Sacombank (STB) hoàn thành chỉ tiêu xử lý 21.576 tỷ đồng lãi dự thu còn tồn đọng
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - Mã chứng khoán: STB) cho biết đã hoàn thành chỉ tiêu xử lý 21.576 tỷ đồng lãi dự thu còn tồn đọng thuộc Đề án tái cơ cấu, từ đó có thêm nguồn lực để tăng tốc hoạt động kinh doanh.
Cụ thể, trong quý II/2022, Sacombank chỉ ghi nhận hơn 2.600 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, giảm tới 17% so với cùng kỳ năm trước. Dù tăng trưởng cao ở các mảng kinh doanh ngoài lãi nhưng lại “đi lùi” ở mảng kinh doanh chính là cho vay.
Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng trong quý II đạt 1.319 tỷ đồng, giảm gần 7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng đạt 804 tỷ đồng, giảm gần 28% so với cùng kỳ năm trước.
Dù ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong quý II, tính chung 6 tháng đầu năm 2022, Sacombank vẫn đạt hơn 11.250 tỷ đồng tổng thu nhập và hơn 2.900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng lần lượt 26,6% và 20% so với cùng kỳ năm trước.
Sacombank (STB) hoàn thành chỉ tiêu xử lý 21.576 tỷ đồng lãi dự thu còn tồn đọng |
Trong đó, thu nhập đạt cao nhờ việc thu dịch vụ tăng gần 85% với sự đóng góp lớn từ mảng dịch vụ thẻ, dịch vụ bảo hiểm và ngân hàng điện tử. Tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng của ngân hàng cũng đến từ hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối và hoạt động khác thông qua xử lý nợ xấu.
Quy mô hoạt động của Sacombank tăng trưởng mạnh với tổng tài sản hợp nhất đạt hơn 551.000 tỷ đồng, tăng 5,8% so với đầu năm. Tổng huy động đạt hơn 493.000 tỷ đồng, tăng 6,2% so với đầu năm.
Dư nợ tín dụng đạt gần 415.000 tỷ đồng, tăng gần 7% so với đầu năm. Công tác thu hồi, xử lý nợ xấu được đẩy mạnh, hơn 12.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng được xử lý, đưa tỷ lệ nợ xấu giảm về mức 1,22%.
Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) tăng trưởng tích cực, lần lượt đạt 0,77% và 11,86%.
Đáng chú ý, Sacombank cho biết đã hoàn thành chỉ tiêu xử lý 21.576 tỷ đồng lãi dự thu còn tồn đọng thuộc Đề án tái cơ cấu, từ đó có thêm nguồn lực để tăng tốc hoạt động kinh doanh.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên hồi tháng 4/2022, Ban lãnh đạo Sacombank từng chia sẻ mục tiêu chậm nhất đến năm 2023 sẽ hoàn tất xử lý toàn bộ các vấn đề tồn đọng thuộc đề án, chính thức hoàn thành trước hạn đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Trên cơ sở đó, Sacombank sẽ thực hiện các thủ tục xin phép Ngân hàng Nhà nước để thực hiện chia cổ tức cho cổ đông.
Tính đến hết tháng 6/2022, lợi nhuận trước trích lập Đề án của Sacombank đạt hơn 10.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, do tập trung tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro và phân bổ chi phí Đề án, lợi nhuận trước thuế của ngân hang còn hơn 2.900 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước và đạt 55,1% kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao. Hệ số an toàn vốn (CAR) luôn duy trì trên mức 9%.
Cũng theo Sacombank, từ đầu năm đến nay, ngân hàng đã tập trung đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, xem đây là yếu tố tiên quyết để nâng cao năng lực số, nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của Sacombank trên thị trường.
Trong đó, Sacombank đã kết hợp với Tổ chức thẻ quốc tế Mastercard cho ra mắt thẻ tích hợp 1 chip Sacombank Mastercard Only One - dòng thẻ quốc tế công nghệ cao lưu trữ thông tin thẻ tín dụng và thẻ thanh toán trên cùng một con chip.
Sacombank cũng vừa triển khai dịch vụ giao dịch qua email với chữ ký số và mở tài khoản giao dịch trực tuyến (thông qua công nghệ eKYC) dành cho doanh nghiệp. Đồng thời, tiến tới xây dựng ngân hàng hợp kênh (Omni-Chanel Banking) nhằm gia tăng tiện ích, mang tới trải nghiệm liền mạch và trọn vẹn cho khách hàng.
Sắp tới, Sacombank sẽ tiếp tục mục tiêu số hóa toàn diện, tập trung đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu, quyết liệt triển khai các giải pháp để xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng; tiếp tục hoàn thiện các dự án quản trị rủi ro đáp ứng theo tiêu chuẩn Basel II…
Năm 2022, Sacombank đặt mục tiêu tăng tổng tài sản lên trên 573.000 tỷ đồng, tăng 10% so với 2021; nguồn vốn huy động tăng 10%, dư nợ tín dụng tăng 12%, lợi nhuận trước thuế tăng 20% lên 5.280 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Thu Thủy