Tổng thuật: Hội thảo “Sử dụng đòn bẩy tài chính hiệu quả - Cơ hội an cư cho người trẻ”
Sáng 26/6, Báo Thanh tra tổ chức Hội thảo với chủ đề “Đòn bẩy tài chính hiệu quả - Cơ hội an cư cho người trẻ”.
Nhà ở không chỉ là nhu cầu thiết yếu, mà còn là nền tảng để người trẻ “an cư lạc nghiệp”, ổn định cuộc sống và đóng góp hiệu quả cho sự phát triển của đất nước.
Đến nay, theo thống kê, Việt Nam có quy mô dân số khoảng hơn 101 triệu dân. Trong đó, nhóm dân số từ 18 đến 35 tuổi hiện chiếm khoảng 30–32% tổng dân số Việt Nam, tương đương trên 30 triệu người. Đây là lực lượng lao động trẻ năng động, có nhu cầu rất lớn về tạo lập nhà ở tại các khu đô thị và vùng công nghiệp trọng điểm.
Song khả năng sở hữu nhà ở của đa số người trẻ vẫn rất hạn chế. Bởi nguồn cung bất động sản còn hạn chế và giá tăng cao. Trong khi, người trẻ lại gặp nhiều rào cản, từ thu nhập cá nhân luôn “đuổi không kịp” giá nhà, đến khó khăn trong tiếp cận tín dụng.
Vậy làm thế nào để người trẻ sử dụng đòn bẩy tài chính thông minh trong hành trình mua nhà? Họ có thể tiếp cận gói tài chính nào, thủ tục và điều kiện vay vốn? Những nội dung này sẽ được bàn thảo, phân tích tại Hội thảo “Đòn bẩy tài chính hiệu quả - Cơ hội an cư cho người trẻ” do Báo Thanh tra tổ chức.
Hội thảo có sự tham dự của các vị khách mới:
- Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Việt Nam;
- Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản;
- Luật sư Trương Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam;
- TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia tài chính;
- TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế;
- Đại diện các Ngân hàng Agribank, VIB, VPBank...
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng Biên tập Báo Thanh tra Chu Văn Thủy, “an cư lạc nghiệp” không chỉ là giá trị truyền thống, mà còn là một mục tiêu căn bản trong hành trình lập thân, lập nghiệp của thanh niên Việt Nam.
Phó Tổng Biên tập Báo Thanh tra Chu Văn Thủy
Tuy nhiên, ông Thủy nhìn nhận, trong bối cảnh giá nhà đất tăng cao, mặt bằng thu nhập chưa theo kịp, lãi suất tín dụng biến động và thị trường bất động sản còn nhiều rủi ro, việc sở hữu nhà trở thành một bài toán khó, nhất là với người trẻ ở độ tuổi khởi đầu sự nghiệp.
“Báo Thanh tra, với vai trò là cơ quan ngôn luận của Thanh tra Chính phủ, luôn theo sát những vấn đề bức thiết của xã hội, trong đó có bài toán “an cư” cho giới trẻ. Chúng tôi tổ chức hội thảo này nhằm tạo ra một diễn đàn trao đổi thẳng thắn, đa chiều, từ chính sách đến thực tiễn, từ góc độ quản lý nhà nước đến trải nghiệm người tiêu dùng”, ông Thủy nói.
Chia sẻ phản ánh của nhiều bạn trẻ, nhất là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, ông Thủy cho hay, dù có nhu cầu vay mua nhà, song vẫn gặp khó khăn trong hoàn tất hồ sơ do thiếu vốn tự có hoặc không đáp ứng được yêu cầu chứng minh thu nhập.
Theo ông, với mặt bằng giá căn hộ phổ biến hiện nay dao động từ 2 - 3 tỷ đồng, việc chuẩn bị khoản vốn đối ứng từ 20 - 30% theo quy định của ngân hàng, tương đương vài trăm triệu đồng, là trở ngại không nhỏ với nhóm thu nhập phổ thông.
Quy trình vay vốn đôi khi còn thiếu linh hoạt, chưa phù hợp với những người lao động tự do, không có bảng lương cố định, dẫn đến việc bị hạn chế khả năng tiếp cận tín dụng nhà ở.
Hội thảo hôm nay quy tụ các nhà hoạch định chính sách, đại diện ngân hàng, chuyên gia tài chính, doanh nghiệp bất động sản và người trẻ - là những người trong cuộc - để cùng bàn về các giải pháp thiết thực.
Ông Thủy mong muốn hội thảo sẽ phân tích kỹ lưỡng chính sách tín dụng hiện hành và khả năng tiếp cận vốn vay của người trẻ; chia sẻ giải pháp lập kế hoạch tài chính cá nhân, kiểm soát rủi ro và sử dụng đòn bẩy tín dụng đúng cách; đề xuất chính sách hỗ trợ dài hạn, nhằm mở rộng cơ hội an cư nhưng vẫn đảm bảo an toàn tín dụng quốc gia…
“Hy vọng rằng, hội thảo hôm nay sẽ không dừng lại ở những con chữ, những khuyến nghị, mà sẽ tạo thành những hành động cụ thể, những chính sách phù hợp, và những kế hoạch tài chính thực tế để người trẻ Việt Nam tiến gần hơn tới giấc mơ “an cư lạc nghiệp”, theo lời lãnh đạo Báo Thanh tra.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh, phát triển nhà ở nói chung và nhà ở cho người thu nhập thấp nói riêng là chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Trong tình hình mới, đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị cần ưu tiên trong phát triển xã hội, với mục tiêu năm 2030 hoàn thành 1 triệu căn nhà ở xã hội, trọng tâm là hướng tới nhóm đối tượng công nhân khu công nghiệp.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Trên cơ sở đó, ngành ngân hàng thực hiện nhiều giải pháp để ưu tiên nguồn vốn tín dụng và thực hiện đồng bộ các giải pháp giúp người trẻ có nhà ở. Từ đó tạo môi trường thuận lợi cho các nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu tài chính cho các đối tượng.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, bà Giang thông tin, đã hoàn thiện các văn bản pháp lý như: Ban hành Thông tư 22 sửa đổi Thông tư 41 quy định đảm bảo tỷ lệ an toàn áp dụng cho các khoản vay từ 20-50%, tạo điều kiện tài chính tín dụng có dư địa cho đối tượng có nhu cầu.
“Dòng vốn tín dụng được hướng vào phân khúc nhà ở giá rẻ”, bà Giang nhấn mạnh và cho hay, Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp với Bộ Xây dựng để chỉ đạo triển khai cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tiếp tục cập nhật....