thắng

Giải trình tiếp thu trước khi Quốc hội biểu quyết, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Chính phủ đã điều chỉnh lại quy định, nhằm đảm bảo việc cho vay đặc biệt của Ngân sách Nhà nước chỉ được thực hiện khi tổ chức tín dụng rơi vào trạng thái khó khăn về thanh khoản (ngân hàng bị rút tiền hàng loạt có nguy cơ mất khả năng chi trả), hoặc để thực hiện phục hồi, chuyển giao bắt buộc với mục tiêu đảm bảo an toàn hệ thống, quyền lợi người gửi tiền.

Theo đó, luật quy định “Ngân hàng Nhà nước quyết định cho vay đặc biệt có tài sản bảo đảm, không có tài sản bảo đảm với tổ chức tín dụng trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 192 của luật này. Tài sản bảo đảm của khoản vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước là 0% một năm”.

Liên quan tới thu giữ tài sản đảm bảo, các ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung cơ chế phối hợp giữa UBND cấp xã, và cơ quan công an cấp xã, để phù hợi lợi ích hợp pháp của người bị thu giữ tiền và tiếp tục kế thừa 2 quy định của Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu các ngân hàng.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các tổ chức tín dụng. Ảnh: Đ.X

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, luật chỉ quy định sự tham gia của UBND và cơ quan Công an cấp xã trong quá trình thu giữ tài sản. Tức là, cơ bản phù hợp việc sắp xếp lại đơn vị hành chính, chính quyền hai cấp.

Theo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), các đơn vị mua bán và xử lý nợ được quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Việc này chỉ được thực hiện khi tổ chức tín dụng có thỏa thuận trước với bên đi vay.

Tài sản đảm bảo bị thu giữ không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý, nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết ở tòa.

Để tránh lạm dụng quyền thu giữ tài sản này, luật quy định trong quá trình thực hiện, tổ chức tín dụng không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội. Tài sản đảm bảo phải đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, sau khi luật được Quốc hội được thông qua, Chính phủ sẽ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan có liên quan để rà soát, đánh giá, đề xuất các nội dung nhằm triển khai, thi hành luật, bảo đảm thống nhất, hiệu quả.

Trong đó , sẽ xử lý một số vấn đề như: cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước với hoạt động thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, cũng như trách nhiệm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Luật có hiệu lực thi hành từ 15/10.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...