Thêm nhiều ngân hàng thương mại manh nha nới room ngoại trong năm 2022
Bộ phận phân tích cho rằng nếu được chọn trở thành ngân hàng thí điểm sẽ là một yếu tố hỗ trợ giá của cổ phiếu, khi việc nới giới hạn sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư dài hạn hơn.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Trong năm 2022, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) có dự định nới room ngoại. Cụ thể, tại hội nghị triển khai công tác hoạt động kinh doanh năm 2022, đại diện Vietcombank đề xuất NHNN được tăng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 35%.
Hay tại VPBank, ngân hàng đã có tờ trình xin ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 15% lên 17,5% vốn điều lệ.
Phía ngân hàng cho biết việc nới room ngoại lên 17,5% là tỷ lệ đủ để VPBank có thể phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ sau khi phát hành.
Kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài đã được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên. Ngân hàng lên kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài và thậm chí còn "để dành" cả phần cổ phiếu quỹ để chào bán cho đối tác.
Chủ tịch Ngô Chí Dũng cho biết VPBank sẽ mở room ngoại tối đa, ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược và có thể phát hành cổ phiếu vào cuối năm nay để huy động vốn cho ngân hàng.
Tại buổi trao đổi trực tuyến với nhà đầu tư quý III, lãnh đạo VPBank dự kiến có thể hoàn tất kế hoạch này trong quý I/2022. Nếu phát hành thành công, vốn chủ sở hữu của nhà băng này có thể đạt kỷ lục trên dưới 120.000 tỷ đồng.
Trước đó, VPBank chốt room ngoại ở mức 15% vào tháng 5/2021, với tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại là trên 20% vốn điều lệ ngân hàng.
Song, room ngoại của ngân hàng vẫn chưa thể xuống mức 15% dù nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra liên tục cổ phiếu VPB kể từ tháng 5/2021 đến nay.
Tính riêng tuần 13-17/12/2021, khối ngoại bán ròng mạnh hơn 1.226 tỷ đồng VPB, chiếm tới gần 30% khối lượng bán ròng trên toàn sàn HOSE. Do đó, việc nới room ngoại lên 17,5% như đã đề cập phía trên được kỳ vọng sẽ làm giảm áp lực bán ra của khối ngoại để hạ tỷ lệ sở hữu trong thời gian tới.
Trong khi đó, HDBank đang là một trong số ít ngân hàng đang được xem xét nới giới hạn sở hữu nước ngoài lên 49% theo lộ trình quy định trong thỏa thuận thương mại EVFTA, theo Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam.
Bộ phận phân tích cho rằng nếu được chọn trở thành ngân hàng thí điểm sẽ là một yếu tố hỗ trợ giá của cổ phiếu, khi việc nới giới hạn sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư dài hạn hơn.
Nguồn: Bloomberg |
Anh Khôi